Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang thảo luận Tổ về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Ngày đăng 20/06/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Chiều ngày 18/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

QH-thaoluanto-c18-1.jpg

Tham gia thảo luận tại Tổ do Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương chủ trì, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang có 03 ý kiến phát biểu.

Đại biểu Trình Lam Sinh, đóng góp về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu đề nghị  trong Luật Dược nên quy định những vấn đề liên quan đến phát triển ngành Dược của Việt Nam trở thành ngành Công nghiệp cực mạnh, điều này phù hợp với tiềm năng về dược liệu của nước ta. Đại biểu cũng thống nhất các ý kiến phát biểu tại Tổ là oxy không phải là thuốc mà là một dạng của hóa chất, vì thế không nên đưa oxy tế vào dự thảo của Luật Dược.

QH-thaoluanto-c18-2.jpg

Đại biểu Trình Lam Sinh, đóng góp về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Đại biểu thống nhất đề xuất Luật Dược nên có 01 chương, hoặc 01 điều bảo trợ cho Nhân dân vùng miền núi, biển, đảo, vùng sâu, vùng xa, để làm sao Luật Dược là Luật cơ bản chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay từ cơ sở.

Về quảng cáo thuốc, đại biểu cho rằng trên truyền hình, mạng xã hội, quảng cáo quá nhiều, nhất là các loại thuốc Nam, chất lượng, hiệu quả vẫn là vấn đề đáng lo ngại, chính vì thế chúng ta cần kiểm soát quảng cáo dược phẩm chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng theo giấy phép, hàm lượng thuốc.

Trong điều khoản về những hành vi bị cấm: Về hành nghề mà không có chứng chỉ hành nghề, đại biểu cho rằng nước ta có truyền thống khác so với các nước châu Âu, bởi còn nhiều tiệm thuốc Tây không có bằng cấp, sử dụng bằng thuê mướn, vì thế đúng Luật, nhưng liệu có phù hợp, nội dung này cần nghiên cứu thêm. Ngoài ra cũng trong hành vi bị cấm, có nội dung cấm bán lẻ thuốc kê đơn không có đơn thuốc, theo đại biểu cấm như thế là tất cả các loại bệnh muốn mua thuốc phải đến phòng khám để Bác sĩ ra  đơn, không thể mua thuốc ở các tiệm thuốc Tây bên ngoài. Đại biểu đề nghị xem xét lại để phù hợp với tình hình thực tế ở nước ta.

Đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu cho rằng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có ý nghĩa đặc biệt, khi chúng ta đã có Hội nghị về văn hóa Việt Nam, chúng ta đang lấy ý kiến về chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn  hóa, khi ban hành Luật này, sẽ tạo ra tiền đề giúp văn hóa Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, trở thành những sản phẩm công nghiệp văn hóa, góp phần lan tỏa những sản phẩm văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới.

Đại biểu thông tin: Ở An Giang có trên 1.000 cơ sở tín ngưỡng tôn giáo và các địa điểm lịch sử văn hóa cách mạng, trong đó có 90 di tích được xếp hạng và có 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, song song đó, An Giang có hơn 100 lễ hội lớn nhỏ, trong khi An Giang chỉ là vùng đất mới khai phá, với tuổi đời gần 200 năm, so với những vùng đất khu vực miền trung, miền Bắc sẽ có nhiều di sản gấp nhiều lần. Trong thời gian qua, Luật Di sản văn hóa đã đáp ứng được yêu cầu, tương đối đảm bảo bảo tồn, phát huy các di sản, hiện nay chúng ta đang trên đường khoa học hóa văn hóa. Luật cũ đang có chiều hướng hạn chế trong việc phát huy, chính vì thế đại biểu thống nhất cao với việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đại biểu đề nghị bổ sung những quy định về thành lập Bảo tàng và Nhà trưng bày di tích, theo đại biểu, nơi đây không chỉ là để bảo tồn mà còn là địa chỉ giáo dục cho du khách trong nước và tuyên truyền với du khách quốc tế.

