Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị cử tri Về tham mưu sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt VPHC theo hướng quy định khái quát hoặc quy định mở

Ngày đăng 19/08/2020

Xem với cở chữ : A- A A+
Cử tri kiến nghị: Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt VPHC theo hướng quy định khái quát hoặc quy định mở. Trường hợp vẫn quy định theo hướng liệt kê chức danh thì đề nghị bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt của Trưởng các Ban Quản lý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC; về mức phạt tiền trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính: Đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa đối với mỗi chức danh có thẩm quyền XPVPHC để phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội hiện nay, đồng thời, đảm bảo tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, do vậy, các chức danh có thẩm quyền xử phạt phải được Quốc hội quy định cụ thể trong Luật. Hiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính (trình Quốc hội) đang dự kiến sửa đổi, bổ sung theo hướng giữ nguyên cách quy định liệt kê các chức danh có thẩm quyền xử phạt. Bộ Tư pháp cho rằng, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là quyền của một cá nhân được Nhà nước giao cho nhằm đảm bảo trật tự quản lý xã hội trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, thực thi quyền lực của Nhà nước. Vì vậy, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, quyền này chỉ có thể trao cho các cá nhân là cán bộ, công chức, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước (trừ trường hợp đặc biệt đối với các chức danh thuộc Tòa án nhân dân), không thể trao cho chức danh là Trưởng các Ban Quản lý.

Liên quan đến đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành và qua theo dõi công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhằm bảo đảm ý nghĩa răn đe và phòng ngừa của chế tài xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời để bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta, dự thảo Luật (trình Quốc hội) dự kiến quy định tăng mức phạt tiền đối với 11/103 lĩnh vực hiện hành quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính, bao gồm các lĩnh vực sau: Phòng, chống tệ nạn xã hội; Giao thông đường bộ; Cơ yếu; Quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; Giáo dục; Điện lực; Quản lý công trình thủy lợi (nay là lĩnh vực thủy lợi); Báo chí; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản (nay là lĩnh vực thủy sản); Kinh doanh bất động sản./.        

Kim Yến