Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời kiến nghị cử tri về quản lý chất cấm trong chăn nuôi

Ngày đăng 14/03/2019

Xem với cở chữ : A- A A+
Ngày 07/3/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 1650/BNN-CN về trả lời kiến nghị của cử tri An Giang gửi tới Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Cử tri đã gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV như sau:

Cử tri bức xúc tình trạng hiện nay, việc quản lý sử dụng chất cấm trong ngành chăn nuôi còn diễn ra phức tạp, hàng gian, hàng giả, hàng kém cht lượng còn nhiều. Đề nghị tăng mức xử phạt để đảm bảo an toàn cho người dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:

1. Trong chăn nuôi, các loại hàng hóa có nguy cơ về an toàn thực phẩm liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, các loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi chủ yếu thuộc về thức ăn chăn nuôi. Khi vật nuôi được nuôi bằng thức ăn chăn nuôi giả, thức ăn kém chất lượng hoặc chất cấm thì hậu quả không chỉ là năng suất chăn nuôi thấp mà người sử dụng sản phẩm chăn nuôi như trứng, thịt, sữa... phải đối diện với nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do tồn dư chất cấm, chất độc hại trong sản phẩm chăn nuôi. Do đó, việc sản xuất, kinh doanh hay sử dụng thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng hoặc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi luôn gây bức xúc trong xã hội.

2. Để ngăn chặn nguy cơ về an toàn thực phẩm liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, các loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi và trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi chi tiết, cụ thể hơn và với mức xử phạt cũng tăng nặng hơn, cụ thể như sau:

- Năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, trong đó quy định xử phạt hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ đến 10 triệu, chăn nuôi trang trại đến 20 triệu (không phân biệt sử dụng bao nhiêu loại chất cấm); xử phạt 06 hành vi vi phạm về sản xuất, gia công thức ăn chất nuôi không đạt tiêu chuẩn chất lượng công bố với mức phạt đến 30% giá trị lô hàng (tối đa không quá 100 triệu đồng); xử phạt 06 hành vi vi phạm về nhập khẩu thức ăn chăn nuôi không đạt chất lượng với mức phạt đến 40 triệu đồng; xử phạt hành vi nhập khẩu mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chất cấm với mức phạt đến 100 triệu đồng...

- Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản thay thế Nghị định số 119/2013/NĐ-CP đã quy định 09 hành vi vi phạm không đạt chất lượng công bố trong sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi lên với mức xử phạt đến 30 triệu đồng cho mỗi chỉ tiêu chất lượng vi phạm; quy định 07 hành vi về nhập khẩu với xử phạt đến 35 triệu đồng; quy định 01 điều riêng gồm 07 hành vi về sử dụng kháng sinh trong sản xuất, gia công, nhập khẩu và sử dụng thức ăn chăn nuôi với mức phạt mỗi hành vi đến 30 triệu đồng; nâng mức xử phạt hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi lên đến 80 triệu đồng, tiếp tục xử phạt hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chất cấm đến 100 triệu đồng.

- Hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả được xử phạt theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP. Hiện nay, Nghị định đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung.

- Đặc biệt ngay từ năm 2015 và 2017, các hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm, hàng giả ở mức nghiêm trọng hơn đã được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 và Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017. Điều 195 Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017 quy định hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thức ăn chăn nuôi bị phạt từ 100 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù đến 5 năm, trường hợp tăng nặng bị phạt tù đến 15 năm. Điều 317 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định hành vi sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm bị phạt từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, trường hợp tăng nặng bị phạt tù đến 20 năm.

- Năm 2018, Quốc hội đã thông qua Luật Chăn nuôi, trong đó có nhiều quy định liên quan đến việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chăn nuôi. Ví dụ: Trong 12 khoản của Điều 12 về các hành vi cấm có 06 khoản quy định liên quan đến việc đảm bảo an toàn thực phẩm như cấm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; cấm sử dụng kháng sinh kích thích sinh trưởng; cấm nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; cấm sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại. Điều 45 quy định chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, theo đó chỉ sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn con non, đồng thời giao Chính phủ quy định lộ trình bỏ việc sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho con non. Điều 74 và 75 quy định không sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong sơ chế, chế biến thực phẩm là sản phẩm chăn nuôi. Điều 78 cũng quy định nghiêm ngặt về việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi để đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc.

3. Như vậy, các quy định về pháp lý để hạn chế, ngăn chặn các hành vi sử dụng chất cấm, chất độc hại gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng sản phẩm chăn nuôi đã đầy đủ và rõ ràng. Tuy nhiên, việc đấu tranh với các hành vi sai trái diễn ra vì mục đích thương mại hoặc do thiếu hiểu biết cần được tiếp tục phát động trong toàn thể cộng đồng, đồng thời cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe hiệu quả hơn.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang soạn thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong chăn nuôi. Các quy định cấm của Luật Chăn nuôi sẽ là cơ sở quy định các hành vi vi phạm và các mức phạt phù họp hơn để có tính răn đe cao hơn./.

Nguyễn Linh