Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Giám đốc Sở Công thương trả lời kết quả thực hiện chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về tình trạng nông sản, thực phẩm bị thương lái ép giá

Ngày đăng 30/10/2021

Xem với cở chữ : A- A A+
Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn: “Tình trạng nông sản, thực phẩm bị thương lái ép giá trong khi giá các mặt hàng nông sản cùng loại tiêu thụ tại chợ lại cao hơn nhiều (cao gấp 3 - 4 lần trong thời điểm giãn cách xã hội) so với giá mua đối với nông dân. Đề nghị ngành chức năng tỉnh tiếp tục quan tâm, có biện pháp quản lý, điều hành sao cho phù hợp, đảm bảo lợi ích giữa thương lái và nông dân”

Ngày 25/10/2021, Sở Công thương có công văn số 1816/SCT-KHTCTH về kết quả thực hiện trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh như sau:

- Từ khi tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 bắt đầu từ 00 giờ ngày 11/7/2021 đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho nông dân trên 181 tấn nông thủy sản các loại; giới thiệu các Combo nông sản của tỉnh đến chương trình đi chợ hộ của tỉnh Bình Dương; hỗ trợ Hợp tác xã tiêu thụ nông sản Chợ Mới đưa nông sản vào tiêu thụ tại Trung tâm Thương mại Gigamall (Hồ Chí Minh); thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký kết nối mua bán các sản phẩm trên Cổng thông tin “Đăng ký kết nối Mua – Bán nông sản, hàng hóa (https://htx.cooplink.com.vn/). Đồng thời, Sở Công Thương phối hợp địa phương, báo, đài tăng cường tuyên truyền công tác bình ổn thị trường để người dân yên tâm mua sắm, không nên mua hàng tích trữ, nhằm hạn chế tăng giá và giảm tụ tập đông người gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, đối với các hộ nông dân nhỏ lẻ còn gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa sang các địa bàn khác và quen với cách thức “giao hàng trả tiền ngay” nên gặp khó khăn trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, do tính chất mau hư hỏng, cần có kho bảo quản nên gặp khó khăn trong việc đưa các sản phẩm rau, củ, quả tươi lên các sàn giao dịch thương mại điện tử (Voso.vn, Postmart, Sendo,....).

- Qua kiểm tra phản ánh của người dân, Sở Công Thương xác nhận có hiện tượng nâng giá bán cao hơn so với ngày thường tại một số địa điểm nhất định trong giai đoạn đầu tỉnh thực hiện giãn xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ. Nguyên nhân, do giữa tháng 7/2021, trước khi thực hiện giãn cách xã hội một số người dân lo lắng, hạn chế đi ra đường nên có tâm lý đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm tại các chợ, cửa hàng tạp hóa,... để dự trữ tiêu dùng trong nhiều ngày (làm sức mua tăng 4-5 lần so với ngày thường); dẫn đến hiện tượng khan hiếm, thiếu hàng cục bộ đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm (trong đó có mặt hàng nông sản); lợi dụng tình hình đó, một vài tiểu thương, hộ kinh doanh đã tăng giá bán các mặt hàng nông sản, thực phẩm cao hơn so với ngày thường. Trước tình hình đó, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giá cả các mặt hàng thiết yếu tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, nhất là các cửa hàng bách hóa tổng hợp, hộ tiểu thương tại chợ,... nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp tăng giá bất hợp lý (từ ngày 15/07 đến nay, đã thực hiện kiểm tra 111 vụ; phát hiện 64 vụ vi phạm; Xử lý 41 vụ; Số tiền phạt VPHC trên 450 triệu đồng), và chỉ trong một thời gian ngắn sau, cùng với sức mua của người dân giảm mạnh đã làm giá cả dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, do những khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh đã làm giá hàng hóa tăng khoảng 5-10% so với ngày thường.

- Hiện tại, giá cả bình quân một số mặt hàng đã ổn định so với thời gian trước khi giãn cách xã hội, thậm chí có mặt hàng giảm 10-15% như thịt heo, trứng. Tình hình thị trường hàng hóa lưu thông thông suốt, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng, phòng chống dịch nguồn cung dồi dào. Phần lớn các cơ sở tuân thủ đúng quy định pháp luật trong kinh doanh, có niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Đến nay, có thể khẳng định rằng hàng hóa thiết yếu tại An Giang đến thời điểm này đảm bảo đủ cung ứng đầy đủ, kịp thời cho người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm, gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa (toàn tỉnh An Giang, hiện có 194/203 chợ; 07 siêu thị; 02 trung tâm thương mại và 79/80 cửa hàng tiện ích đang mở cửa hoạt động với nguồn hàng khá dồi dào, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân).

          - Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường và hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, thực hiện tốt nhiệm vụ thành viên Tổ phản ứng nhanh tiêu thụ nông sản. Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, địa phương và doanh nghiệp liên quan tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; tăng cường tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực hoạt động cho hợp tác xã thông qua các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp./.

Kim Yến