Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Học Bác: Xây dựng “phên dậu” lòng dân

Ngày đăng 22/02/2023

Xem với cở chữ : A- A A+
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến xây dựng và phát triển văn hóa, nhất là đối với đồng bào dân tộc và những vùng biên giới. Ở vùng đất sơn cước biên thùy An Giang, suốt mấy mươi năm qua, quan điểm và những lời dạy của Người là nguồn ánh sáng văn hóa lan tỏa, soi rọi đến các phum sóc xóm làng – cũng là “phên dậu” lòng dân!

Nghi thức phục dựng lễ cưới dân tộc Chăm tại Ngày hội Văn hóa Thể thao Du lịch đồng bào Chăm An Giang năm 2022

Tỉnh An Giang hiện có 28 dân tộc thiểu số, với khoảng 112.000 (28.500 hộ) chiếm 5,26% dân số toàn tỉnh, nhiều nhất là dân tộc Khmer, chiếm 4,2% tổng dân số toàn tỉnh, sống tập trung nhiều nhất ở 2 huyện biên giới là Tri Tôn và Tịnh Biên. Tiếp đến là dân tộc Chăm chiếm 0,67% tổng dân số toàn tỉnh, sống tập trung ở 2 huyện/thị xã biên giới là An Phú và Tân Châu. 

Sử cũ chép rằng, hơn năm 200 năm trước, khi Trấn thủ Thoại Ngọc Hầu vâng lệnh triều đình chiêu mộ dân phu đào kinh Vĩnh Tế. Cộng đồng các dân tộc vùng biên giới An Giang, đặc biệt là đồng bào Khmer cùng với người Kinh đã một lòng theo Ông Thoại, làm nên một công trình vĩ đại, mang ý nghĩa lớn lao. Tương truyền, để khích lệ và đãi ngộ đời sống tinh thần dân phu, Thoại Ngọc Hầu đã lập ra gánh hát bội, biểu diễn các tích tuồng cho các quan lại lẫn dân binh thưởng thức. Vì vậy mà nhân dân hết sức mến yêu và tôn kính Ông Thoại; họ quyết một lòng theo ông, vượt qua mọi gian khó để đào kinh, an cư lập nghiệp và quyết giữ vững vùng biên ải xa xôi này! Truyền thống coi trọng và xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho các dân tộc ở vùng biên giới An Giang đã có từ thời xa xưa ấy…

Hơn 100 năm sau, đất nước bước vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và quét sạch bọn Pôn Pốt. Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường dân tộc”; mặc dù các phum sóc, xóm làng của đồng bào Khmer và người Chăm ven biên giới còn heo hút, cách trở và khó khăn nhưng những cán bộ chiến sĩ “bộ đội Cụ Hồ” vẫn đến cùng sống, chiến đấu và ra sức giúp đồng bào phát triển đời sống vật chất và tinh thần. Các đội chiếu phim lưu động, đoàn văn công giải phóng thường xuyên tổ chức chiếu phim, biểu diễn văn nghệ cho đồng bào xem. Thưởng thức những thước phim Bác Hồ ra đồng thăm nông dân, Bác trồng cây, lội suối… bà con dân tộc ai cũng xúc động, dâng trào nỗi niềm nhớ thương và noi theo gương Bác, ra sức chiến đấu, lao động hăng say, hết lòng giúp đỡ cách mạng cả sức người và sức của cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Nghệ nhân ưu tú Đặng Hoàng Linh – nghệ sĩ của Đoàn Văn công giải phóng ngày ấy nhớ lại, học theo lời Bác dạy, anh em nghệ sĩ nguyện đem hết tài sức của mình phục vụ nhân dân với tinh thần “cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có một nhiệm vụ nhất định, đó là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Chính vì vậy mà đồng bào rất yêu mến anh em văn nghệ sĩ, xem như bà con ruột thịt, cho ăn ở nhà dân, đến thì mến yêu mà đi thì bịn rịn. Nhờ tình cảm của đồng bào mà anh em đã tự sáng tác ra nhiều tác phẩm mang âm hưởng dân tộc Khmer, bằng cả lời Việt và lời Khmer để phục vụ đồng bào. Không ít người con phum sóc đã đi theo kháng chiến, từ tấm lòng và tiếng hát lời ca của những nghệ sĩ “bộ đội Cụ Hồ”.

