Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

5 lượt ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tại phiên thảo luận tổ sáng ngày 23/5

Ngày đăng 28/05/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Sáng 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 và Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

23-5-QH-thaoluanto17-1.jpg

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ sáng ngày 23/5/2024.

Tham gia thảo luận tại tổ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang có 5 lượt ý kiến phát biểu, các đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đều thống nhất với các nội dung  Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, phấn khởi với những kết quả khả quan đạt được và có thêm một số ý kiến góp ý, bổ sung.

23-5-QH-thaoluanto17-2.jpg

Đại biểu Trình Lam Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng mức tăng trưởng quý I/2024 cả nước đạt 5,66%, dự đoán mức tăng trưởng các quý sau sẽ cao hơn quý trước, đề nghị Chính phủ đưa ra thêm kịch bản tăng trưởng cao hơn để có đủ kịch bản tăng trưởng dưới mức; kịch bản theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và kịch bản tăng cao hơn và có những giải pháp ứng xử phù hợp với điều kiện phát triển thực tiễn đã đặt ra.

Song song đó, đại biểu bày tỏ sự lo ngại đối với con số về kim ngạch xuất khẩu đề ra, bởi tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu quý I sẽ tạo áp lực cho các quý sau, đề nghị Chính phủ có nhìn nhận đánh giá sâu hơn như Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế. Đại biểu cũng cho rằng qua con số xuất nhập khẩu chúng ta thấy vấn đề nổi lên kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI có tỷ trọng cao hơn các doanh nghiệp nội địa, đề nghị Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ về mặt chính sách, về mặt chủ trương giúp cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân phát triển, trở thành động lực lớn.

Đại biểu cũng đề xuất Chính phủ có các giải pháp: Tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho sản xuất, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, tập trung vào 3 trụ cột: Đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; tăng cường các hoạt động thu hút nguồn vốn qua các kênh: Thị trường chứng khoán; bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp để tạo ra các kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn giúp cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Tiếp theo cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với phân cấp, đặc biệt Chính phủ cần linh hoạt  giải quyết các điểm nghẽn của doanh nghiệp và các địa phương.

Đối với vấn đề Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu báo cáo tại phiên thảo luận tổ, An Giang là 01 trong 4 địa phương được xác định là Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng mức độ đầu tư và quan tâm của các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ chưa tương xứng với vị trí, vai trò của tỉnh. Đề nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp chế biến sâu cho các sản phẩm nông nghiệp của An Giang. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách lai tạo giống cá, cây trồng chịu được hạn hán, ít sử dụng tài nguyên nước ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là An Giang.

23-5-QH-thaoluanto17-3.jpg

Đại biểu Phan Huỳnh Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, tham gia phát biểu đề xuất một số giải pháp liên quan vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân: Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những chỉ đạo mang tính chất khẩn cấp hỗ trợ cho những bà con có đời sống còn khó khăn ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có An Giang chịu ảnh hưởng bởi nhiều tác động,  nhất  là tác động của biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn. Trong khóa XIV lãnh đạo tỉnh An Giang có đề xuất và  được Chính phủ và Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận đưa vào quy hoạch và triển khai thực hiện một số hồ chứa nước đầu nguồn, đề nghị Chính phủ có quan tâm để sớm triển khai thực hiện các quy hoạch này đồng bộ với việc Campuchia xây dựng Kênh đào Phù Nam, để đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất cho bà con. Ngoài ra cũng cần đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long để nạo vét các sông, kênh gạch. Chính phủ cũng cần có hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho những vùng hạn, mặn. Đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư thêm những cây cầu kết nối tuyến đường, vùng để giảm chi phí Logistics, nâng cao đời sống nhân dân.

23-5-QH-thaoluanto17-4.jpg

Đại biểu Chau Chắc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, đề nghị bổ sung một số nội dung trong Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024: Làm rõ thêm công tác bảo vệ môi trường; bổ sung hoạt động đấu tranh trên không gian mạng, tội phạm công nghệ cao, cũng như công tác đảm bảo an toàn thông tin; đánh giá sâu hơn về tình trạng bạo lực học đường, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trường học.

Về Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, đại biểu đề nghị quan tâm hạn chế để tìm ra giải pháp thực hiện tốt hơn đối với việc giải ngân trong Chương trình mục tiêu quốc gia.

Liên quan đến việc sắp xếp lại các cơ sở nhà đất, một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước, đại biểu cho rằng còn chậm, lãng phí. Vẫn còn tình trạng vi phạm sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường; vấn đề đơn giản thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn chậm, chưa quyết liệt, còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với công tác bình đẳng giới, đề nghị trong báo cáo đề cập thêm nội dung hạn chế về khâu truyền thông, tuyên truyền giáo dục trong Nhân dân.

23-5-QH-thaoluanto17-5.jpg

Đại biểu Đôn Tuấn Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, đề nghị Chính Phủ cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn, để đưa các các biện pháp về mặt chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập mới, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh, giải ngân đầu tư công;… Liên quan đến việc sắp xếp lại các cơ sở nhà đất, một số cơ quan, đơn vị, địa phương, đại biểu đề nghị sắp xếp trên cơ sở phải xem xét thực tiễn, hiệu quả, không nên sắp xếp hoàn toàn theo các tiêu chí mang tính cơ học, phải cân nhắc xem xét, thấu đáo đến sự thụ hưởng của người dân.

23-5-QH-thaoluanto17-6.jpg

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Gianh, nhấn mạnh thêm số kết quả về công tác đối ngoại, quốc phòng bổ sung trong nội dung báo cáo  tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Đại biểu đánh giá các hoạt động đối ngoại, quốc phòng, phát triển kinh tế biên giới những tháng đầu năm 2024 đã đi vào chiều sâu, thiết thực hơn. Tuy nhiên đại biểu cũng nêu lên những khó khăn về tình hình an ninh trật tự trên một số tuyến biên giới là khá phức tạp, đặc biệt là tội phạm buôn lậu; khó khăn trong việc kết nối hạ tầng giao thông tại các tuyến biên giới để phục vụ xuất, nhập khẩu;…

Nguồn: www.angiang.dcs.vn