Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Hoàn thành giám sát việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh An Giang

Ngày đăng 19/11/2018

Xem với cở chữ : A- A A+
Chuẩn bị cho kỳ họp cuối năm 2018, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đã hoàn thành đợt giám sát xem xét kết quả thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-UBND ngày 01/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh từ năm 2014 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Responsive image

Ban Văn hóa – xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh

làm việc với UBND huyện Thoại Sơn

 

Kết quả, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương rất quyết tâm trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành nên bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, vai trò của ngành du lịch trong phát triển kinh tế xã hội. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu điểm du lịch, hạ tầng thông tin, cơ sở lưu trú… có nhiều chuyển biến tích cực, tình hình an ninh, trật tự, môi trường cảnh quan thiên nhiên từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch An Giang trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Lượt khách du lịch đến An Giang và doanh thu từ du lịch tăng qua từng năm.

Cụ thể: năm 2014: đón 6 triệu lượt, doanh thu đạt 1.239 tỷ đồng; năm 2015: đón 6,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt 1.520 tỷ đồng; Đến năm 2017, đón 7,3 triệu lượt, doanh thu đạt 3.700 tỷ đồng; ước tính năm 2018, An Giang đón 8,5 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 4.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được du lịch của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế:

Các dịch vụ đi kèm với ngành du lịch như: dịch vụ ăn, uống, đi lại, hệ thống cơ sở lưu trú chủ yếu là khách sạn nhỏ, thiếu khu vui chơi, giải trí đạt chuẩn phục vụ khách trong và nước ngoài; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có tính khác biệt để thu hút sự chú ý mua sắm của du khách, vì vậy số ngày lưu trú và mức chi tiêu bình quân của du khách còn thấp. (chủ yếu là khách hành hương đi trong ngày về)

Văn minh thương mại và ứng xử văn hóa trong kinh doanh du lịch chưa tạo dấu ấn hài lòng du khách; công tác xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ du lịch tuy được quan tâm thực hiện nhưng hiệu quả chưa thật sự đi vào chiều sâu, nhất là thị trường trọng tâm, trọng điểm. Công tác quản lý tại các khu, điểm du lịch trọng điểm còn thiếu chặt chẽ, chưa có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị chức năng ở địa phương. Tình trạng chèo kéo, mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường,... tại các khu, điểm du lịch đã chuyển biến tích cực nhưng vào cao điểm lễ hội, tết vẫn chưa được xử lý triệt để. Tình trạng lấn chiếm trái phép đất đai tại các khu, điểm du lịch vẫn còn diễn ra, đặc biệt là tại khu du lịch núi Cấm.

Responsive image

Ban Văn hóa – xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh

làm việc với UBND huyện Tịnh Biên

 

Doanh thu xã hội trong lĩnh vực du lịch còn khiêm tốn, chưa có phương pháp chính xác để xác định giá trị đóng góp của du lịch cho GRDP của tỉnh.

Yếu tố quan trọng không kém đó chính là nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch bao gồm cán bộ phụ trách quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch và đội ngũ quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, kỹ thuật viên chế biến, pha chế, nhân viên phục vụ, buồng, bàn chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

Hệ thống giao thông (cầu, đường) dù được đầu tư mở rộng, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi đến các khu, điểm du lịch trong tỉnh nhưng do ngân sách có hạn nên chưa đáp ứng được lưu lượng giao thông ngày càng tăng, nhất là vào các mùa cao điểm lễ hội của tỉnh. Hệ thống nhà vệ sinh ở các khu, điểm du lịch chưa được quan tâm đúng mức….

Responsive image

 

Qua giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của UBND các huyện Tịnh Biên, Thoại Sơn, Chợ Mới và Châu Đốc trong thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-UBND ngày 01/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Lãnh đạo các địa phương đều xác định được tiềm năng, thế mạnh du lịch và có định hướng phát triển đúng đắn. Đồng thời lưu ý các huyện tiếp tuc nghiên cứu định hướng, xây dựng các dịch vụ du lịch để giữ chân du khách; tăng cường công tác thông tin, quảng bá hình ảnh về tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương. Tranh thủ gắn kết, sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh để tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu vào các khu du lịch của huyện, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp có uy tín, tiềm lực để đầu tư, khai thác và phát triển các loại hình du lịch lịch sử văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, quan tâm đảm bảo môi trường du lịch tại các tuyến, điểm du lịch và các điểm tham quan, mua sắm trên địa bàn của huyện.

Tăng cường tuyên truyền việc nâng cao ý thức làm du lịch của người dân, văn minh thương mại, luôn có thái độ ân cần, thân thiện đối với khách du lịch, tránh tình trạng chèo kéo, chặt chém, bán hàng kém chất lượng,… Nghiên cứu lại cách thống kê số lượng khách du lịch trên địa bàn huyện, trong đó, cần phân tích lượng khách nước ngoài, khách trong nước, khách hành hương để làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư về đầu tư trên địa bàn. Tuyên truyền, phổ biến đến người dân về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch tỉnh An Giang để thu hút người dân đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tiếp tục quan tâm tham mưu UBND tỉnh các giải pháp đồng bộ nhằm góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch. Chú trọng cập nhật kiến thức về văn hóa du lịch cho người dân, xây dựng phong cách ứng xử văn minh du lịch cho người dân tham gia kinh doanh tại các khu, điểm du lịch, thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay. 

Responsive image

Ban Văn hóa – xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát tại

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

 

Cần định hướng phát triển du lịch của tỉnh theo hướng đặc thù, phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, di tích văn hóa, lịch sử, phát triển ngành du lịch của tỉnh An Giang theo hướng “du lịch văn hóa tâm linh” để tạo sự khác biệt so với các tỉnh khác; nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Nghiên cứu trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh, quan tâm chọn những dự án quan trọng trọng điểm cần đầu tư, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và du lịch của tỉnh để kiến nghị cấp có thẩm quyền đăng ký ghi vốn vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2020 - 2025.

Chủ động liên kết tổ chức các sự kiện nhằm thu hút khách du lịch về địa phương như tổ chức những ngày hội văn hóa, những giải thể thao lớn, tổ chức hội thảo, triển lãm, xây dựng sản phẩm mang tính thương hiệu của vùng miền. Liên kết các tour, tuyến trong nước và ngoài nước nhằm khai thác có hiệu quả sản phẩm và những lợi thế của các địa phương./.

NGUYỄN NGUYỄN