Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Tiếp tục miễn, giảm thuế phí; linh hoạt, quyết liệt sử dụng hiệu quả các nguồn lực; giải ngân đầu tư công cao nhất trong 4 năm

Ngày đăng 04/06/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 29/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã phát biểu làm rõ một số nội dung liên quan đến việc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; giải ngân vốn đầu tư công; quản lý thị trường vàng...
Tiếp tục miễn, giảm thuế phí; linh hoạt, quyết liệt sử dụng hiệu quả các nguồn lực; giải ngân đầu tư công cao nhất trong 4 năm- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo giải trình trước Quốc hội. Ảnh VGP

KTXH đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, tiếp tục chuyển biến tích cực

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ sự trân trọng đối với nhưng ý kiến phân tích, đánh giá, chia sẻ, đóng góp sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết, sát thực tiễn của các đại biểu Quốc hội với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của đất nước thời gian qua và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Khái quát ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng cho biết: Hầu hết các ý kiến Đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Theo đó, kết quả phát triển KTXH năm 2023 sau đánh giá bổ sung có nhiều thay đổi tích cực hơn so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, nhất là tốc độ tăng GDP, kiểm soát lạm phát, thu ngân sách nhà nước, xuất nhập khẩu, thu hút và giải ngân vốn FDI.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Tình hình KTXH những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên các lĩnh vực, được các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao.

Cùng với việc khẳng định kết quả đạt được là cơ bản, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của nền kinh tế, nhất là về nguồn nhân lực chất lượng cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp; thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vàng, đặc biệt là chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng như một số lĩnh vực khác…

Cho biết, những nội dung này các Bộ trưởng: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc NHNN, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đề cập, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo thêm một số vấn đề với Quốc hội.

Tiếp tục miễn, giảm thuế phí; linh hoạt, quyết liệt sử dụng hiệu quả các nguồn lực; giải ngân đầu tư công cao nhất trong 4 năm- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Tiếp tục triển khai các giải pháp miễn, giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh VGP

Tiếp tục triển khai các giải pháp miễn, giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ nhất về việc triển giải pháp hỗ trợ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho biết: Chính phủ tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Triển khai giải pháp này, tổng quy mô hỗ trợ trong giai đoạn 2020 – 2023 khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Trong đó, năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng và năm 2023 khoảng 196 nghìn tỷ đồng.

Trong 6 đầu năm 2024, Chính phủ đã trình và Quốc hội phê duyệt chủ trương tiếp tục giảm thuế.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT, nếu được thông qua thì quy mô giảm khoảng 24 nghìn tỷ đồng,…

Trường hợp thực hiện đầy đủ các chính sách về miễn, giảm thuế, trong năm 2024 tổng quy mô của các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền sử dụng đất khoảng 190 nghìn tỷ đồng, trong đó gia hạn là 92 nghìn tỷ đồng, miễn giảm là 98 nghìn tỷ đồng.

Linh hoạt, quyết liệt sử dụng hiệu quả các nguồn lực Quốc hội cho phép

Về việc triển khai gói 40 tỷ đồng hỗ trợ 2% lãi suất cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận tín dụng. Phó Thủ tướng nêu rõ: Gói này thực hiện không thành công. Chính phủ đã báo cáo đầy đủ trong báo cáo gửi Quốc hội.

Phó Thủ tướng cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện, nhận thấy hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% không cao, năm 2023 Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép sử dụng để thực hiện miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… nhờ đó tổng quy mô hỗ trợ đạt được gần 200.000 tỷ đồng.

Điều này khẳng định Chính phủ đã rất linh hoạt, quyết liệt, sử dụng hiệu quả nguồn lực Quốc hội cho phép để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội có gói 46.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD) dành cho công tác phòng chống dịch COVID-19 (trong đó nguồn để mua vaccine, thuốc và trang thiết bị y tế). Tuy nhiên với việc triển khai rất hiệu quả cuộc vận động vaccine, "chúng ta đã không tiêu số tiền này", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp tục miễn, giảm thuế phí; linh hoạt, quyết liệt sử dụng hiệu quả các nguồn lực; giải ngân đầu tư công cao nhất trong 4 năm- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Giải ngân đầu tư công đạt kết quả tích cực, cao nhất trong 4 năm. Ảnh VGP

Giải ngân đầu tư công đạt kết quả tích cực, cao nhất trong 4 năm

Thứ hai, đối với những gói liên quan tới đầu tư công của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đấy giải ngân để đạt được hiệu quả cao nhất có thể.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, đến thời điểm hiện nay tuy còn một số khó khăn, nhưng có thể đánh giá tổng thể kết quả đạt được là tích cực.

