Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang thông báo kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Ngày đăng 13/07/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Sáng ngày 12/7/2022, tại kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân tỉnh, bà Trần Thị Thanh Hương, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông báo kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.
Responsive image

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương phát biểu tại kỳ họp

Kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, mọi hoạt động đời sống kinh tế, xã hội trở lại bình thường, tạo điều kiện để kỳ họp diễn ra thuận lợi. Sau thời gian làm việc khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. 

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét một khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Trước yêu cầu của thực tiễn, Quốc hội cũng đã linh hoạt điều chỉnh, bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp; quyết định tăng thêm thời lượng truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam nhiều phiên thảo luận tại hội trường để thông tin rộng rãi hơn, đảm bảo các hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch hơn, gần gũi với cử tri và Nhân dân (đã nâng từ 13 phiên họp lên 19 phiên họp với tổng thời lượng là 62 giờ), qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân và cử tri giám sát các hoạt động của Quốc hội. Các nội dung được xem xét, quyết định tại kỳ họp này đều đạt sự đồng thuận rất cao; mặc dù bổ sung thêm nội dung nhưng vẫn bảo đảm chất lượng và thời gian kỳ họp như dự kiến.

Qua 6 phiên thảo luận tổ, 23 phiên thảo luận toàn thể tại hội trường đã có 2.138 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận (trong đó có 1.484 lượt đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ; 592 lượt thảo luận và 62 lượt tranh luận tại phiên thảo luận tại hội trường). Tại 5 phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đã có 133 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 28 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm. Nhìn chung, các ý kiến phát biểu ngắn gọn, súc tích, có chất lượng, thể hiện sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao với sự nghiên cứu chuyên sâu, kỹ lưỡng của các vị đại biểu Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng để tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, cầu thị các ý kiến của đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết, bảo đảm trình Quốc hội với chất lượng cao nhất. Quốc hội đã thông qua 5 Luật, 17 Nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật khác và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Kết quả của Kỳ họp khẳng định Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức có liên quan luôn lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân, chủ động, tích cực phối hợp để kịp thời đưa ra những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện Quốc hội luôn đại diện cho trí tuệ toàn dân, không ngừng đổi mới, cống hiến và hành động vì lợi ích của cử tri, Nhân dân và đất nước.

Responsive image

Quang cảnh kỳ họp lần thứ 8, HĐND tỉnh An Giang khóa X

Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang tại kỳ họp

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, 09 vị đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã tham dự đầy đủ các phiên thảo luận theo Chương trình kỳ họp. 

Cụ thể, tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận hội trường đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh đã tích cực nghiên cứu, tờ trình, báo cáo thẩm tra, báo cáo tiếp thu giải trình của Chính phủ ... và có ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021…Cho ý kiến đối với các dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh(sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dầu khí (sửa đổi); Chủ trương đầu tư: Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Tại các phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh An Giang đã tham gia đóng góp 24 lượt ý kiến (19 lượt phát biểu tại Tổ, 05 lượt phát biểu tại hội trường). Theo đó, đa số các ý kiến đều đánh giá cao công tác điều hành Chính Phủ, của Thủ tướng và các bộ, ngành trong thời gian vừa qua, đã kịp thời tháo gỡ được những khó khăn, khơi thông được các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tác động xấu của thiên tai, dịch bệnh, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được Chính phủ, Quốc hội quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, đồng đều giữa các địa phương trong khu vực; nhất là tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). Đây là dự án có ý nghĩa hết quan trọng, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, tạo sự kết nối, lan tỏa cho sự phát triển cho tỉnh An Giang nói riêng và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, qua đó thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng về định hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các phiên họp thảo luận về ngân sách nhà nước, kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng… đại biểu Quốc hội nêu ra một khó khăn về ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, tâm lý người dân, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương, cần tiếp tục nghiên cứu, có biện pháp điều trị, phòng ngừa dịch bệnh quay trở lại. Bên cạnh đó đề xuất Chính phủ cần phải có giải pháp căn cơ để bình ổn giá vật tư đầu vào để phục vụ sản xuất; làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhất là việc gây lãng phí trong sử dụng đất đai, cần quan tâm vấn đề xác lập trách nhiệm liên quan đến việc lãng phí của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Tiếp tục quan tâm hơn nữa trongviệc triển khai các nguồn vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, tạo cơ hội việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, tạo niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài thời gian tham dự theo chương trình kỳ họp, các ĐBQH là ủy viên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham dự các phiên họp để thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề có liên quan đến hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời các nội dung chương trình kỳ họp đã đề ra. Ngoài ra, các vị đại biểu Quốc hội tham gia các hoạt động của Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Mỹ, Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ...để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động Quốc hội qua đó làm phong phú thêm các hoạt động của Quốc hội, góp phần vào thành công chung của kỳ họp.

