Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri về ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, giá nông sản xuống thấp

Ngày đăng 30/11/2021

Xem với cở chữ : A- A A+
Cử tri kiến nghị: Tình hình ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, giá nông sản xuống thấp, vật tư nông nghiệp, thức ăn trong chăn nuôi không giảm; mặt khác việc đi lại để chăm sóc lúa Thu Đông ngoài xã, ngoài huyện gặp nhiều khó khăn

Ngày 29/11/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh có công văn số 1360/UBND-KTN về việc xử lý kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như sau:

Trong vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2021 (trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ), dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu hoạch, thu mua, vận chuyển nông sản của nông dân, tiểu thương, doanh nghiệp, thương lái,…Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến các chuỗi sản xuất làm chi phí logistics tăng; một số nước cung cấp nguyên liệu sản xuất có chính sách hạn chế xuất khẩu nguyên liệu nên ảnh hưởng đến mức giá chung của toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình đó, Tỉnh cũng đã tìm nhiều giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy việc sản xuất, lưu thông hàng hóa nông sản cho người dân, kiên quyết không để chuỗi sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bị đứt gãy, cụ thể: thành lập Tổ phản ứng nhanh cấp tỉnh, huyện và xã; phối hợp Bộ Tư lệnh Quân khu 9 hỗ trợ nông dân thu hoạch và vận chuyển nông thủy sản, ưu tiên hỗ trợ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng trong sản xuất nông nghiệp, tạo luồng xanh trong hoạt động vận tải,…để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, thu hoạch và vận chuyển nông sản trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 650/KH-UBND ngày 20/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang và Kế hoạch số 692/KH-UBND ngày 16/11/2021 về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang; đồng thời UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong việc đi lại, thu mua, vận chuyển vật tư sản xuất nông nghiệp, nông sản; kiên quyết không để xảy ra tình trạng ách tắc hay khó khăn trong vận chuyển nông sản trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, giá lúa đã có xu hướng tăng trở lại, cụ thể: IR50404 có giá 5.600 - 5.700 đồng/kg (+1.000 đồng/kg), OM380: 5400 - 5.600 đồng/kg (+1.000 đồng/kg), OM5451: 5.600 - 5.800 đồng/kg (+600 đồng/kg), ĐT8: 6.200 - 6.300 đồng/kg (+500 đồng/kg), Nàng Hoa 9: 6.300 - 6.400 đồng/kg (+300 đồng/kg) so với thời điểm đầu vụ Thu Đông 2021. Ngoài ra, giá rau màu và giá trái cây của tỉnh cũng có chiều hướng tăng trở lại.

Riêng về giá vật tư sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi hiện nay vẫn duy trì ở mức cao là do tình hình dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, chi phí logistics tăng cao. Bên cạnh đó, một số nước cung cấp nguyên liệu sản xuất tiếp tục có chính sách hạn chế xuất khẩu nguyên liệu làm cho giá cả chung toàn thế giới tăng, trong đó có Việt Nam. Ủy ban nhân dân tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ để có giải pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp; đồng thời đã chỉ đạo các cơ quan liên tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp như: vật tư nông nghiệp kém chất lượng, hàng gian, hàng giả, vi phạm các quy định về giá,….

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ và phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Kế hoạch Khôi phục và phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, trong đó đề ra một số giải pháp nhằm giúp ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng, linh hoạt, an toàn với điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng theo nhu cầu thị trường, đảm bảo kết nối tiêu thụ; đồng thời hỗ trợ xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới./.

Kim Yến