Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Giao thông – Vận tải trả lời kiến nghị cử tri về chỉ đạo kiểm điểm cá nhân liên quan đến một số vấn đề của các dự án BOT giao thông

Ngày đăng 09/09/2020

Xem với cở chữ : A- A A+
Cử tri kiến nghị: Chính phủ nên có chỉ đạo kiểm điểm cá nhân liên quan đến một số vấn đề của các dự án BOT giao thông như đặt trạm thu phí không đúng vị trí, tham mưu tăng phí trong thời điểm dịch bệnh diễn ra tiếp tục làm khó cho doanh nghiệp.

Ngày 28/8/2020, Bộ Giao thông – Vận tải công văn số 8537/BGTVT-ĐTCT về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh An Giang gửi tới sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV như sau:

Thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh hợp tác theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ Giao thông – Vận tải đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT). Theo quy định pháp luật và chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Giao thông – Vận tải thực hiện vai trò của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ký hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (gọi tắt là “Doanh nghiệp BOT”) để triển khai đầu tư các dự án phát triển KCHTGT theo phương thức PPP, hợp đồng BOT (gọi tắt là “Dự án BOT”); hầu hết các dự án hoàn thành đầu tư, đưa vào khai thác trước năm 2016.

Theo các hợp đồng BOT được ký giữa Nhà nước (đại diện là Bộ Giao thông – Vận tải) với Doanh nghiệp BOT, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các bộ, ngành thẩm định và cấp Giấy chứng nhận, Doanh nghiệp BOT được quyền thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí của Dự án BOT với mức phí khởi điểm và mức phí cho từng thời kỳ (3 năm điều chỉnh tăng một lần với mức tăng dựa theo chỉ số giá tiêu dùng, vừa đủ để đảm bảo hoàn vốn dự án và Doanh nghiệp BOT có lợi nhuận). Việc xác định vị trí trạm thu phí của dự án BOT, xây dựng mức phí (mức giá) khởi điểm và mức phí cho từng thời kỳ được thực hiện theo Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính. Vị trí trạm thu phí được đại diện chính quyền địa phương (UBND cấp tỉnh, thành phố)  có ý kiến đồng thuận, nhiều trạm thu phí có thêm ý kiến đồng thuận của HĐND cấp tỉnh, thành phố và Đoàn ĐBQH. Về mức phí đến nay cũng phù hợp với Luật Đầu tư theo phương thức PPP vừa được Quốc hội thông qua: “Phương án giá, khung giá sản phẩm, dịch vụ công theo thời hạn hợp đồng dự án PPP phải xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ” (khoản 1 Điều 65).

Quá trình triển khai các Dự án BOT đã được các cơ quan thanh tra, kiểm toán đánh giá cơ bản tuân thủ quy định pháp luật. Mức thu phí, lộ trình tăng phí được xây dựng căn cứ quy định pháp luật thời điểm thực hiện và hiện nay mức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ thấp hơn mức giá tối đa theo quy định pháp luật.

Đối với việc đề nghị điều chỉnh mức phí: Theo quy định của Luật Phí và lệ phí, từ ngày 01/01/2017 tiền thu tại trạm thu phí chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ và được dùng để hoàn vốn đầu tư Dự án BOT, Bộ Giao thông – Vận tải quyết định mức giá tối đa đối với dự án trên đường bộ do Trung ương quản lý. Năm 2016, trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải, Doanh nghiệp BOT giảm phí và chưa được tăng phí ở các Dự án BOT để hỗ trợ phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ các doanh nghiệp. Doanh nghiệp BOT đã tuân thủ theo chỉ đạo, chấp nhận giảm phí và phải tự huy động các nguồn vốn khác để trả nợ ngân hàng theo kế hoạch. Đến năm 2018, trước áp lực tài chính từ các ngân hàng cho vay vốn và các ngân hàng lo ngại về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay đầu tư KCHTGT theo hình thức hợp đồng BOT, Doanh nghiệp BOT đã đề nghị và Bộ Giao thông – Vận tải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép thu theo mức phí đã xác định trong hợp đồng BOT. Đặt biệt, khi dịch bệnh Covid - 19 xuất hiện đã tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó các Doanh nghiệp BOT bị ảnh hưởng trực tiếp do lưu lượng phương tiện giảm sâu dẫn đến doanh thu giảm. Xác định doanh nghiệp BOT cũng là doanh nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật và cần được hưởng các hỗ trợ theo tinh thần của Chính phủ. Việc đề xuất áp dụng mức phí tăng theo lộ trình trong hợp đồng dự án đã được Bộ Giao thông – Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ từ tháng 01/2019 và thực chất đây là trách nhiệm của Nhà nước cần thực hiện theo hợp đồng đã ký với Doanh nghiệp BOT.

Về nguyên tắc, Nhà nước ký hợp đồng với doanh nghiệp BOT để xây dựng tuyến đường với mức phí đã quy định trong hợp đồng dự án thì Nhà nước cần tuân thủ thực hiện theo hợp đồng đã ký. Trường hợp Nhà nước có điều chỉnh chính sách giá nhằm ổn định kinh tế vĩ mô nhưng có ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký thì cũng cần có giải pháp phù hợp để thực hiện trách nhiệm theo hợp đồng như hỗ trợ, bù phần sụt giảm doanh thu do ảnh hưởng của chính sách giá. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19, Bộ Giao thông – Vận tải cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông – Vận tải trao đổi, đàm phán với Doanh nghiệp BOT để lựa chọn thời điểm áp dụng mức phí mới cho phù hợp tình hình thực tế, hạn chế ảnh hưởng tối đa đến doanh nghiệp vận tải chứ chưa áp dụng ngay ở thời điểm này.

Trong những năm qua, do nguồn ngân sách hạn hẹp, thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông – Vận tải đã huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư nhiều dự án phát triển KCHTGT. Các dự án hoàn thành, đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội,  góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm áp lực nợ công, kích cầu sản xuất trong nước, đảm bảo an ninh – quốc phòng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Mô hình đầu tư phát triển dự án KCHTGT theo phương thức PPP là một mô hình mới và phức tạp hơn rất nhiều phương pháp đầu tư công truyền thống nên bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy việc đầu tư KCHTGT theo hình thức này cũng bộc lộ một số tồn tại về cơ chế, chính sách và công tác quản lý nhà nước trong quá trình tổ chức thực hiện. Bộ Giao thông – Vận tải đã nghiêm túc tổ chức rút kinh nghiệm và đang tiếp tục rà soát, khắc phục đối với những tồn tại mà Đoàn Giám sát của Ủy ban kiểm tra Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thanh tra, kiểm toán chỉ ra trong quá trình kiểm tra, giám sát.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư và dần hoàn thiện cơ chế, chính sách về đầu tư theo phương thức PPP, Bộ Giao thông – Vận tải luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và cử tri. Đồng thời, mong các đại biểu Quốc hội có đủ thông tin chính xác để kịp thời trả lời cử tri trong quá trình tiếp xúc cử tri, giúp cử tri hiểu đúng bản chất vấn đề, sát với thực tiễn triển khai các  Dự án BOT nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất toàn dân về chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam./.

Kim Yến