Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Kết quả qua 07 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Ngày đăng 19/09/2023

Xem với cở chữ : A- A A+
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (gọi tắt là Luật Hoạt động giám sát năm 2015) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2015; được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 04 tháng 12 năm 2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.

Kết quả, qua triển khai, thực hiện Luật Hoạt động giám sát năm 2015, nhiệm kỳ 2016 - 2021 và từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang ngày càng thiết thực, nâng cao về chất lượng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực vào hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và của địa phương, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quản lý điều hành kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, quan tâm, đánh giá cao, góp phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử.

Responsive image
 

Trong hoạt động giám sát chuyên đề việc thi hành pháp luật tại địa phương.

Kế thừa, phát huy thành tựu, kết quả và kinh nghiệm của các Khóa trước, hoạt động giám sát luôn được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV quan tâm tiến hành chủ động, tích cực và đạt hiệu quả; triển khai đầy đủ các giám sát chuyên đề theo yêu cầu của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm tiến độ, chất lượng. Qua đó, Đoàn đại biểu Quốc hội cũng đã kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thêm cơ sở để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại các kỳ họp, phiên họp.

Kết quả, từ năm 2016 đến tháng 9/2023 (nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV đến nay), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã tổ chức thành công, có chất lượng 18 Đoàn giám sát chuyên đề và 03 Đoàn khảo sát tại địa phương, các chuyên đề giám sát được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh triển khai tại địa phương đúng theo yêu cầu của Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thông qua hoạt động khảo sát, giám sát đã chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và đưa ra những kiến nghị nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập đối với những nội dung đã được giám sát. Sau các cuộc giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả giám sát, với 184 nội dung kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện. Nhiều kiến nghị giám sát đã góp phần tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc cho các đối tượng được thụ hưởng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân. Các kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương quan tâm trả lời, xem xét giải quyết từng bước tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, góp phần tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân.

 
Responsive image
 

Bên cạnh việc tổ chức giám sát theo kế hoạch đề ra, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã cử đại biểu Quốc hội tham gia các Đoàn khảo sát, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tại địa phương. Qua đó để các Đoàn giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đại biểu Quốc hội tỉnh nắm tình hình thực tế để xem xét, đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật ở địa phương một cách sâu sát, khách quan. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương có điều kiện thuận lợi để trình bày ý kiến, kiến nghị giải quyết những vấn đề vướng mắc, khó khăn nhất là liên quan đến vấn đề thể chế, nguồn lực tài chính… để Đoàn giám sát có sự ghi nhận, kiến nghị về điều chỉnh, sửa đổi chính sách ngày càng phù hợp hơn.

Trong hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Công tác giám sát việc chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị ở địa phương được đưa vào chương trình hoạt động đầu năm của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với nhiều hình thức khác nhau như: Thông qua các báo cáo định kỳ của Ủy ban nhân dân tỉnh về kinh tế, xã hội, công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân; lồng ghép với các hoạt động giám sát trên lĩnh vực khác nhưng có liên quan đến khiếu nại, tố cáo cụ thể của công dân; giám sát thông qua việc tham dự các cuộc họp của Ban chỉ đạo giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp trên địa bàn tỉnh của Tỉnh ủy, tham gia giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội luôn nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm, thấy được niềm tin của người dân đối với đại biểu dân cử, nên đã có nhiều cố gắng trong việc tiếp nhận, xử lý, chuyển đơn và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền. Không ít đơn thư đại biểu Quốc hội chuyển đến đã được các cơ quan xem xét và giải quyết đúng yêu cầu của cử tri, trên tinh thần tự giác và cầu thị; một số đơn thư có tính phức tạp, kéo dài, giải quyết nhiều lần không dứt điểm, đại biểu Quốc hội đã tiến hành khảo sát, giám sát nội dung đơn cụ thể để tìm hướng tháo gỡ cho người dân và cả chính quyền, từ đó đã tạo được niềm tin trong Nhân dân.

Trong hoạt động chất vấn.

 
Responsive image

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Phiên họp thứ 25 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức (trực tuyến)

 

Từ đầu nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV đến nay, tại phiên chất vấn của các Kỳ họp: Thứ 2, thứ 3, thứ 4 và thứ 5, đại biểu Quốc hội của Đoàn An Giang đã tích cực tham gia chất vấn, tranh luận làm rõ vấn đề. Cụ thể, đã thực hiện 15 lượt chất vấn đối với Bộ trưởng của các Bộ: Lao động, Thương binh và xã hội; Giáo dục Đào tạo; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cũng gửi 10 nội dung chất vấn bằng văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội chuyển đến Bộ trưởng các Bộ: Giao thông Vận tải, Nội vụ, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường; đồng thời đề xuất 07 nhóm vấn đề chất vấn bằng văn bản gửi đến Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế trước kỳ họp thứ 3, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cũng có ý kiến chất vấn các Bộ trưởng các Bộ, ngành tại các Phiên họp: Thứ 9, thứ 14 và thứ 25 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Nhìn chung, qua các phiên chất vấn cho thấy, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã tập trung nghiên cứu, tích cực tham gia chất vấn, tranh luận làm rõ vấn đề, đặt câu hỏi rõ ràng, đi thẳng vào trọng tâm; các ý kiến chất vấn đều xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của cử tri và phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Trong quá trình chất vấn, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang không những nêu lên những hạn chế, bất cập; phản ánh được những ý kiến, nỗi trăn trở của bà con cử tri mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, cùng với Chính phủ, cùng với bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì sự phát triển của đất nước.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các nội dung, cụ thể như sau:

Cần sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát năm 2015, trong đó quy định rõ đối với các cơ quan chịu sự giám sát phải có báo cáo kết quả thực hiện, giải quyết các ý kiến đề nghị, kiến nghị của Đoàn giám sát để trên cơ sở đó theo dõi và hậu giám sát. Đồng thời cần quy định trách nhiệm, chế tài và biện pháp xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân người đứng đầu trong việc chậm hoặc không thực hiện các ý kiến, đề nghị của Đoàn giám sát (thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành mình phụ trách). Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động khảo sát, giám sát, thanh tra, kiểm tra để hạn chế, tránh tình trạng trùng lắp nhiều lần gây phiền hà, ảnh hưởng hoạt động của các cơ quan, đơn vị được chọn khảo sát, giám sát.

Có thể nói, qua 07 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát năm 2015, dưới sự lãnh đạo của Đảng đoàn Quốc hội, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang luôn đề cao vai trò trách nhiệm người đại biểu Nhân dân, tâm huyết, tập trung trí tuệ đóng góp có hiệu quả vào các hoạt động của Quốc hội; phát huy vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt chức năng giám sát, góp phần tích cực vào việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương./.

NGUYỄN NGUYỄN