Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời kiến nghị của cử tri về nâng mức hỗ trợ cho nông dân khi thu hồi đất

Ngày đăng 03/10/2019

Xem với cở chữ : A- A A+

Hiện nay diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do việc giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án. Nông dân về cơ bản chấp hành tốt chủ trương chung của nhà nước. Tuy nhiên, việc áp giá hỗ trợ, đền bù cho nông dân cò thấp so với mặt bằng thị trường. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ cho nông dân khi bị thu hồi đất để có điều kiện chuyển đổi sang ngành nghề khác. Đồng thời có biện pháp cụ thể để hỗ trợ giải quyết việc làm cho những hộ dân có diện tích thu hồi từ 50% đến 70% trở lên, nhất là những người ở lức tuổi từ 45 đến 60 tuổi khi các doanh nghiệp không sử dụng lao động độ tuổi này.

Ngày 18/9/2019, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường công văn số 4700/BTNMT-PC về việc trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV như sau:

Về giá đất, theo quy định tại khoản 3, điểm đ khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai thì giá đất để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 112 Luật Đất đai thì nguyên tắc định giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Do đó, trường hợp giá đất bồi thường thấp, đề nghị cử tri phản ánh ý kiến với UBND tỉnh để nghiên cứu, xem xét, giải quyết.

Về vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp qua luôn được Đảng và nhà nước chú trọng quan tâm, đặc biệt là đối với người trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Cụ thể gồm:

- Tại Điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai) quy định: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền; hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất quy định tại các điểm d, đ, và e khoản 1 Điều 19 của Nghị định này (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh, của công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thì được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương theo quy định tại Điều 129 của Luật Đất đai; mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định căn cứ điều kiện thực tế của địa phương.

- Tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định: UBND cấp tỉnh căn cứ cơ chế, chính sách giải quyết việc làm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, chỉ đạo lập và tổ chức thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người trong độ tuổi lao động tại địa phương (Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất); phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm được lập và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm phải lấy ý kiến của người thu hồi đất.

- Tại Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định: Ngoài việc hỗ trợ quy định tại các Điều 19, 20, 21, 22, 23 và 24 Nghị định này, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định biện pháp hỗ trợ khác để đảm bảo có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi; trường hợp hộ gia đình, cá nhân  trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai thì UBND cấp tỉnh xem xét hỗ trợ phù hợp với thực tế của địa phương; trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Như vậy, chính sách về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đã được Chính phủ quy định cơ bản đầy đủ và bảo đảm tạo việc làm cho người có đất nông nghiệp. Tuy nhiên UBND tỉnh Nam Định quy định mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng 03 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá các loại đất do UBND tỉnh ban hành (quy định tại khoản 1 Điều 4 Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND ngày 24/3/2015 và khoản 1 Điều 4 Quyết định số 16/2018/QĐ-UBND ngày 02/7/2018) là chưa vượt mức tối đa Chính phủ cho phép. Đối với hỗ trợ giải quyết việc làm cho những hộ dân có diện tích thu hồi từ 50% đến 70% trở lên, nhất là những người ở lức tuổi từ 45 đến 60 tuổi khi các doanh nghiệp không sử dụng lao động độ tuổi này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết hỗ trợ khác cho người có đất thu hồi./.

Kim Yến