Đại biểu cũng đề nghị xem xét hoàn thiện các quy định đặc thù thuộc lĩnh vực bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, lĩnh vực bảo tàng, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Ngoài ra cần xem xét lại cách phân loại các loại hình đối với lĩnh vực di sản văn hóa phi phật thể. Nên đánh giá lại, không nên tách di sản tư liệu thành chương riêng. Nên có 01 chương hoặc các điều quy định cụ thể việc xây dựng chương trình di sản vật thể và di sản phi vật thể, để hình thành nên những di sản mới, từ đó những sản phẩm mới trở thành những sản phẩm phát triển thành ngành công nghiệp văn hóa, để triển khai và kết hợp cùng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, giúp lan tỏa hình ảnh con người, xã hội, phong cách sống của người Việt Nam.

QH-thaoluanto18-6.jpg

 

Đại biểu Đôn Tuấn Phong, đóng góp về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu cho rằng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là vô cùng cần thiết trong điều kiện nước ta đang tăng cường bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đại biểu cho rằng cần quy định về kiểm định thuốc chặt chẽ hơn.

Về thủ tục đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc, trong dự thảo có quy định thuốc sản xuất, pha chế tại cơ sở sản xuất, sử dụng tại cơ sở khám chữa bệnh, không phải đăng lý trước khi lưu hành, đại biểu cho rằng quy định này chưa rõ ràng, cần quy định rõ ràng hơn tránh tình trạng nhầm lẫn với các loại khác.

Về nội dung bỏ thủ tục xác nhận nội dung thông tin quảng cáo thuốc và chuyển sang cơ chế hậu kiểm đối với quảng cáo thuốc, đại biểu cho rằng đây là điều hết sức nhạy cảm, bởi thuốc quảng cáo có thể chưa đúng sự thật hoặc cả sai sự thật, mức độ người dân tin vào quảng cáo thuốc trên phương tiện thông tin đại chúng lại rất lớn, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, vậy khi đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người thì như thế nào, theo đại biểu thuốc là cả phải tiền kiểm và hậu kiểm và phải thực hiện ngày càng chặt chẽ hơn.

Đối với một số sản phẩm không phải là thuốc, nhiều thức phẩm chức năng theo quy định chỉ là công bố thông tin, nhà sản xuất và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, đại biểu cho rằng đến khi những loại thực phẩm chức năng này gây ra hậu quả, người dân đã chịu ảnh hưởng, lúc đấy mới kiểm tra xác minh là rất nguy hiểm, đại biểu đề nghị những gì liên quan đến sức khỏe con người, đều phải được quản lý chặt chẽ, phải qua quá trình kiểm định, đạt tiêu chuẩn mới công bố thông tin, đưa ra thị trường để người dân sử dụng.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến, đóng góp về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu đề nghị cần đưa vào chính sách cụ thể hỗ trợ cho Nhân dân vùng miền núi, biển, đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bảo dân tộc thiểu số như miễn giảm, trợ giá,… để làm sao Luật Dược là Luật cơ bản chăm sóc sức khỏe ngay từ cơ sở.  Đồng thời đề nghị bổ sung cơ chế Bộ Y tế hỗ trợ thuốc cho Bộ Quốc phòng thông qua các trạm quân dân y của lực lượng vũ trang khu vực biên giới, khu vực đặc biệt khó khăn.

Trong dự thảo có quy định phát triển các vùng nguyên liệu thuốc, ưu tiên nguyên liệu thuốc các vùng đồng bào dân tộc, dự thảo Luật  ghi chung chung có chính sách ưu tiên, nhưng ưu tiên gì thì chưa cụ thể, đại biểu đề nghị nghiên cứu nêu cụ thể hơn.

 Về quảng cáo thuốc, đại biểu thống nhất cần quản lý chặt chẽ hơn, để đảm bảo sức khỏe của người dân, khi quảng cáo thuốc phải có giấy phép của ngành Y tế. Đại biểu cũng đề nghị rà soát chặt chẽ quy định quản lý giá thuốc, thực phẩm chức năng./.

Nguồn: www.angiang.dcs.vn