Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Các trọng tâm của ngoại giao kinh tế

Ngày đăng 21/03/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Trước sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn chiều 18/3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ nhiều nội dung về các trọng tâm của ngoại giao kinh tế thời gian tới.
Các trọng tâm của ngoại giao kinh tế- Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: VGP/ĐH

Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả 4 trụ cột ngoại giao

Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ sau Đại hội XIII của Đảng cho đến nay, tình hình thế giới trải qua nhiều biến động, bên cạnh những thuận lợi, cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn trước, đặt ra nhiều nhiệm vụ mới nặng nề và phức tạp cho công tác đối ngoại cũng như ngành ngoại giao.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội, Chính phủ, ngành ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam, triển khai đồng bộ, sáng tạo trên cả 4 trụ cột thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao, trong đó có cả ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.

Việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả 4 trụ cột ngoại giao đã đem lại những kết quả toàn diện, quan trọng. Ngành Ngoại giao đã hỗ trợ và trực tiếp tham mưu, phối hợp với các bộ ngành tổ chức các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao diễn ra ở khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương.

Qua đó, chúng ta củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; tổ chức thành công nhiều chuyến thăm mang tính lịch sử của ta đến các đối tác cũng như của các đối tác bên ngoài đến Việt Nam, đồng thời nâng tầm quan hệ với các đối tác, làm sâu sắc hơn quan hệ của ta với các đối tác, tạo dựng được sự tin cậy chính trị ngày càng cao, qua đó, thúc đẩy hợp tác sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

"Đối ngoại và ngoại giao đã phát huy vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Bộ trưởng khẳng định.

Tạo ra rất nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế

Đề cập đến vấn đề về ngoại giao kinh tế, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, việc làm sâu sắc quan hệ với các nước đối tác đã tạo ra rất nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo và giao lưu Nhân dân, du lịch…

Trên cơ sở tin cậy chính trị được củng cố, tăng cường, Bộ Ngoại giao đặt ra các trọng tâm trong ngoại giao kinh tế thời gian tới. Cụ thể, phải phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đã thiết lập và nâng tầm quan hệ; qua đó xác định những trọng tâm hợp tác trong từng lĩnh vực với các đối tác và trên cơ sở đó sẽ thông tin cho các địa phương, bộ ngành để cùng nhau phối hợp triển khai để tranh thủ tốt nhất cơ hội mở ra.

Đồng thời, tăng cường công tác nghiên cứu, phát hiện và kết nối các cơ hội để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ cho thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hợp tác về chuyển đổi năng lượng. 

Hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn của đất nước, triển khai bằng các dự án hợp tác rất cụ thể.

Bên cạnh đó là phát huy lợi thế, nâng cao hơn nữa vai trò ngoại giao trong nghiên cứu, tham mưu phục vụ cho điều hành của Chính phủ và các cơ quan của Đảng và Nhà nước ta. Tham gia đóng góp tích cực vào các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương, duy trì được chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.

 
Các trọng tâm của ngoại giao kinh tế- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ nhiều nội dung về các trọng tâm của ngoại giao kinh tế thời gian tới - Ảnh: VGP/ĐH

Xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật

Vấn đề lừa đảo cưỡng bức lao động, đảm bảo an ninh cho công dân ta tại các nước xảy ra xung đột cũng là những vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, lừa đảo cưỡng bức lao động là vấn đề phức tạp, đây là tình trạng diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay. Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước. Tới đây, cần sự tiếp tục phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.

Bên cạnh đó cũng cần có sự chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp có tổ chức, ngăn chặn di cư bất hợp pháp. Đồng thời, tiếp tục triển khai các công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ triển khai đưa về nước, hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu công dân là nạn nhân của nạn buôn người, cưỡng bức lao động. 

Về các biện pháp đảm bảo an ninh cho công dân ta tại các nước xảy ra xung đột, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thời gian qua, xung đột xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Khi xung đột xảy ra, Bộ đã phối hợp để triển khai sơ tán ngay công dân về nơi an toàn. Mọi việc được triển khai tốt; công tác bảo hộ công dân của ta được tiến hành rất kịp thời.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào vào công tác dự báo tình hình, dự đoán nguy cơ xung đột giữa các nước hoặc xung đột nội bộ để kịp thời sơ tán công dân; tiếp tục thông tin cảnh báo cho các địa phương; phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam trong xử lý vấn đề này.

Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