Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời ý kiến của đại biểu qua thảo luận của Tổ trước kỳ họp cuối năm 2023 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026

Ngày đăng 28/12/2023

Xem với cở chữ : A- A A+

1. Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời ý kiến của đại biểu Về xem xét bố trí vốn đầu tư công cho huyện trong giai đoạn 2024 - 2025  để thực hiện lộ trình huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025

Ý kiến của đại biểu:

Hiện nay, huyện đang thực hiện lộ trình huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó rất cần vốn đầu tư để nâng chất các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao như: Đầu tư cơ sở vật chất cho các Trường học, Trạm Y tế để đạt chuẩn Quốc gia; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện; nâng cấp các chợ, nhất là chợ trung tâm huyện; mở rộng hệ thống giao thông liên xã, liên huyện,... Do vậy, đề nghị UBND tỉnh nên xem xét bố trí vốn đầu tư công cho huyện trong giai đoạn 2024 - 2025 để thực hiện.

Ngày 30/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh có báo cáo số 1155/BC-UBND tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của Đại biểu HĐND qua thảo luận của Tổ trước kỳ họp cuối năm 2023 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 như sau:

Ngày 10/11/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Minh Thúy cùng với các sở, ngành (thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia) đã làm việc với UBND huyện Thoại Sơn về việc đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023, qua buổi làm việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận như sau:

Việc bố trí vốn đầu tư công các trường THPT trên địa bàn huyện: Hiện nay trên địa bàn huyện có 4/4 trường Trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt 100%. Trong đó có 1 trường Chuẩn quốc gia Mức độ 2 là trường THPT Nguyễn Văn Thoại theo Quyết định số 1754/QĐ-UBND ngày 31/10/2023 của UBND tỉnh. Về nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025, ngân sách tỉnh đã phân bổ thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Thoại (9.837 triệu đồng) và dự án THPT Vọng Thê (30.558 triệu đồng).

Đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên của huyện: Văn phòng UBND tỉnh đã có Công văn số 6186/VPUBND-KGVX ngày 06/11/2023 về việc chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Thoại Sơn, UBND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư cho dự án nêu trên với tổng mức đầu tư khoảng 29.897 triệu đồng, thời gian thực hiện dự án năm 2024-2028.

Việc Đầu tư nâng chất chỉnh trang Chợ trung tâm Thoại Sơn: Đối với quy định “Có chợ đạt tiêu chuẩn chợ hạng 2 đối với huyện nông thôn mới nâng cao”. Hiện nay huyện Thoại Sơn đang hoàn chỉnh hồ sơ gửi Sở Công Thương để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá đối với chợ hạng 2 (Chợ Núi Sập). Nội dung này UBND tỉnh Giao Sở Công Thương hỗ trợ thẩm định trình trong tháng 11/2023. Đối với kinh phí cải tạo nâng cấp, chỉnh trang môi trường, hệ thống thoát nước thải, PCCC, UBND tỉnh giao huyện bố trí ngân sách huyện cho công tác duy tu nâng cấp chợ.

Đối với một số Trạm Y tế xã xuống cấp chưa đạt chuẩn quốc gia về ý tế xã: Trước mắt giao UBND huyện cân đối từ nguồn ngân sách huyện để thực hiện duy tu cho các trạm y tế để đảm bảo điều kiện công nhận. Đối với các trạm đã xuống cấp nặng đề nghị rà soát bổ sung vào kế hoạch đầu tư công sau 2025. Ngoài ra, UBND huyện Thoại Sơn cần phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất danh mục cụ thể để đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, và các sở ngành khảo sát, đánh giá sự cần thiết đầu tư để báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời ý kiến của đại biểu Về xem xét, rà soát quy định và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Ý kiến của đại biểu:

