Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Giám đốc Sở Công thương trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về tình trạng nông sản, thực phẩm bị thương lái ép giá ...

Ngày đăng 08/09/2021

Xem với cở chữ : A- A A+
Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn: “Tình trạng nông sản, thực phẩm bị thương lái ép giá trong khi giá các mặt hàng nông sản cùng loại tiêu thụ tại chợ lại cao hơn nhiều (cao gấp 3 - 4 lần trong thời điểm giãn cách xã hội) so với giá mua đối với nông dân. Đề nghị ngành chức năng tỉnh tiếp tục quan tâm, có biện pháp quản lý, điều hành sao cho phù hợp, đảm bảo lợi ích giữa thương lái và nông dân”

Ngày 18/8/2021, Sở Công thương có công văn số 1306/SCT-QLTM V/v trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh như sau:

- Ngay từ đầu năm Sở Công Thương đã chủ động, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan khác, địa phương và doanh nghiệp xây dựng Kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường năm 2021 và qua đó dự báo tình hình hoạt động kinh doanh, dịch vụ sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nên Sở đã chủ động lên nhiều phương án, kịch bản, từng cấp độ khác nhau để kịp thời ứng phó trong mọi tình huống.

- Tính đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng hàng hóa thiết yếu tại An Giang đảm bảo đủ cung ứng cho người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm, gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Hiện nguồn hàng hóa thiết yếu tại chỗ có thể cung ứng cho người dân trong tỉnh thời gian từ 7-10 ngày và khoảng 01 tháng với điều kiện vận chuyển lưu thông bình thường. Hiện có 22 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh còn dự trữ hàng hóa đến thời điểm này còn khoảng 2.362 tỷ đồng (tương đương khoảng 59% so với kế hoạch đầu năm). Sức mua sắm của người dân hiện tại chỉ bằng khoảng 60-70% so với bình thường trước khi giãn cách xã hội do người dân thắt chặt chi tiêu, chỉ mua sắm các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, hạn chế mua sắm các mặt hàng không phải thiết yếu.

- Trước khi thực hiện giãn cách xã hội một số người dân lo lắng, hạn chế đi ra đường nên có tâm lý đỗ xô đi mua lương thực, thực phẩm tại các chợ, cửa hàng tạp hóa để dự trữ tiêu dùng trong nhiều ngày, nên xảy ra hiện tượng một vài hộ kinh doanh lợi dụng thời điểm đó để tăng giá bán như: đối với mặt hàng trứng tăng khoảng 40%, thịt heo tăng khoảng 30%, mì gói tăng khoảng 20%, một số loại rau củ quả tăng 10-20% so với ngày thường, thậm chí còn cao hơn nữa nhưng chỉ xảy ra nhất thời, trong một thời gian ngắn tại một số địa điểm và sau đó giá cả đã ổn định trở lại do sức mua giảm mạnh. Hiện, giá cả bình quân một số mặt hàng nông sản tại chợ cao hơn khoảng 5- 10% so với ngày thường trước khi thực hiện giãn cách xã hội do các thương lái, hộ tiểu thương phải trả các chi phí phát sinh tăng thêm trong quá trình vận chuyển, thu mua (chi phí đi lại, chi phí xét nghiệm,….)

- Nhằm đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm nông sản của tỉnh và hạn chế tình trạng thương lái ép giá nông sản, Sở Công Thương luôn có trách nhiệm chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành thường xuyên rà soát tổng hợp danh sách sản phẩm nông sản của tỉnh để tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, kết nối với các nhà phân phối lớn trong và ngoài tỉnh như: hệ thống siêu thị (Co.opMart, Big C, Vinmart, Bách hóa xanh, MM Mega Market Vietnam, Tứ Sơn) và các đơn vị liên quan khác (Tỉnh đoàn, Bưu điện, Viettel,...) để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh. Ngoài ra, Sở Công Thương còn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Kết quả đến nay, Sở Công Thương đã kết nối hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân trên 40 tấn nông sản, trái cây các loại như măng tre, nhãn xuồng, bưởi da xanh, cam, thanh long, đậu nành rau, dưa leo và các sản phẩm nông sản khác.

- Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giá cả các mặt hàng thiết yếu tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, nhất là các cửa hàng bách hóa tổng hợp, hộ tiểu thương tại chợ,.... nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp tăng giá bất hợp lý (Kết quả kiểm tra từ ngày 15/7/2021 bắt đầu giãn cách xã hội đến nay, đã tiến hành kiểm tra 25 vụ, trong đó phát hiện vi phạm 16 vụ về các hành vi như không niêm yết giá; niêm yết giá hàng hóa không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về ngôn ngữ sử dụng theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;…Tuy nhiên, chưa phát hiện các hành vi đầu cơ, găm hàng hay tăng giá bất hợp lý).

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường và hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, thực hiện tốt nhiệm vụ thành viên Tổ phản ứng nhanh tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, địa phương, báo, đài tăng cường hơn nữa tuyên truyền công tác bình ổn thị trường để người dân yên tâm mua sắm, không nên mua hàng tích trữ, nhằm hạn chế tăng giá và giảm tụ tập đông người gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh./.

Kim Yến