Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Đề nghị quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến.

Ngày đăng 30/03/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Bộ Công Thương trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Văn bản số 19/BDN ngày 10 tháng 01 năm 2021, nội dung kiến nghị như sau: An giang là tỉnh biên giới đầu nguồn, hằng năm thường xuyên bị lũ lụt; xa cảng biển từ đó chỉ phí vận chuyển hàng hóa tăng cao nên khó thu hút các nhà đầu tư, trong khi đó Nhân dân, chính quyền An Giang phải thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao như bảo vệ biên giới, giữ vững biên cương, duy trì diện tích lớn lúa nước để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhưng chính sách hỗ trợ, ưu đãi, nguồn lực đầu tư không tương xứng, đề nghị có quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến.

Bộ Công Thương xin trả lời như sau:

Phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông, thủy sản là thế mạnh của tỉnh An Giang nói riêng, của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Hiện nay, nguồn lực đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương còn hạn hẹp, tập trung ưu tiên cho các hạ tầng kết nối vùng. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách, định hướng phát triển để thu hút các nguồn lực xã hội. Bộ Công Thương đang chú trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có những chính sách mạnh mẽ hơn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động công nghiệp nói chung, ngành công nghiệp chế biến nói riêng. Đây cũng là hành lang pháp lý để các địa phương làm cơ sở để xây dựng các chương trình dự án về phát triển công nghiệp.

Quy hoạch vùng Đồng bàng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022. Trong đó, xác định công nghiệp Vùng phát triển theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; đầu tư chiều sâu, hướng vào xuất khẩu đối với các nhóm ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, các sản phẩm hóa chất và cơ khí phục vụ nông nghiệp. Khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến thực phẩm về thủy sản, trái cây, lúa gạo áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các trung tâm đầu mối và khu vực thuận lợi về vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá trị kinh tế cho xuất khẩu; đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản hỗ trợ việc thu gom, trung chuyển, vận tải hàng hóa nông sản tại các trung tâm đầu mối; Khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và thức ăn nuôi trồng thủy sản gắn với các trung tâm đầu mối và vùng sản xuất tập trung; xây dựng một số xưởng chế biến bột cá có công nghệ và thiết bị tiên tiến nhằm giảm lượng nhập khẩu bột cá và hạ giá thành thức ăn, khuyến khích các thành phần kinh tế từng bước xây dựng nhà máy có quy mô lớn và chất lượng sản phẩm cao; đầu tư các kho trữ đông; Đối với chế biến lâm sản, sản xuất sản phẩm đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ, tập trung phát triển các nhà máy sản xuất đồ gỗ gia dụng, nhà máy sản xuất ván nhân tạo, ván ép; Khuyến khích phát triển sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như đồ gỗ mỹ nghệ, mây, tre, lá, chiếu cói... phục vụ nhu cầu du lịch tại các địa phương.

Trong quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, trên cơ sở định hướng phát triển công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long nêu trên, Tỉnh cần xây dựng định hướng phát triển ngành công nghiệp phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của An Giang để tích hợp trong Quy hoạch tỉnh, đồng thời xác định những dự án mang tính động lực để thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nguồn: Văn bản của Bộ Công thương