Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Chuẩn bị tâm thế cho kỳ họp 4 Quốc hội khóa XV

Ngày đăng 17/10/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV mang khối lượng công việc rất lớn, xem xét rất nhiều nội dung quan trọng, thể hiện vị trí, vai trò của Quốc hội trên 3 mặt công tác (lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước). Trong tâm thế này, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) An Giang cũng nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trước đất nước và tỉnh nhà.
Responsive image

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia cùng đoàn giám sát Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội

 

Hàng loạt dự án luật quan trọng được xem xét

Kỳ họp được khai mạc vào ngày 20/10, dự kiến bế mạc vào ngày 15/11/2022. Tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 21 ngày. Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 7 luật, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp). Cùng với đó là 3 dự thảo nghị quyết, gồm: Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

Quốc hội sẽ cho ý kiến 7 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự. Đồng thời, xem xét báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét báo cáo của một số cơ quan; giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; xem xét, quyết định về nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.

Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ, bộ, ngành phối hợp các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là Văn phòng Quốc hội để chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, chuẩn bị kịp thời, chặt chẽ và chất lượng, phục vụ cho kỳ họp Quốc hội đạt kết quả. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 3 phiên họp thường kỳ, 2 phiên họp chuyên đề pháp luật; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (lần thứ 2 của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV)… Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chủ động tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, đặc biệt là sự kiện Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022… Qua đó, thu hút sự tham gia, góp ý của đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cử tri và nhân dân cả nước đối với các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Responsive image

Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV

 

Đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh

          Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh cho biết, sau kỳ họp thứ 3, Đoàn ĐBQH và từng vị ĐBQH tham gia nhiều đoàn giám sát của Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội. Đơn vị cũng tổ chức giám sát, làm việc với lãnh đạo chính quyền, đơn vị tại địa phương; tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4; lấy ý kiến 12 dự thảo luật...

Tâm tư, nguyện vọng của bà con tựu trung lại ở vấn đề nông nghiệp, như chuyển đổi giống cây trồng, tăng năng suất, thu nhập cho nông dân; đổi mới căn bản công nghệ nuôi trồng thủy sản. An Giang cần cơ chế, chính sách rõ ràng để nông nghiệp tỉnh tương xứng tiềm năng. Về lĩnh vực giáo dục, cử tri quan tâm nhiều đến việc chọn sách giáo khoa để học, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; vướng mắc của giáo viên trong hoạt động giảng dạy, vướng mắc của phụ huynh liên quan đến học phí của con em…

Trước kỳ họp thứ 4, thay vì tiếp xúc cử tri theo đơn vị ứng cử, Đoàn ĐBQH tỉnh đã sắp xếp để ĐBQH Trung ương và địa phương gặp gỡ bà con cử tri ở các địa bàn khác, để có dịp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Tại xã Long Điền A (huyện Chợ Mới), ĐBQH Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đã chia sẻ về những thành tựu và khó khăn của địa phương, của đất nước trong bối cảnh thế giới, khu vực xung đột, tranh chấp, suy thoái kinh tế, khủng hoảng lương thực, lạm phát cao...

“Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ ban hành nhiều luật mới, chủ trương mới, ngày càng thiết thực hơn, sát với đời sống người dân. Tôi sẽ luôn đồng hành cùng địa phương trong diễn đàn của Quốc hội, Chính phủ… góp phần cùng bà con thực hiện tốt sứ mệnh phát triển kinh tế nông nghiệp, tiên phong thực hiện cuộc cách mạng lần thứ hai trong nông nghiệp, nông thôn đối với tỉnh An Giang” – Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ.

          “Hiện nay, An Giang chuẩn bị tổ chức 2 sự kiện lớn (kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh và Hội nghị xúc tiến đầu tư). Từ quá trình trao đổi, nắm bắt kiến nghị của địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ gặp gỡ các bộ trưởng, Chính phủ, Quốc hội, chất vấn tại kỳ họp để kịp thời có chủ trương lớn, giúp kinh tế - xã hội An Giang phát triển, về giao thông, mở rộng đô thị…” – ông Trình Lam Sinh thông tin.

GIA KHÁNH