Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Sở Y tế trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026

Ngày đăng 21/08/2021

Xem với cở chữ : A- A A+
Thực hiện Công văn số 91/HĐND-TT ngày 13/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh, Sở Y tế trả lời nội dung: “Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, các ca nhiễm trong cộng đồng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh; các biện pháp để hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung cũng như đảm bảo an toàn cho đội ngũ y bác sĩ làm việc tại các khu điều trị và khu cách ly”,

Sở Y tế báo cáo kết quả thực hiện trong thời gian qua và các giải pháp, biện pháp trong thời gian tới như sau:

          1. Các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19:

          1.1. Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19

- Tính đến 16 giờ, ngày 17/8/2021: ghi nhận 1048 ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh (trong đó: 66 trường hợp cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh). Số trường hợp đang điều trị 763, số khỏi bệnh 276 trường hợp.

Cách ly tập trung hiện còn quản lý: 3147 trường hợp, số cộng dồn là 17.838. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú hiện còn quản lý: 3703 trường hợp (số cộng dồn là 31.128 trường hợp). Tất cả các trường hợp cách ly trên sức khỏe đều bình thường. Công tác xét nghiệm: số mẫu được xét nghiệm tính đến 17/8/2021 là 67.516 mẫu, trong đó: 1.048 mẫu kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

          - Số ca mắc trước khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ ngày 19/7/2021 là 128 trường hợp, ngay sau khi thực hiện Chỉ thị 16, tranh thủ thời gian vàng giãn cách xã hội, tỉnh An Giang đã thực hiện chiến dịch xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng trên quy mô toàn tỉnh, đã phát hiện 920 trường hợp (bình quân mỗi ngày mắc 30 ca), có thể nói số tăng này là ở mức thấp trong  gần 30 ngày qua. Điều này nói lên rằng, việc thực hiện Chỉ thị 16 là rất đúng lúc và kịp thời, nếu không số ca mắc sẽ tăng rất nhiều và dịch có thể đã bùng phát lây lan sâu rộng trong cộng đồng.

1.2. Giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới:

Ngành Y tế tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh các giải pháp hữu hiệu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, đặc biệt là Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất của Quốc Hội khóa XV.

Tiếp tục duy trì và phát huy các thành quả chống dịch đã đạt được của tỉnh trong thời gian qua và đẩy mạnh một số giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong thời gian tới như sau:

(1). Xây dựng kế hoạch đảm bảo về cơ sở vật chất, nhân sự, vật tư và trang thiết bị y tế để sẵn sàng tiếp nhận 5000 ca mắc COVID-19 và 30.000 trường hợp phải cách ly tập trung nhằm để hạn chế số ca tử vong do quá tải hệ thống và tránh lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung F1.

(2). Thực hiện tốt mô hình Tháp 3 tầng điều trị COVID-19  theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phân phối nguồn lực hợp lý, phân tầng điều trị thích hợp và chủ động góp phần làm giảm số ca tử vong.

(3). Xây dựng kế hoạch và thực hiện xét nghiệm tầm soát F0 trong cộng đồng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khoa học, hiệu quả;  đi đôi với nâng cao năng lực xét nghiệm, đảm bảo xét nghiệm thần tốc phục vụ truy vết thần tốc, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

(4). Tập trung mọi nguồn lực bảo vệ vùng xanh để giảm mức độ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 sau ngày 16/8/2021 và tiến tới ; tiếp tục kiểm soát chặt các vùng nguy cơ không để xảy ra ca mắc mới trong 14 ngày để chuyển sang trạng thái bình thường mới (vùng xanh) đi đôi với việc loại bỏ F0, làm sạch ổ dịch tại vùng nguy cơ cao và nguy cơ rất cao. Đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất kinh doanh đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “Hai điểm đến một cung đường” theo đúng Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ Y tế.

