Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trước kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Ngày đăng 30/12/2021

Xem với cở chữ : A- A A+
Ngày 27/12/2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam đã ban hành Báo cáo số 474/BC-MTTQ-BTT phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trước kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Cụ thể như sau:

Qua thời gian thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, cử tri và Nhân dân phấn khởi khi đời sống người dân dần ổn định, sản xuất, kinh doanh từng bước được phục hồi, đánh giá cao sự quyết tâm của Trung ương, Chính phủ trong chỉ đạo đề ra các giải pháp phù hợp trong phòng chống dịch vừa đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo an sinh xã hội, đời sống Nhân dân. Cử tri đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm theo Nghị quyết 128 của Chính phủ; linh động các biện pháp trong phòng chống dịch phù hợp với tình hình tại địa phương; tiếp tục quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương; chỉ đạo đẩy mạnh, sớm bao phủ việc tiêm phòng vacxin cho người dân, nhất là tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.

Responsive image
 

Cử tri và Nhân dân còn lo ngại trước giá cả hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm; giá nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất (xăng dầu, gas, vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi...) tăng cao trong khi đời sống, sản xuất người dân còn hết sức khó khăn; đặc biệt là giá phân bón thời gian qua tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ, tăng áp lực lên giá đầu vào sản xuất của ngành nông nghiệp.

Đối với phương pháp, hình thức và nội dung học tập của học sinh, sinh viên, đặc biệt là cấp tiểu học, đa số các địa phương, nhà trường trên cả nước tổ chức hình thức giảng dạy và học tập qua hình thức trực tuyến online, gián tiếp qua truyền hình,… gặp rất nhiều trở ngại như ý thức tự giác của học sinh chưa được hình thành, thiếu sự tập trung, phụ thuộc phụ huynh kèm cập, còn nhiều học sinh không có điều kiện trang bị phương tiện, không có kết nối mạng, giáo viên bị áp lực về xây dựng giáo trình phù hợp, chịu trách nhiệm các em học sinh không có điều kiện học từ xa, biện pháp kiểm tra, đánh giá học sinh,…

Một số ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri trên các lĩnh vực cụ thể:

Kiến nghị Quốc hội quan tâm xem xét lại tội sử dụng ma túy và phải có chế tài xử lý các đối tượng sử dụng ma túy hiệu quả hơn để mang tính răn đe hơn. 

Đề nghị ngành Bảo hiểm Việt Nam nghiên cứu tăng thời gian hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi bị sảy thai, nạo hút thai ngoài ý muốn, thai chết lưu hoặc phá thai do bệnh lý (Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội) và đối với thai từ 35 tuần tuổi trở lên được nghỉ nhiều hơn để đảm bảo sức khỏe khi trở lại làm việc.

Đề nghị Bộ ngành chức năng Trung ương nghiên cứu có chế độ nâng mức lương, trợ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, khóm, ấp có mức sống ổn định, an tâm công tác. Vì thực tế, cán bộ không chuyên trách cấp xã, ấp về trình độ, nội dung công việc thực hiện không ít hơn cán bộ, công chức nhưng chế độ đãi ngộ, thu nhập chưa tương xứng.

Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức đoàn kiểm tra việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19. Nghiên cứu có chính sách hỗ trợ cho các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh. Hỗ trợ cho tỉnh có nguồn kinh phí chi cho các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Quan tâm, xem xét nâng lương hưu cho số người hưởng lương hưu dưới 3.000.000đ/tháng lên đủ 3.000.000đ/tháng, để tạm ổn định cuộc sống.

Về Giáo dục và đào tạo: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng, cung cấp trang cấp thiết bị dạy và học tối thiểu, kịp thời, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu giảng dạy của từng khối lớp; Tiến độ thẩm định, phê duyệt, phát hành sách giáo khoa cho các khối lớp còn chậm; chỉ đạo có kế hoạch phát hành sách giáo khoa sớm để cho công tác tiếp cận, truyền đạt đến giáo viên được chủ động trước khi năm học mới bắt đầu; có chính sách nâng lương cho giáo viên, kèm theo đó là tuyển sinh chất lượng đầu vào ngành sư phạm để xây dựng đội ngũ giáo viên ngày càng nâng chất hơn.

Về giao thông vận tải

Với vị trí chiến lược, cũng như là một trong những tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, quê hương của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tôn kính. Vì vậy, để xây dựng kết cấu giao thông đường bộ, kết nối vùng được đồng bộ, phát triển giao thương hàng hóa các vùng kinh tế cũng như với nước bạn Campuchia, do đó cử tri kiến nghị có dự án xây dựng cầu Thuận Giang nối liền giữa huyện Chợ Mới và Phú Tân (An Giang), cầu nối giữa thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) với Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp); cầu nối Long Xuyên qua cồn Mỹ Hòa Hưng. Đồng thời, đẩy nhanh đầu tư tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc; sớm nâng cấp các tỉnh lộ 942, 954, 952 thành Quốc lộ. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải tổ chức đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, tạo điều kiện cho người dân đi lại thông thoáng vừa giúp lưu thông nông sản, hàng hóa, vừa phục hồi nền kinh tế sau bao tháng căng mình phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Đề nghị các cơ quan quản lý đường bộ quan tâm hệ thống giao thông trên toàn quốc, vì hiện nay nhiều tuyến Quốc lộ lưu lượng xe ngày càng nhiều, xe chở quá tải làm hư hỏng mặt đường ảnh hưởng người tham gia giao thông, tiềm ẩn tai nạn. Bên cạnh đó, chỉ đạo đơn vị quản lý đoạn cầu Mặc Cần Dưng - cầu Út Xuân (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) sớm làm cống thoát nước vì thường xuyên bị ngập khi trời mưa.

Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, vận chuyển và mua bán nông sản của nông dân, giá lúa, nếp sụt giảm rất mạnh giảm từ 15-20% so với đầu vụ thu hoạch, đối với rau màu và cây ăn quả khó bán hoặc không bán được. Đề nghị xem xét có chính sách hỗ trợ đối với nông dân sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Về lĩnh vực Y tế: Ban hành cơ chế đầu tư cho ngành y tế; tăng đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, các trạm y tế xã; sửa đổi quy định về ngân sách nhà nước bảo đảm và cơ chế tự chủ của các đơn vị làm nhiệm vụ dự phòng, dân số, an toàn thực phẩm, các trung tâm y tế huyện đa chức năng, trực tiếp quản lý trạm y tế xã; điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo lộ trình; nâng cao chế độ ưu đãi, phụ cấp cho y tế cơ sở; có chính sách thu hút, giữ lại các Y, Bác sĩ có năng lực chuyên môn, có tâm huyết với nghề về phục vụ nhân dân ở tuyến cơ sở, nhất là trạm y tế xã.

Quan tâm và xem xét có chính sách thu hút nguồn nhân lực và đầu tư trang thiết bị cho tuyến cơ sở, đảm bảo đủ điều kiện phục vụ tốt việc khám và chữa bệnh cho người dân trong thời gian tới… Đề nghị nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ tiêm Vắc xin cho đối tượng là học sinh và hạ độ tuổi từ 5 – 11 tuổi để cho các em sớm trở lại nhà trường học trực tiếp vì thời gian học trực tuyến vừa qua không đảm bảo chất lượng.

Về Lĩnh vực Xây dựng: Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế biên giới, thì phải đảm bảo được an ninh biên giới. Hiện nay, còn khoảng 400 hộ dân sống trên các làng bè ven sông, giáp với Campuchia (huyện An Phú, tỉnh An Giang) đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhất là chưa ổn định được cuộc sống, vị trí neo đậu dọc biên giới rất phức tạp, khó quản lý. Đề nghị Bộ Xây dựng có các chính sách đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư để người dân ổn định cuộc sống, từ đó mới đảm bảo an sinh xã hội, ổn định cuộc sống và cùng với chính quyền giữ vững quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới.

Về Lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư: An Giang là tỉnh biên giới đầu nguồn, hằng năm thường xuyên bị lũ lụt; xa cảng biển từ đó chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao nên khó thu hút các nhà đầu tư, trong khi đó Nhân dân, chính quyền An Giang phải thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao như bảo vệ biên giới, giữ vững biên cương, duy trì diện tích lớn lúa nước để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhưng chính sách hỗ trợ, ưu đãi, nguồn lực đầu tư không tương xứng, đề nghị có quan tâm hỗ trợ tăng chính sách đầu tư cho An Giang, thúc đẩy các nhà đầu tư phát triển ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến.

An Phú là huyện đầu nguồn biên giới tỉnh An Giang, có tuyến đường bộ nối liền từ cửa khẩu Khánh Bình đến Phnôm Pênh khoảng 70 km (theo Quốc lộ 21), đây là tuyến đường gần nhất đến Thủ đô Phnôm Pênh (Vương quốc Campuchia) so với các tỉnh khác. Rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế Biên mậu, thúc đẩy giao thương hàng hóa của vùng Nam bộ với nước bạn. Đề nghị sớm nâng cấp Cửa khẩu Khánh Bình thành cửa khẩu Quốc tế, song song đó có kế hoạch đầu tư cho phát triển kinh tế biên giới, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông, hỗ trợ các chính sách đầu tư cho cửa khẩu.

Lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường: Việc quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường được các cấp, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh quan tâm, kịp thời tuyên truyền, xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm xả chất thải không đúng quy định, người dân thiếu ý thức xả rác trực tiếp xuống sông, kênh, rạch gây ảnh hưởng đến môi trường và các hộ gia đình sinh sống xung quanh; tình trạng khai thác lớp mặt đất nông nghiệp làm gạch, ngói trái phép vẫn còn xảy ra; tình hình sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp… gây tâm trạng lo lắng trong các tầng lớp nhân dân... Đề nghị Trung ương có chương trình quốc gia về điều tra, khảo sát lên phương án căn cơ xử lý hiệu quả và đồng bộ hơn nhất là tình trạng sạt lở đất và khảo sát tình trạng đất nông nghiệp không sản xuất được do khai thác sử dụng lớp mặt đất quá sâu....

 

Cử tri và Nhân dân bày tỏ sự phấn khởi đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua có sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động trong phòng ngừa, xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí; đồng thuận cao đối với Quyết định khởi tố nguyên lãnh đạo một số ngành liên quan đến "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng tham nhũng, lãng phí một số nơi diễn biến phức tạp. Do đó, đề nghị các ngành chức năng, nhất là cấp Bộ, ngành Trung ương giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với các công trình, dự án lớn của quốc gia nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn tiêu cực; có giải pháp quyết liệt hơn, hiệu quả hơn việc thu hồi tài sản tham nhũng; các cơ quan tiến hành tố tụng cần quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng để ngày càng tạo sự tin tưởng của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta./.

NGUYỄN NGUYỄN