Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Công an trả lời kiến nghị của cử tri về tội phạm tham nhũng, tội phạm hình sự, cho vay nặng lãi

Ngày đăng 05/03/2020

Xem với cở chữ : A- A A+

Cử tri kiến nghị:

Cử tri tiếp tục có ý kiến về vấn đề tội phạm tham nhũng, tội phạm hình sự, xâm hại trẻ em, cho vay nặng lãi, tệ mua bán, sử dụng ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, biến tướng nhiều hình thức ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, người dân bất an. Mặc dù, ngành công an đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm có kết quả khá tích cực nhưng chuyển biến đó chưa đạt được mong muốn của người dân, đề nghị xác định nguyên nhân, đưa ra các giải pháp cụ thể để phòng ngừa, trấn áp tội phạm có hiệu quả.

Ngày 07/02/2020, Bộ Công an có công văn số 348/BCA-V01 về việc trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 8 như sau:

Những năm qua, lực lượng công an nhân dân đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, liên tục triển khai nhiều cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, các chương trình, kế hoạch, phương án phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Riêng năm 2019 phạm pháp hình sự giảm 7,39% về số vụ, đạt 81,93% tỷ lệ điều tra, làm rõ các vụ phạm pháp hình sự. Tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng, có lúc, có nơi gây lo lắng, bức xúc dư luận như cử tri phản ánh. Nguyên nhân chủ yếu là: (1) Tình kinh tế xã hội còn khó khăn, nhiều người lao động chưa có việc làm, tạo áp lực lớn đối với các vấn đề xã hội; (2) Đạo đức của một bộ phận xã hội xuống cấp, lối sống thực dụng, hưởng thụ, chạy theo lợi ích vật chất; (3) tác động tiêu cực của văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực, trò chơi trực tuyến trên mạng internet (game online) đối với thanh, thiếu niên đang ở độ tuổi phá triển về nhận thức, tâm sinh lý; (4) phòng ngừa xã hội tội phạm ở một số nơi còn mang tính hình thức, phòng ngừa nghiệp vụ hiệu quả chưa cao; (5) số người nghiện ma túy và số đối tượng truy nã ngoài xã hội còn nhiều, tiềm ẩn yếu tố làm nảy sinh tội phạm, tệ nạn xã hội; (6) Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở một số nơi chưa được đề cao, lực lượng chức năng (trong đó có lực lượng công an) có lúc, có nơi chưa thường xuyên, liên tục, chưa quyết tâm đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; (7) một số quy định của pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa thống nhất, chưa được hướng dẫn, còn xung đột, khó áp dụng trong thực tiễn; (8) tác động, ảnh hưởng từ tình hình tội phạm trong khu vực và trên thế giới như tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm ma túy, buôn lậu, rửa tiền, khủng bố…; (9) sự phát triển của khoa học, công nghệ, làm phát sinh, phát triển một số loại tội phạm và hành vi phạm tội mới mang tính chất phi truyền thống.

Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện những giải pháp trọng tâm để phòng ngừa, trấn áp tội phạm, như sau:

- Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tự giác, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là phòng ngừa xã hội tội phạm; có chính sách bảo vệ, khen thưởng, động viên cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong cung cấp thông tin, tài liệu, tham gia hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng Công an phá án. Bộ Công an đề nghị và mong muốn cử tri, nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân, kết hợp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gia đình, trường học, khu dân cư văn hóa, an ninh, an toàn, các mô hình tự phòng, tự quản về an ninh, trật tự; tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục hiệu quả các trường hợp có nguy cơ cao phạm tội tại cơ sở; chủ động phát hiện, giải quyết kịp thời mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm, vi phạm pháp luật có nguyên nhân từ các yếu tố kinh tế - xã hội.

- Triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc và kiểm soát tình hình; thường xuyên mở các cao điểm tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm, nhất là các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, tội phạm giết người, hoạt động liên quan “bảo kê”, “tín dụng đen”, tội phạm xâm phạm trẻ em, mua bán người, tội phạm ma túy, tội phạm cờ bạc…Tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật tố giác, tin báo về tội phạm; duy trì các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm; thực hiện đúng quy trình phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý các vụ xâm hại trẻ em. Nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý các vụ xâm hại trẻ em. Nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý các vụ án, không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm; tập trung điều tra làm rõ các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc dư luận…, phối hợp Viện Kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý cư trú. Triển khai thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng, phối hợp với các ngành quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, quản lý chặt chẽ các trang web, mạng xã hội, đồ chơi, sách truyện, game online bạo lực…, góp phần hạn chế, ngăn chặn tình trạng bạo lực trong xã hội và phòng ngừa tội phạm.

- Điều chỉnh, bố trí lực lượng Công an theo hướng tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng mạnh về cơ sở, kịp thời thực hiện công tác nắm địa bàn, nắm hộ, nắm người, giải quyết tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế không để trở thành các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp.

- Rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong công tác phòng, chống tội phạm, kịp thời đề xuất Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật (hiện nay, Bộ Công an đang phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình…)./.

Kim Yến