Chuyện rằng năm 1962, khi nữ liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân người Khmer – Neáng Nghés anh dũng hy sinh, nhạc sĩ Trình Minh Trị - Trưởng Đoàn Văn công giải phóng tỉnh An Giang lúc bấy giờ đã xúc động, “thai nghén” nên ca khúc Chiếc áo nàng Sa-rết. Tuy nhiên phải mất một thời gian ông đi đến các phum sóc, ăn ở cùng đồng bào, lắng nghe từng lời ru, câu hát truyền thống Khmer; ông mang bản thảo đến hát cho bà con Khmer nghe, lắng nghe sự góp ý và chỉnh sửa và hoàn thành bài hát đậm đà âm hưởng Khmer. Với tinh thần của người bộ đội Cụ Hồ và trách nhiệm của một nghệ sĩ “chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá”, nhạc sĩ Trình Minh Trị đã cho ra đời hàng loạt bài hát  kháng chiến như: Chiếc áo nàng Sa-rết, Vồ đá bia, Chiến thắng Hoạch Lâm, Du kích núi Dài, Bão lửa Thất Sơn, Bà mẹ Nhơn Hội, Vinh quang Ăng-kor… Những bài hát mang giai điệu từ âm hưởng truyền thống Khmer ngày ấy đã được đồng bào yêu thích, thuộc và hát cho đến tận ngày nay.
 

Nữ chiến sĩ thuộc Đoàn Văn công An Giang đàn hát cho các em thiếu nhi dân tộc vùng biên giới An Giang nghe, năm 1965 - ảnh: Phương Ngoan
 

Đoàn Văn công An Giang phục vụ văn nghệ cho các chiến sĩ ở căn cứ B1 ven biên giới - ảnh: Phương Ngoan

Sau khi hòa bình lập lại, nhớ theo lời Bác dạy, cần phải: “Ra sức giúp đỡ đồng bào phát triển những việc có lợi ích cho đời sống vật chất và văn hóa của các dân tộc”. Dẫu đường về các phum sóc vùng biên còn nhiều khó khăn nhưng công tác “mang ánh sáng văn hóa” về vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc vẫn được tỉnh An Giang quan tâm và chú trọng. Các đội tuyên truyền lưu động, chiếu phim được tăng cường về vùng biên, vừa mang “ánh sáng văn hóa” đến với đồng bào, vừa mang tri thức về sức khỏe, trồng trọt chăn nuôi về với phum sóc; đồng thời đẩy lùi tệ nạn xã hội và các hủ tục không còn phù hợp. Thông qua đó, những lời Bác dạy đến với đồng bào một cách gần gũi, cụ thể và thiết thực bằng nhiều chương trình phát triển đời sống kinh tế gắn liền với văn hóa xã hội như: Trường trung cấp nghề dân tộc nội trú, các chương trình phát thanh truyền hình tiếng dân tộc, bảo tồn và phát huy chữ viết và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc… Không ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước, những năm gần đây, nhiều hộ dân tộc ở vùng biên đã tự tin vươn lên làm giàu, nhiều tấm gương hiếu học, thành đạt và nhiều tài năng văn hóa nghệ thuật được phát hiện bồi dưỡng phát triển… đã cổ vũ và giúp đỡ bà con trong phum cùng nhau phát triển ấm no; góp phần không nhỏ cho sự phát triển quê hương, ngày một thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
 

Nghi thức phục dựng lễ cưới truyền thống của đoàn dân tộc Khmer An Giang tại Ngày hội Văn hóa Thể thao Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ năm 2022

Những năm gần đây, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với Nghị quyết số 03-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) ngày 16/7/1998 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, việc đầu tư bảo tồn và phát triển văn hóa cho đồng bào các dân tộc ven biên giới được tỉnh An Giang chú trọng và quan tâm đầu tư. Luân phiên mỗi năm một lần, tỉnh sẽ tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch dân tộc Chăm hoặc dân tộc Khmer, nhân dịp lễ Tết Đôn – ta của bà con Khmer hoặc sau tháng ăn chay Ramadam của người Chăm. Đây là dịp để các xóm Chăm, các phum sóc người Khmer trong địa bàn tỉnh có dịp gặp gỡ, giao lưu, ôn lại truyền thống dân tộc, đồng thời là sân chơi trình diễn tài năng, tìm ra nhân tố mới cho phong trào ở địa phương.

Học theo lời Bác dạy: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ những năm kháng chiến khó khăn cho đến hôm nay, An Giang luôn hết sức quan tâm và đầu tư cho văn hóa, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng biên giới và dân tộc. Đến nay, bộ mặt phum sóc, xóm làng vùng biên đang ngày càng khởi sắc, mở ra nhiều hứa hẹn về một vùng biên viễn bình yên, đầy hương sắc!

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh An Giang