Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Hoàn thành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với giáo viên mầm non trong hệ thống cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập

Ngày đăng 03/11/2018

Xem với cở chữ : A- A A+
Ban Văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh vừa hoàn thành đợt khảo sát, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với giáo viên mầm non trong hệ thống cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.
Responsive image

Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh làm việc với trường Mẫu giáo Long Điền A; Mẫu giáo Sao Mai và Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Chợ Mới

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 183 trường mầm non, mẫu giáo công lập; 18 trường mầm non, mẫu giáo tư thục và 187 nhóm lớp độc lập; tổng số cán bộ quản lý, giáo viên hiện nay là 3123 người, trong đó, công lập là 2630 người; tư thục là 493 người. Nhìn chung, về trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý và giáo viên mầm non từ đạt chuẩn đến trên chuẩn (chiếm 94,3% trên chuẩn đối với hệ công lập và 49,9% trên chuẩn đối với hệ tư thục), có ý thức tổ chức kỷ luật, có đạo đức, lối sống lành mạnh, có tinh thần phấn đấu vượt khó hoàn thành nhiệm vụ được giao, yêu nghề mến trẻ…

Hệ thống chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được triển khai nghiêm túc, đúng quy định. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã đảm bảo về số lượng, cơ bản đáp ứng chất lượng theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh. Các chế độ chính sách về tuyển dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, cử đi đào tạo, bồi dưỡng; chế độ tiền lương, phụ cấp; chính sách khen thưởng và các chế độ đãi ngộ vật chất, điều kiện khác được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo đầy đủ, đã tạo điều kiện và động viên khuyến khích các nhà giáo yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời, giúp giảm bớt những khó khăn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo.

Bên cạnh những kết quả đạt, việc thực hiện chính sách pháp luật đối với giáo viên và cán bộ quản lý trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như:

Việc triển khai thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non và trẻ em còn chậm; việc hướng dẫn chi trả chế độ thêm giờ buổi cho giáo viên mầm non với kinh phí khá lớn do hiện nay đa số các đơn vị chưa đảm bảo định mức giáo viên theo quy định. Tình trạng thiếu giáo viên và cán bộ quản lý ở các trường mầm non theo định mức của Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ.

Responsive image

Khảo sát, giám sát tại trường mẫu giáo Hướng Dương

Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Châu Đốc

 

Các trường có nhiều giáo viên trẻ, ít, quỹ lương thấp, hoạt động phí thấp rất khó khăn trong công tác quản lý của trường. Các nhóm lớp, trường mầm non tư thục chưa có nguồn tuyển giáo viên đào tạo chính quy nên tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn chưa cao, chủ yếu các giáo viên chỉ được đào tạo theo chương trình giáo dục mầm non ngắn hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (thời gian 3 tháng).

Chưa có chế độ hỗ trợ đối với giáo viên mầm non phải ở lại trực buổi trưa đối với lớp bán trú và hỗ trợ khi giáo viên phải đến sớm đón trẻ và về muộn để trả hết trẻ…

Responsive image

Khảo sát và làm việc tại trường mầm non Tà Đảnh

và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tri Tôn

 

Qua khảo sát thực tế, Ban văn hóa – xã hội HĐND tỉnh chia sẻ những khó khăn của các trường trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non trong hệ thống cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập. Đồng thời cũng lưu ý Ban Giám hiệu nhà trường có lập trường chính trị kiên định, vững vàng và quan tâm nắm bắt tư tưởng, tâm tư tình cảm, vận động giáo viên nhà trường cố gắng khắc phục khó khăn, gắn bó với nghề hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện công tác quản lý cũng như giảng dạy được tốt hơn trong thời gian tới, Ban giám hiệu nhà trường cần nghiên cứu, tổ chức học tập kinh nghiệm ở các trường bạn trong tỉnh để lựa chọn cách làm hay, phù hợp với điều kiện thực tế của trường mà vận dụng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của trường.

Đối với các trường tư thục, Ban Giám hiệu trường cần tiếp tục quan tâm thực hiện chế độ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi cho giáo viên đang công tác tại các trường này.

Đoàn giám sát cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chủ trì phối hợp Sở Tài chính, UBND cấp huyện, các cơ quan có liên quan tuyên truyền rộng rãi về các chính sách đối với trẻ em và giáo viên quy định tại Nghị định số 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện chính sách này của các Phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường mầm non công lập. Chủ động phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các trường mầm non xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo theo quy định của pháp luật để các trường thực hiện thống nhất, đồng bộ.

Responsive image

Trưởng Ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh Lê Tuấn Khanh

phát biểu ý kiến kết luận tại Sở Giáo dục và Đào tạo

 

Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện chủ động sắp xếp đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các phòng giáo dục và đào tạo, các trường học phù hợp với quy định của Nhà nước và thực tế tại địa phương; có giải pháp, lộ trình cụ thể để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở bậc mầm non như hiện nay.

Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện quan tâm kiểm tra nhắc nhở các trường mầm non tư thục thực hiện chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đối với giáo viên công tác tại trường.

Sớm có văn bản hướng dẫn về việc hợp đồng lao động, mức chi trả tiền công, chính sách hỗ trợ cho nhân viên cấp dưỡng ở các trường mầm non công lập để đảm bảo các chế độ, chính sách (tiền công, đóng bảo hiểm xã hội…); giúp đội ngũ này phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc dinh dưỡng, đảm bảo an toàn bữa ăn cho trẻ em tại các trường học.

Qua đó, Đoàn giám sát cũng kiến nghị UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo UBND cấp huyện về trách nhiệm quản lý đối với cấp học mầm non, nhất là đối với các Phòng Giáo dục và Đào tạo quan tâm giải quyết vấn đề thiếu giáo viên và phân bổ kinh phí đúng theo hướng dẫn của Sở Tài chính. Có chủ trương đặc cách cho các trường trên địa bàn huyện miền núi, huyện có điều kiện kinh tế khó khăn được ký hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ kể cả giáo viên có trình độ trung cấp đến khi tuyển được viên chức để hạn chế tình trạng thiếu giáo viên tại các trường mầm non như hiện nay... 

NGUYỄN NGUYỄN