(5). Đẩy mạnh việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong: khai báo y tế bằng QR code; ứng dụng nền tảng số trong điều tra, truy vết F0, F1, F2; sổ sức khỏe điện tử trong tiêm chủng; luồng xanh giao thông bằng QR code; xây dựng biểu đồ đi kèm đánh giá nguy cơ và an toàn COVID-19; thành lập các tổng đài, đường dây nóng để tư vấn sức khoẻ và trả lời thông tin có liên quan đến dịch bệnh cho người dân.

(6). Đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin trong cộng đồng nhằm sớm đạt mục tiêu theo Quyết định số 1662/QĐ-UBND ngày 20/7/2021: “Tối thiểu 50% nguời từ 18 tuổi trở lên đuợc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trong năm 2021. Trên 70% dân số đuợc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đến hết quý I/2022” để đạt miễn dịch cộng đồng, xem đây là mục tiêu có ý nghĩa quyết định trong khống chế đại dịch đi đôi với phát triển kinh tế xã hội.

          2. Các biện pháp để hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung cũng như đảm bảo an toàn cho đội ngũ y bác sĩ làm việc tại các khu điều trị và khu cách ly:

          Tình hình lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung cũng như đảm bảo an toàn cho đội ngũ y bác sĩ làm việc tại các khu điều trị và khu cách ly là vấn đề được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh rất quan tâm và có chỉ đạo quyết liệt. Để hạn chế tình trạng này, ngành Y tế tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh tập trung chỉ đạo Ban Chỉ đạo các huyện, thị, thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp sau:

          (1). Yêu cầu Ban Chỉ đạo các huyện, thị, thành phố phải giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng thành viên tham gia làm nhiệm vụ tại từng khu cách ly F1.

          (2). Phải có quy định bắt buộc rõ ràng trong sử dụng phương tiện bảo hộ, thực hiện đúng nhiệm vụ được giao.

          (3). Không được phép tiếp xúc với F1 bất kể hình thức nào như: mua đồ, vật chất, không cho phép mua bán trong khu vực cách ly (kể cả thuốc y tế). Trường hợpđặc biệt phải có ý kiến của nhân viên y tế.

          (4). Thường xuyên nhắc nhở F1 tuân thủ nội quy cách ly, thường xuyên theo dõi trích xuất camera để nhắc nhở và phân tích đánh giá tình hình tại khu cách ly.

          (5). Trường hợp ở khu cách ly có hiện tượng lây nhiễm chéo: Trung tâm y tế tuyến huyện nghiên cứu kết luận hiện tượng, nguyên nhân và đưa ra hướng xử lý để xin ý kiến Ban Chỉ đạo huyện, thị, thành phố (lây nhiễm chéo ở khâu nào: tiếp xúc, xử lý chất thải hoặc quá trình lấy mẫu xét nghiệm ….). Nhanh chóng khắc phục ngay trong thời gian sớm nhất có thể (kể cả ban đêm).

          (6). Trong từng điều kiện cụ thể, nếu lượng F1 ít so với dự kiến có thể bố trí thưa hơn.

          (7). Tiến hành tầm soát và xét nghiệm các đối tượng có liên quan trong khu vực (bị ảnh hưởng và có nguy cơ)

          (8). Nâng tầng suất phun khử khuẩn lên mức cao hơn (hàng ngày/lần) các phòng cách ly, thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế.

          (9). Giáo dục ý thức tự giác cho công dân F1, đặc biệt là lực lượng làm nhiệm vụ không được về gia đình hoặc tiếp xúc trong và sau kết thúc cách ly ít nhất 14 ngày kể từ sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

          (10). Chủ động tính toán cố gắng bố trí lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly đã qua tiêm ngừa (nếu tiêm 02 mũi càng tốt).

          (11). Nếu có hiện tượng lây nhiễm chéo trong khu cách ly: yêu cầu Ban CHQS huyện, thị, thành phố phối hợp với ngành y tế đánh giá đúng tình hình, báo cáo hết sức chi tiết, cụ thể (số lượng F0, số phòng có F0, giải pháp xử lý,..)

          Trên đây là báo cáo giải trình của Sở Y tế, kính gửi Hội đồng nhân dân tỉnh.

Sở Y tế