Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời kiến nghị cử tri về hạn chế xây đập thủy điện trên sông Mê Kông

Ngày đăng 23/04/2020

Xem với cở chữ : A- A A+
Ngày 09/4/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn số 1922/BTNMT-PC về trả lời kiến nghị của cử tri An Giang gửi tới sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Kiến nghị cử tri như sau:

Cử tri đề nghị có sự phối hợp hiệu quả với các nước thượng nguồn sông Mê Kông trong việc hạn chế xây dựng các đập thủy điện, vì sẽ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và nguồn phù sa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường xin trả lời như sau:

- Thực trạng và nguyên nhân

Vùng lưu vực sông Mê Công thuộc Việt Nam (gồm đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên) phần lớn nằm ở cuối nguồn, chiếm khoảng 8% diện tích lưu, với mức đóng góp khoảng trên 50 tỷ m3 nước, tương ứng khoảng 11%. Trên thượng nguồn dòn chính Mê Công, hàng loạt thủy điện đã xây dựng và đang vận hành tác động mạnh mẽ đến chế dòng chảy cả mùa lũ và mùa cạn, làm suy giảm hàm lượng phù sa sông Mê Công. Bên cạnh đó, còn mười một dự án thủy điện đã được đề xuất xây dựng trên dòng chính sông Mê Công. Các bậc thang thủy điện dòng chính và các hệ thống chuyển nước từ dòng chính sông Mê Công sẽ gây tác động bất lợi nghiêm trọng nhất chủ yếu do tác động tổng hợp của các đập ngăn sông và sụt giảm chất dinh dưỡng chứa trong phù sa bùn cát ở hạ lưu. Hiện nay, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công về đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô năm 2020 thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-45% do lượng mưa trên lưu vực rất thấp. Những vấn đề này gây ảnh hưởng nặng nề tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long, điển hình là đợt hạn hán xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô năm 2016 và đang diễn ra trong mùa khô năm nay.

 

- Các giải pháp đã thực hiện

 

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với BĐKH, Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội ngày 12/4/2016 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020: “Kiên trì đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công”; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và căn cứ thực trạng, quy hoạch công trình thủy điện trên sông Mê Công, Bộ đã phối hợp với các Bộ ngành triển khai thực hiện một số công việc chủ yếu sau:

 

+ Chính phủ Việt Nam đã mời Chính phủ Lào và Campuchia cử chuyên gia tham gia tiến hành “Nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công” nhằm tạo cơ sở khoa học để trao đổi với các quốc gia ven sông khác về kế hoạch xây dựng các công trình thuỷ điện dòng chính hướng tới sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mê Công. Nghiên cứu do Tư vấn quốc tế DHI của Đan Mạch thực hiện đã kết thúc vào tháng 12 năm 2015. Theo đó, kết quả nghiên cứu chính chỉ ra rằng: trường hợp toàn bộ 11 công trình thuỷ điện dòng chính thì dòng chảy sụt giảm từ 34-41%; xâm nhập mặn vào sâu thêm trên các sông Tiền và sông Hậu từ 7-13 km; tổng lượng phù sa bùn cát giảm tới 64%; tổng lượng chất dinh dưỡng giảm tới 67%; sản lượng đánh bắt thuỷ sản giảm tới 51% và tác động tới đa dạng sinh học; trường hợp có thêm các thủy điện dòng nhánh: ngoài tác động như kịch bản trên thì: phù sa bùn cát giảm tới 65%, thuỷ sản giảm tới 52%; trường hợp có thêm chuyển nước rà ngoài lưu vực của Thái Lan thì ngoài tác động như các kịch bản trên còn làm dòng chảy sụt giảm tới 47%, xâm nhập mặn vào sâu thêm tới 17 km trong mùa khô.

 

+ Đề nghị các địa phương chủ động điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân, xem xét lùi thời vụ, chuyển đổi sản xuất nếu nguồn nước không bảo đảm cung cấp trong suốt thời gian sản xuất. Tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn liên quan đến thời vụ và tổ chức sản xuất để hạn chế nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chủ động tích trữ nước trong các hồ, ao, vùng trũng thấp, kênh rạch,... để sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

 

+ Tham gia tích cực trong việc hợp tác Mê Công - Lan Thương; hợp tác song phương; hợp tác Ủy hội Mê Công quốc tế.

 

- Giải pháp triển khai trong thời gian tới:

 

+ Các nghiên cứu về tác động là rất lớn do đó cần tiếp tục đưa vấn đề phát triển thuỷ điện dòng chính vào các thoả thuận cấp cao với Lào và Campuchia; đẩy mạnh theo dõi, giám sát các tác động của thuỷ điện dòng chính thông qua mạng giám sát của Ủy hội sông quốc tế; chủ động đối thoại với các nước bạn về kế hoạch và tình hình triển khai các công trình thủy điện dòng chính theo các kênh hợp tác đa phương và song phương; chủ động xây dựng Kế hoạch hành động thích ứng với các tác động; tăng cường hoạt động xây dựng các công cụ hỗ trợ ra quyết định như: tăng cường mạng theo dõi giám sát tác động trong nước; xây dựng cơ sở dữ liệu lưu vực; xây dựng các công cụ theo dõi, giám sát và đánh giá tác động…

 

+ Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy Ủy hội sông Mê Công quốc tế đề nghị các nước ven sông thực hiện Hiệp định Mê Công 1995 và Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận của Ủy hội sông Mê Công quốc tế tiến hành tham vấn trước đối với các dự án công trình thủy thủy điện, chuyển nước trên dòng chính sông Mê Công.

 

+ Hoàn thiện việc xây dựng, đàm phán và ký kết Hiệp định về Quy chế sử dụng nước dọc biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia nhằm sử dụng bền vững tài nguyên nước, bảo vệ môi trường; quản lý, phòng, chống và giảm nhẹ các tác động của lũ và hạn và các tác hại liên quan đến nước vì lợi ích chung.

 

+ Về phần trong nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn theo dõi, tăng cường dự báo, cung cấp các bản tin nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương để chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; tổ chức điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng khan hiếm nước; Tổ chức thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ công tác dự báo xâm nhập mặn; đề xuất tăng cường xả nước từ các hồ chứa thủy điện để đẩy mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long khi cần thiết./.

Nguyễn Linh