Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Việt Nam là một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế

Ngày đăng 05/06/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Việt Nam có 16 hiệp định thương mại tự do đã được đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa nước ta trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu.

Dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, chiều 4/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương.

Quốc hội tập trung vào chất vấn các nhóm nội dung cụ thể là: Công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. 

Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên là người trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình thêm về những vấn đề có liên quan và đại biểu Quốc hội quan tâm.

Việt Nam là một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong phiên chất vấn

Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Những năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có như đứt gãy nguồn cung, suy giảm tổng cầu do dịch bệnh, xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại và cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn.

Nhiều tồn tại, lũy kế của ngành chưa thể giải quyết triệt để, đặc biệt là liên tục thiếu lãnh đạo Bộ và nhân lực có kinh nghiệm của ngành, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, phối hợp và giúp đỡ của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước, ngành công thương đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Nổi bật là sản xuất công nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch, từng bước phục hồi, phát triển, có sự bứt phá từ quý III năm trước đến nay, duy trì vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.

Thương mại trong nước tăng trưởng khá mạnh, vượt mục tiêu đề ra và là trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức. Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, xuất nhập khẩu tám năm liền đạt được kỷ lục mới về kim ngạch và thặng dư thương mại... 

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử vẫn còn các tồn tại, hạn chế và thách thức rất lớn như trong báo cáo mà Bộ đã gửi các đại biểu Quốc hội. 

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động thương mại điện tử, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

Để thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Công Thương cùng các ngành, các địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc đàm phán, ký kết và khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.

Đến nay, Việt Nam có 16 hiệp định thương mại tự do đã được đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa nước ta trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu.

Để đạt được kết quả đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngành Công Thương đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cam kết quốc tế trong các FTA mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp, người sản xuất tập trung khai thác các thị trường trọng điểm nhiều tiềm năng; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa và phát huy vai trò của các công cụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường, các quy định, chính sách mới của nước sở tại giúp doanh nghiệp, người sản xuất và cơ quan quản lý Nhà nước có những phản ứng chính sách phù hợp. Việc khai thác hiệu quả FTA thời gian qua đã giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa nước ta tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, hiệu quả khai thác các ưu đãi từ FTA chưa như kỳ vọng. Xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn. Tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp nước ta còn thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là những vấn đề mà Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cần quan tâm, tập trung khắc phục trong thời gian tới. 

Về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí phục vụ nông nghiệp, những năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành công thương đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển các ngành công nghiệp này theo quy định của Nhà nước.

Kịp thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, đồng thời tích cực kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. 

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí của nước ta đã có bước phát triển đáng kể, tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành, giữ vị trí dẫn dắt đầu tàu tăng trưởng của ngành công nghiệp, góp phần nâng cao thực hiện nội địa hóa và giá trị gia tăng trong nước, đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thặng dư thương mại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân và tăng trưởng chung của đất nước. 

Với tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn và cầu thị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ lắng nghe và tiếp thu, sẵn sàng giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội xoay quanh nhóm vấn đề mà Quốc hội yêu cầu. 

Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