Tại kỳ họp Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đã gửi đề xuất nhóm vấn đề chất vấn đến Tổng thư ký Quốc hội, tập trung vào một số vấn đề đối với:

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Nhóm giải pháp đảm bảo có hiệu quả quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trước tình trạng bạo hành, ngược đãi xảy ra rất nhiều như hiện nay.

Bộ Công thương: Nhóm giải pháp để bình ổn thị trường các loại vật tư đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (xăng dầu, vật tư nông nghiệp, xây dựng, thực phẩm) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giải pháp khắc phục tình trạng các bộ sách giáo khoa còn nhiều sai sót, không phù hợp. Đề nghị giải thích rõ về việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn trong chương trình trung học phổ thông.

Bộ Y tế: Làm rõ việc ban hành văn bản bãi bỏ Công văn 2009 ngày 12/4/2018 của bộ trong thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị trúng thầu vật tư hóa chất đặt, sau đó Bảo hiểm xã hội đã từ chối thanh toán dịch vụ này gây khó khăn và bức xúc; Giải pháp xây dựng và phát triển hệ thống y tế cơ sở, y tế tư nhân, hệ thống bệnh viện các tuyến.. để có khả năng đáp ứng yêu cầu khi tình hình cấp bách.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được thực hiện theo cách hỏi nhanh, đáp gọn; cách đặt vấn đề đi vào trọng tâm, trọng điểm, mang tính xây dựng cao. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang có 03 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn trực tiếp tại hội trường gồm:

Chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp tổng thể để khắc phục có hiệu quả tình trạng do tác động của quá trình tự nhiên cũng như các yếu tố nhân tạo làm cho đất bị suy thoái, mất sức sản xuất, khó phục hồi và đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay.

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 đến 31/12/2023 là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải gắn với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhất là việc xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo để các cơ chế, chính sách được triển khai liên tục, đồng bộ đại biểu đề nghị cho biết tiến độ luật hóa các nội dung được triển khai; Hiện nay các thủ tục hành chính là một rào cản cho người nông dân trong tiếp cận tín dụng đề nghị có giải pháp để đơn giản hóa thủ tục hành chính và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng để đảm bảo an toàn nguồn vốn, tạo điều kiện tối đa để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận vốn nhất là các nguồn vốn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chất vấn Bộ Giao thông vận tải đối với 5 dự án giao thông trọng điểm khi được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng sẽ có giải pháp gì để nâng cao năng lực quản lý các dự án và đảm bảo các nguồn cung ứng vật tư cho các công trình và có khuyến nghị gì đối với các địa phương, nếu các địa phương này được tham gia quản lý các gói thầu thành phần khi các dự án này đi qua địa bàn.

Các câu chất vấn được tiếp thu, trả lời theo điều hành của Chủ tọa để làm rõ hơn những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tại kỳ họp, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh An Giang phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình Quốc hội, Báo An Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, cổng thông tin điện tử của tỉnh đưa tin các hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh. Qua đó, đã kịp thời chuyển tải thông tin đến cử tri về diễn biến của kỳ họp, cũng như các phát biểu đóng góp ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp, cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà đối với hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội./.

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh An Giang