Quy định người vay (bằng hình thức thế chấp) cần chờ 05 năm sau khi thông tin nợ xấu được xóa mới có thể làm các thủ tục để vay vốn ngân hàng như bình thường, điều này gây khó khăn cho người dân nhất là đối với những hộ có nhu cầu vay vốn để sản xuất. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, rà soát quy định và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Ngày 30/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh có báo cáo số 1155/BC-UBND tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của Đại biểu HĐND qua thảo luận của Tổ trước kỳ họp cuối năm 2023 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 như sau:

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh rất thông cảm và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Căn cứ Thông tư 11/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nợ được phân loại thành 5 nhóm (nhóm 1 là nợ tiêu chuẩn, nhóm 2 là nợ cần chú ý, nhóm 3 là nợ dưới tiêu chuẩn, nhóm 4 là nợ nghi ngờ, nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn). Nợ xấu là nợ thuộc nhóm 3, 4, 5. Thông tư 03/2013/TT-NHNN quy định thời gian lưu trữ và cung cấp lịch sử nợ xấu trên CIC “Thông tin tiêu cực về khách hàng vay chỉ được sử dụng để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng trong thời gian tối đa 05 năm, kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Tuy nhiên, nếu khoản dư nợ dưới 10 triệu đồng thì thông tin nợ xấu sẽ được xóa ngay sau khi tất toán và tổ chức tín dụng báo cáo với CIC. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh ghi nhận ý kiến đại biểu HĐND tỉnh và sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng tạo thuận lợi hơn cho khách hàng vay vốn.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời ý kiến của đại biểu Về đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho đơn vị thi công đối với Dự án đường Tỉnh lộ 948 (giai đoạn 2)

Ý kiến của đại biểu:

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành và UBND huyện Tri Tôn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho đơn vị thi công đối với Dự án đường Tỉnh lộ 948 (giai đoạn 2).

Ngày 30/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh có báo cáo số 1155/BC-UBND tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của Đại biểu HĐND qua thảo luận của Tổ trước kỳ họp cuối năm 2023 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 như sau:

Ngày 12/10/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2331/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng khẩn cấp đường tỉnh 948 thuộc tuyến Quốc phòng an ninh vùng biên giới và dân tộc giai đoạn 2, huyện Tịnh Biên và huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Qui mô: Về diện tích thu hồi đất trong dự án: 123.390,2 m2. Số hộ có đất thu hồi trong dự án: 179 hộ. Đến nay, đã chi tiền cho hộ dân nhận tiền và giao mặt bằng 120/179 hộ, đạt 67%; còn lại 59 hộ chưa đồng ý nhận tiền và giao mặt bằng do chưa thống nhất giá bồi thường. Hiện nay UBND huyện Tri Tôn đang chỉ đạo Ban QLDA ĐTXD khu vực huyện tham mưu Hội đồng bồi thường huyện tổ chức đối thoại với hộ dân để vận động người dân đồng thuận chủ trương, giá đất bồi thường sớm nhận tiền và giao mặt bằng giao cho đơn vị thi công.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời ý kiến của đại biểu Về cho chủ trương bổ sung danh mục nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đối với công trình nâng cấp đường Tỉnh 959

Ý kiến của đại biểu:

Đề nghị tỉnh cho chủ trương bổ sung danh mục nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đối với công trình nâng cấp đường Tỉnh 959, hiện nay tuyến đường này hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến giao thông, phát triển du lịch của huyện.

Ngày 30/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh có báo cáo số 1155/BC-UBND tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của Đại biểu HĐND qua thảo luận của Tổ trước kỳ họp cuối năm 2023 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 như sau:

Hiện nay, tuyến đường tỉnh 959 xuống cấp, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông trên đường, cho nên việc thực hiện đầu tư nâng cấp đường tỉnh 959 là cần thiết, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trên tuyến, đồng thời nhằm làm tăng vẻ mỹ quan đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương và phát triển du lịch. UBND tỉnh đã có Công văn số 5871/VPUBND-KTTH ngày 25/11/2023 của Văn phòng UBND tỉnh, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải xem xét đề nghị của UBND huyện Tri Tôn tại Tờ trình số 139/TTr-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2023, đề xuất UBND tỉnh.

5. Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời ý kiến của đại biểu Về sớm có chủ trương cho phép khai thác nguồn cát đã được quy hoạch trên địa bàn Tịnh Biên để đơn vị thi công có nguyên liệu sử dụng phục vụ Dự án xây dựng đường Tỉnh 948 (giai đoạn 2)

Ý kiến của đại biểu:

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm có chủ trương cho phép khai thác nguồn cát đã được quy hoạch trên địa bàn Tịnh Biên để đơn vị thi công có nguyên liệu sử dụng phục vụ Dự án xây dựng đường Tỉnh 948 (giai đoạn 2) và các công trình trên địa bàn.

Ngày 30/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh có báo cáo số 1155/BC-UBND tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của Đại biểu HĐND qua thảo luận của Tổ trước kỳ họp cuối năm 2023 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 như sau:

Khu vực cát núi trên địa bàn thị xã Tịnh Biên nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản tỉnh An Giang theo Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 15/11/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Luật Khoáng sản năm 2010, việc cấp phép khai thác khoáng sản thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các khu vực hoạt động khoáng sản, trừ khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Xuất phát từ nhu cầu cát san lấp phục vụ công trình đường Tỉnh 948 (giai đoạn 2) và các công trình trên địa bàn thị xã, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và quy định tại điểm đ, Điều 22 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản: Khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được quy hoạch khai thác để cung cấp nguyên vật liệu phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách nhà nước (phát triển hạ tầng giao thông; công trình thủy lợi, thủy điện); công trình khắc phục thiên tai, địch họa; khu vực có khoáng sản dùng làm vật liệu san lấp phục vụ công trình hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới thì được khoanh định vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Do đó, đối với đề nghị cho phép khai thác nguồn cát đã được quy hoạch trên địa bàn thị xã Tịnh Biên để đơn vị thi công có nguyên liệu sử dụng phục vụ Dự án xây dựng đường Tỉnh 948 (giai đoạn 2) và các công trình trên địa bàn thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường ghi nhận ý kiến của Tổ đại biểu thị xã Tịnh Biên và sẽ sớm tham mưu UBND tỉnh triển khai Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ 100.000 m3 cát cho công trình Đường tỉnh 948 (giai đoạn 2) theo Bản Xác nhận số 1043/XN-UBND ngày 10/11/2023 về việc điều chỉnh, bổ sung Bản xác nhận khối lượng khoáng sản thu hồi trong quá trình thực hiện dự án Nạo vét, chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao hạn chế sạt lở bờ xã Mỹ Hội Đông, xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

6. Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời ý kiến của đại biểu Về cho chủ trương gia hạn thời gian xử lý hồ sơ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn tồn trên địa bàn thị xã Tịnh Biên đến năm 2025

Ý kiến của đại biểu:

Đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương gia hạn thời gian xử lý hồ sơ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn tồn trên địa bàn thị xã Tịnh Biên đến năm 2025 theo Quyết định số 2272/QĐ-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch xử lý hồ sơ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn tồn và đo đạc, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho 24 xã còn lại trên địa bàn tỉnh. Sau thời gian trên, nếu chủ sử dụng không đến đăng ký hoặc làm các thủ tục thực hiện các quyền thì toàn bộ hồ sơ địa chính tồn đọng sẽ được lưu giữ tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện để quản lý, theo dõi và thực hiện thủ tục hành chính khi có yêu cầu.

Ngày 30/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh có báo cáo số 1155/BC-UBND tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của Đại biểu HĐND qua thảo luận của Tổ trước kỳ họp cuối năm 2023 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 như sau:

UBND tỉnh đã có Công văn số 3540/VPUBND-KTN ngày 04/07/2023, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá việc triển khai Quyết định số 2272/QĐ-UBND ngày 28/09/2020 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xử lý hồ sơ, giấy chứng nhận còn tồn và đo đạc, cấp đổi GCNQSD đất nông nghiệp cho 24 xã còn lại trên địa bàn tỉnh; làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp chấn chỉnh, xử lý. Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh tại Báo cáo số 185/BC-STNMT ngày 18/08/2023. UBND tỉnh đang xem xét, xử lý trong thời gian sớm nhất.

7. Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời ý kiến của đại biểu Về xem xét giải quyết những giấy chứng nhận trước đây quyền sử dụng đất được cấp với diện tích đất ở theo hiện trạng nhà ở

Ý kiến của đại biểu:

Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét giải quyết những giấy chứng nhận trước đây quyền sử dụng đất được cấp với diện tích đất ở theo hiện trạng nhà ở (có trường hợp giấy đã cấp trên 25 năm). Do hiện nay, khi sang nhượng cho người khác thì cơ quan chức năng cho rằng diện tích đất ở vượt hạn mức nên không thực hiện được việc chuyển nhượng. Vấn đề này đang gây bức xúc cho người dân.

Ngày 30/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh có báo cáo số 1155/BC-UBND tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của Đại biểu HĐND qua thảo luận của Tổ trước kỳ họp cuối năm 2023 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 như sau:

Thời gian qua, theo báo cáo của UBND huyện, thị xã, thành phố thì một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trước đây (cấp trước thời điểm Luật Đất đai năm 2003) có diện tích đất ở được cấp lớn (các hồ sơ đang rà soát có diện tích đã cấp từ 1.031 m² đến 3.647 m² đất ở/01 thửa đất). Nguồn gốc đất có 02 dạng chủ yếu như sau: Do người dân đăng ký kê khai, được Hội đồng xét duyệt và được UBND cấp huyện ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận, đồng thời ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do UBND cấp huyện cho phép người dân chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Liên quan đến nội dung trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 646/STNMT-ĐĐ ngày 11/03/2021 báo cáo và đề xuất UBND tỉnh đối với các trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước đây có diện tích lớn hơn hạn mức giao đất và được UBND tỉnh thống nhất tại Công văn số 1441/VPUBND-KTN ngày 31/03/2021, cụ thể như sau: Khi tiếp nhận hồ sơ mà giấy chứng nhận được cấp trước ngày 01/7/2005 (Quyết định số 1747/2005/QĐ-UBND ngày 16/06/2005 của UBND tỉnh quy định hạn mức đất ở cho hộ gia đình, cá nhân tại đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang có hiệu lực thi hành), diện tích đất ở đã cấp hơn hạn mức hiện hành thì cơ quan tiếp nhận tạm nhận hồ sơ để báo cáo UBND cấp huyện xử lý. UBND cấp huyện giao cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra, xác minh hồ sơ cấp giấy, nguồn gốc đất là được Nhà nước giao đất hay công nhận quyền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính đã thực hiện, hiện trạng sử dụng đất thực tế. Trường hợp qua kiểm tra có kết luận là cấp đúng quy định tại thời điểm cấp giấy, nguồn gốc đất được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, cấp đúng hiện trạng thì chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục giải quyết hồ sơ cho người dân. Trường hợp qua xác minh là được Nhà nước giao đất hoặc cấp không đúng hiện trạng (hiện trạng toàn bộ diện tích là đất nông nghiệp) thì điều chỉnh lại diện tích đất ở theo hạn mức tại thời điểm cấp giấy. Đề nghị UBND thị xã Tịnh Biên giao cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra, xác minh hồ sơ cấp giấy, nguồn gốc đất, nghĩa vụ tài chính đã thực hiện, hiện trạng sử dụng đất thực tế. Trường hợp qua kiểm tra UBND thị xã Tịnh Biên có kết luận là cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng quy định tại thời điểm cấp giấy, nguồn gốc đất được công nhận, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, cấp đúng hiện trạng thì chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục giải quyết hồ sơ cho người dân theo quy định pháp luật.

8. Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời ý kiến của đại biểu Về cho chủ trương đo đạc hiện trạng và quyết định giao đất cho đơn vị quản lý, tạo hành lang pháp lý để quản lý có hiệu quả đối với các khu đất rừng

Ý kiến của đại biểu:

Hiện nay khu vực đất rừng phòng hộ trên địa bàn thị xã chưa được quản lý thống nhất, gây khó khăn, một số khu vực bị trùng lắp quy hoạch ảnh hưởng đến quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương đo đạc hiện trạng và quyết định giao đất cho đơn vị quản lý, tạo hành lang pháp lý để quản lý có hiệu quả đối với các khu đất rừng, tránh tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ.

Ngày 30/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh có báo cáo số 1155/BC-UBND tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của Đại biểu HĐND qua thảo luận của Tổ trước kỳ họp cuối năm 2023 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 như sau:

Theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 03 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 05 năm 2021- 2025; diện tích đất cho quy hoạch lâm nghiệp tỉnh An Giang là 9.831 ha. Trong đó: đất rừng phòng hộ 7.305 ha; đất rừng đặc dụng 1.285 ha; đất rừng sản xuất 1.241 ha.

Đối với hiện trạng rừng năm 2022 và chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2050 có sự chênh lệch về diện tích. Để định hướng cho phát triển Lâm nghiệp tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2030 đảm bảo thống nhất phù hợp theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 03 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh về việc lập Dự án rà soát, điều chỉnh ba loại rừng trên địa bàn tỉnh An Giang và đã được UBND tỉnh chấp thuận tại Công văn số 5488/VPUBND-KTN ngày 06/10/2023 về việc chủ trương lập Dự án rà soát, điều chỉnh ba loại rừng trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành và địa phương có liên quan để thống nhất ranh giới đất quy hoạch 03 loại rừng nói chung, đất rừng phòng hộ, đặc dụng đồi núi nói riêng để đề xuất UBND tỉnh giao đất rừng phòng hộ, đặc dụng cho Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh nhằm bảo đảm về mặt pháp lý là chủ rừng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017 để thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện việc giao khoán rừng, chuyển khoán cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật và thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính trên vùng đồi núi trong tỉnh để việc quản lý đất rừng được thuận lợi và chặt chẽ.

9. Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời ý kiến của đại biểu Về việc tạo quỹ đất để mở rộng nhà máy xử lý rác tại thị trấn Mỹ Luông

Ý kiến của đại biểu:

Đề nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo về việc giao cho Công ty Môi trường đô thị tỉnh hay UBND huyện Chợ Mới trong việc tạo quỹ đất để mở rộng nhà máy xử lý rác tại thị trấn Mỹ Luông để tạo cơ sở pháp lý thực hiện trong thời gian tới.

Ngày 30/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh có báo cáo số 1155/BC-UBND tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của Đại biểu HĐND qua thảo luận của Tổ trước kỳ họp cuối năm 2023 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 như sau:

Việc lập dự án mới, mở rộng khu xử lý, nhà máy xử lý chất thải phải đảm bảo đúng theo quy hoạch được phê duyệt, các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định hiện hành có liên quan. Do đó, vấn đề căn cơ để xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn huyện Chợ Mới là Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang phải quyết tâm khẩn trương đưa Nhà máy xử chất thải rắn Chợ Mới, công suất xử lý 100 tấn/ngày.đêm vào vận hành. Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần đôn đốc, xử lý hết các khó khăn, vướng mắc của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang để sớm đưa Nhà máy xử lý chất rắn Chợ Mới đi vào hoạt động nhưng qua nhiều lần cam kết Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị An Giang lại tiếp tục có báo cáo đề xuất gia hạn kéo dài thêm tiến độ đưa nhà máy vào hoạt động đến hết quý IV/2023. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh tại Báo cáo số 195/BC-STNMT ngày 30/8/2023 và Báo cáo số 236/BC-STNMT ngày 04/10/2023. Hiện nay, UBND tỉnh đang xem xét xử lý.

Kim Yến