Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Đề nghị chỉnh lý một số nội dung về quản lý về an ninh, trật tự

Ngày đăng 26/06/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Sáng 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

QH-thaoluan-ht-s24-6-2.jpg

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Quan tâm đến nội dung về quản lý về an ninh, trật tự quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Hữu Chiến cho biết, hiện khoản 4 tại Điều này đang quy định “Tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, lối mở, khu vực biên giới, hải đảo và trên biển nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người; tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên không gian mạng.”

Đại biểu cho rằng, trên thực tế đấu tranh với loại tội phạm này cho thấy, ngoài lợi dụng cửa khẩu, chúng còn triệt để lợi dụng các yếu tố địa hình. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý lại điều này theo hướng tuần tra, kiểm soát biên giới khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo và trên biển để đảm bảo bao quát đầy đủ và phù hợp với thực tiễn. 

Bên cạnh đó, khoản 5 Điều này quy định: “Trang bị các phương tiện kỹ thuật tại các cửa khẩu quốc tế phục vụ cho việc nhận dạng người và phát hiện nhanh chóng, chính xác các loại giấy tờ, tài liệu giả mạo; nâng cấp các trang thiết bị kiểm soát, kiểm tra tại các chốt kiểm soát, cửa khẩu.”

Về nội dung này, đại biểu nêu rõ, tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng không chỉ lợi dụng cuộc gọi quốc tế để hoạt động mà còn triệt để lợi dụng các trang bị, phương tiện kỹ thuật còn hạn chế ở các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, lối mở, lối thông quan được chuyên dụng vận chuyển hàng hóa qua biên giới để hoạt động, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng. 

Do đó, đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu chỉnh lý nội dung này theo hướng không chỉ quy định riêng với cửa khẩu quốc tế mà cần quy định chung cho các loại cửa khẩu mới phù hợp. “Vì khái niệm cửa khẩu đã bao gồm cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không và trong cửa khẩu có cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ.”, đại biểu nói. 

Ngoài ra, trong Điều 9, đại biểu cũng đề nghị chỉnh lý cụm từ “chốt kiểm soát” thành “trạm kiểm soát” để đảm bảo đúng tổ chức của các đơn vị quản lý, bảo vệ biên giới hiện nay…

QH-thaoluan-ht-s24-6-4.jpg

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được ban hành sẽ là một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, đặc biệt kiềm chế gia tăng tội phạm buôn bán người, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, có những ý kiến đóng góp sâu sắc đối với dự án Luật khi thảo luận tại tổ và tại hội trường. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao để hoàn thiện dự thảo Luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội, nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để chỉnh lý, hoàn thiện quy định trong dự thảo Luật về các khái niệm mua bán người, nạn nhân, chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, về phòng ngừa mua bán người, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Bộ trưởng Bộ Công an mong muốn, trong thời gian tới, các tổ chức chính trị xã hội, các đại biểu Quốc hội và nhân dân tiếp tục quan tâm, cho ý kiến với dự án Luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp cùng cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Nguồn: www.angiang.dcs.vn