Chính việc triển khai hiệu quả gói này đã góp phần tăng GDP năm 2023 đạt 5,05%. Quý I/2024 GDP tăng 5,66%. Hôm nay (29/5), Tổng cục Thống kê cũng đã công bố báo cáo kinh tế - xã hội của 5 tháng đầu năm 2024. Kết quả cho thấy thấy những dấu hiệu tích cực hơn, nhiều chỉ tiêu cải thiện rất đáng kể.

Về vấn đề "làm mới" những động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, Phó Thủ tướng nêu rõ: Trong điều kiện khó khăn, chúng ta đã đạt được mức tăng trưởng khá cao so với khu vực. Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra thì vẫn còn phải tiếp tục phấn đấu.

Đối với những động lực truyền thống (đầu tư công, xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng,...), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết: Số liệu vừa công bố trong 5 tháng đầu năm 2024, giải ngân đầu tư đạt 22,34% kế hoạch được giao. Đây là mức giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các bộ, ngành, các địa phương kết quả đạt được của việc giải ngân vốn đầu tư công là rất đáng khích lệ.

Đồng thời, cùng với động lực này, Chính phủ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn cơ chế, thủ tục hành chính để thực hiện hiệu quả hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công gắn liền với việc kích hoạt nguồn lực đầu tư tư trong hình thức đối tác công - tư.

Phó Thủ tướng cho biết, trong việc này đã có những tín hiệu rất tích cực. Cụ thể, đối với những công trình trọng điểm, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đường cao tốc, chúng ta đã đẩy nhanh tiến độ và đạt kết quả rất tích cực.

Hiện cả nước đã có 2.000 km đường cao tốc. Phấn đấu, đến năm 2025 đưa vào khai thác vào khoảng 3.000 km đường cao tốc theo Nghị quyết của Đại hội lần thứ 13.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tiếp tục triển khai đồng bộ, tổng thể các giải pháp về mở rộng thương mại, tăng cường xuất khẩu, đàm phán, ký kết các hiệp định FTA mới; triển khai các cuộc vận động để kích cầu thị trường trong nước,… gắn với việc triển khai hiệu quả các giải pháp về thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,…

Tiếp tục miễn, giảm thuế phí; linh hoạt, quyết liệt sử dụng hiệu quả các nguồn lực; giải ngân đầu tư công cao nhất trong 4 năm- Ảnh 4.

Triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài quản lý thị trường vàng. Ảnh VGP

Triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài quản lý thị trường vàng

Đối với công tác quản lý thị trường vàng (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo và giải trình), thời gian qua giá vàng trên thị trường thế giới cũng có xu hướng tăng và trong nước cũng biến động tăng theo. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới thì tăng cao.

Phó Thủ tướng cho biết, từ tháng 6/2022 tới nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao Ngân hàng Nhà nước trong công tác này. Đến thời điểm hiện nay, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã ban hành 25 văn bản chỉ đạo. Trong đó có việc triển khai những công cụ can thiệp để bình ổn, cũng như tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với thị trường vàng.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tích cực triển khai một số giải pháp can thiệp, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá lại và sẽ triển khai những phương án mới để bình ổn thị trường vàng trong mặt ngắn hạn.

Về lâu dài sẽ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Còn trước mắt, sẽ sử dụng công cụ quản lý nhà nước là thanh tra, kiểm tra để đánh giá một cách thực chất về hoạt động của thị trường vàng, trên cơ sở đó có những giải pháp để xử lý theo quy định để bình ổn thị trường vàng bình ổn, đưa giá vàng miếng tiến sát với giá vàng trên thị trường thế giới.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