Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Minh triết Hồ Chí Minh

Ngày đăng 19/05/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Là lãnh tụ cách mạng vĩ đại, là một nhà tư tưởng lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản tư tưởng phong phú cho dân tộc. Những tư tưởng ấy được kế thừa từ giá trị truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, chủ nghĩa Mác - Lênin, được vận dụng trong hoàn cảnh Việt Nam và nâng tầm trở thành triết lý, minh triết Hồ Chí Minh.

132-sinhnhat-BacHo.jpg

Trong các bài viết, bài nói, cách cư xử thông qua hoạt động hằng ngày, Hồ Chí Minh hầu như không dùng ngôn ngữ triết học và không tự thừa nhận mình là nhà khoa học, nhưng trong tư tưởng của Người lại luôn nhất quán một thế giới quan, một nhân sinh quan, một hệ thống tư duy triết học.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Điều quan trọng là Người hiểu sâu sắc Việt Nam và cũng hiểu rõ Việt Nam có thể và cần tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin như thế nào. Tác giả Geetesh Sharma (Ấn Độ) đã nhận ra chân giá trị của tư tưởng triết học và chính trị của Người khi viết: "Quá trình tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và triết học chính trị định hướng Nhân dân của Người không bao giờ dính dáng gì đến miền hoang tưởng, xét ở mọi khía cạnh. Viễn kiến của Người, tư tưởng và triết học của Người có thể nói là không lệ thuộc vào bất cứ chủ nghĩa phức tạp nào. Người là một nhà Mácxít, học tập Lênin, và chịu ảnh hưởng của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Nhưng Người chỉ học những giá trị hay nhất, tinh túy nhất, chứ không áp dụng một cách gập khuôn máy móc. Điều đó giúp sự nghiệp cách mạng của Nhân dân Việt Nam luôn tươi mới, đầy tính sáng tạo và có khả năng đi tới thắng lợi một cách thuyết phục"[1].

Tư duy của Hồ Chí Minh luôn thể hiện tính năng động mạnh mẽ, luôn hướng về phía trước, không một chút dao động, không một chút tiêu cực. Nhà báo Pháp Sáclơ Phuốcniô trong bài viết "Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh" đặc biệt chú ý đến tư duy tích cực trong ngôn ngữ của người: "Có hai điểm làm tôi chú ý đặc biệt. Trong đề cương mà tôi gửi tới Người, đồng chí Hồ Chí Minh đã gạch tất cả những công thức tiêu cực để thay bằng những công thức tích cực cùng nghĩa. Người không viết: "Không có chủ nghĩa xã hội thì các dân tộc không thể đi đến giải phóng hoàn toàn" mà viết: "Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể bảo đảm cho các dân tộc được giải phóng hoàn toàn". Đây không phải là một thói quen trong cách sử dụng ngôn ngữ, mà đây chính là nếp suy nghĩ của Người"[2].

 Triết học của Người, cách lập ngôn của Người luôn nhằm vào đối tượng và công việc cụ thể nên thường súc tích, ngắn gọn, thâm hậu. Tư tưởng không có gì quý hơn độc  lập, tự do, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, lời kêu gọi thi đua, ý kiến về công tác dân vận, về chống chủ nghĩa cá nhân, về sửa đổi lối làm việc... tất cả là những mệnh lệnh có tính chất triết học, chính trị và trong thực tế đã tạo nên những phong trào cách mạng sôi nổi, có giá trị và hiệu quả bền vững; không nhiều lời, không đại ngôn mà kiệm ngôn, thậm chí vô ngôn vì lời nói đã biến thành hành động, thành thành quả. Hồ Chí Minh nói được bản chất vấn đề theo một cách nói riêng. Chính vì thế, trong hệ thống lý luận triết học chính trị của Người không chấp nhận sự thỏa hiệp, nước đôi hoặc quanh co, không nhất quán.

Nói đến những nhân tố tích cực trong cấu trúc của minh triết Hồ Chí Minh còn phải kể đến niềm tin vào tương lai và tinh thần lạc quan của tư tưởng Hồ Chí Minh. Cuộc đời Người trải qua nhiều gian truân, thử thách nhưng Người vẫn luôn lạc quan, giữ vững niềm tin vào thắng lợi. Những bài thơ trong tập thơ "Nhật ký trong tù" cho thấy trong hoàn cảnh tối tâm, bị đày dọa, Người vẫn giữ vững tính thần đấu tranh, không hề lùi bước.

Trong Di chúc - bản văn gần 1.000 từ Người để lại cho đồng bào, đồng chí và bè bạn quốc tế, chúng ta thêm một lần được thấu hiểu và thấu cảm về Người. Gần 1.000 từ trong Di chúc không một lần nào Người nói đến cái chết, sự chết, ngay chữ "chết" cũng không hề có trong Di chúc. Người chủ động "đi gặp cụ CácMác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác". Người nhắc đến quy luật của muôn đời một cách bình thản nhưng lại căn dặn chúng ta điều hệ trọng "sau khi tôi đã qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình lãng phí thì giờ và tiền bạc của Nhân dân". Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho tất cả mọi người, từ cụ già tới em nhỏ, từ đồng bào trong nước đến bè bạn quốc tế. Quả thật là trong cả suy nghĩ, trong trái tim với tình thương bao la của Người có chỗ cho tất cả mọi người, không sót một ai như nhận xét tinh tế của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Người nói rõ điều mong muốn cuối cùng, tức là tâm nguyện của Người, xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Đó chính là quan niệm của Người về chủ nghĩa xã hội Việt Nam, và Đảng ta tái hiện nguyên vẹn tư tưởng minh triết này của Người trong Cương lĩnh của Đảng. Đó không chỉ là khoa học mà còn là đạo đức, là chất nhân văn trong tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa xã hội Việt Nam kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc với tinh thần thời đại hàm chứa trong đó minh triết Hồ Chí Minh trên tất cả các bình diện chính trị - khoa học - đạo đức mà sâu xa là văn hóa.

Tinh thần và lời văn của Người trong Di chúc đem lại cho chúng ta sự nhận chân sâu xa nhất về minh triết với những dấu hiệu đặc trưng bản chất của nó. Đó là sự sâu sắc, sự sáng tỏ của tư tưởng đến độ kết tinh và của sự truyền dẫn tư tưởng đến tầm thông thái của bậc hiền triết mà giản dị đến vô cùng, nên mỗi lời của Người đều có sức lắng đọng, mỗi chữ như có thần thái tỏa sáng.

Con người minh triết là kết quả sinh thành từ một cuộc đời minh triết - sống vì nước vì dân, phút ra đi "Lời di chúc gửi êm bên gối", vẫn một lòng một dạ yêu nước thương dân, "nâng niu tất cả chỉ quên mình". Triết lý sống Hồ Chí Minh là phần tinh túy trong tư tưởng đạo đức của Người. Học tập và làm theo triết lý sống của Người không chỉ vì lợi ích của xã hội, của cách mạng Việt Nam, mà còn vì sự hoàn thiện nhân cách và hạnh phúc của mỗi người./.

 

_____________

[1] Geetesh Sharma: "Một nhân cách vừa vĩ đại vừa đặc biệt", báo Văn nghệ, ngày 15/9/2010.

[2] Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn học: Nghiên cứu, học tập thơ văn Hồ Chí Minh, Sđd, tr.529.

Nguồn: Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh An Giang