Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Công thương trả lời kiến nghị cử tri về giảm thủ tục hành chính, giấy phép con trong xuất khẩu

Ngày đăng 11/10/2019

Xem với cở chữ : A- A A+
Ngày 12/9/2019, Bộ Công thương có văn bản số 6753/BCT-KH về trả lời kiến nghị của cử tri An Giang gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Kiến nghị cử tri như sau:

Thời gian qua Nhà nước có nhiều chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu như giảm thủ tục hành chính, tuy nhiên để thực sự “cởi trói” cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đề nghị Bộ cắt giảm các thủ tục hành chính, đặc biệt là xóa bỏ triệt để giấy phép con.

 Bộ Công thương trả lời như sau:

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính nói chung luôn đuợc Bộ Công thương chú trọng, trong đó tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi người dân, doanh nghiệp. Theo kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2018, Bộ Công thương xếp thứ 5/19 trong số các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu nói chung và liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành nói riêng của Bộ Công thương đều đang được niêm yết công khai, từng bước được áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 (thủ tục khai báo hóa chất, tiền chất; thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu tự động...). Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 43/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2018 quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương. Theo đó, Bộ Công thương đã áp dụng, chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng đơn giải hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành và quản lý rủi ro đối với hàng hóa nhập khẩu trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Đến hết năm 2018, Bộ Công thương đã triển khai 47 dịch vụ công trực -tuyến trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở cấp độ 3 và 4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công thương tại địa chỉ http://online.moit.gov.vn. Đây đều là những TTHC có số lượng hồ sơ nhiều, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong năm 2018, số lượng hồ sơ xuất nhập khẩu được xử lý trực tuyến là 1.484.656 bộ hồ sơ.

Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục thực hiện công tác cải cách TTHC theo hướng công khai minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể Bộ tiếp tục thực hiện có hiệu quả, cụ thể là:

Bộ tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công thương, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, tổ chức trong việc tiếp cận, thực hiện các TTHC do Bộ Công thương cung cấp; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng hoàn thiện khung khổ pháp lý, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm các điền kiện đầu tư kinh doanh, và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu.

Bộ Công thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng đổi mới căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng doanh nghiệp, áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên; tập trung rà soát, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đáp ứng tiến độ cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, Bộ tập trung triển khai thực hiện Cơ chế Một cửa Quốc gia và kết nối đầy đủ với Cơ chế Một cửa quốc gia và sẵn sàng kểt nối trao đổi thông tin với các đối tác thương mại ngoài ASEAN của Việt Nam để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và tăng cường kiểm soát hàng hóa nhập khẩu./.

Nguyễn Linh