Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời ý kiến của cử tri Về nghiên cứu, thực hiện các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh

Ngày đăng 26/09/2023

Xem với cở chữ : A- A A+
Ý kiến của cử tri Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh xảy ra tại một số cơ sở giáo dục làm ảnh hưởng đến môi trường sư phạm và gây tâm lý không tốt trong dư luận xã hội. Cử tri kiến nghị nghiên cứu, thực hiện các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng này và ngăn chặn việc tái diễn.

Ngày 19/9/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh có báo cáo số 800/BC-UBND tổng hợp giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp giữa năm 2023 (kỳ họp thứ 14) HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 như sau:

Vấn đề giáo dục luôn được UBND tỉnh quan tâm và tập trung chỉ đạo, ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Hướng dẫn số 3348/HD-SGDĐT ngày 31/8/2023 về thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2023 – 2024; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai nhiều nhiệm vụ về giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; yêu cầu các trường rà soát niêm yết số điện thoại đường dây nóng, quy trình phối hợp, can thiệp, hỗ trợ, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại người học, các vụ việc bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục; kiểm tra việc triển khai kế hoạch phòng chống bạo lực học đường, văn hóa ứng xử, nhằm kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các hoạt động chưa phù hợp của các cơ sở giáo dục; thực hiện ký kết phối hợp với các ngành chức năng liên quan tại địa phương.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức cho giáo viên, học sinh và phụ huynh ký cam kết với nhà trường thực hiện các quy định về văn hóa ứng xử, phòng chống bạo lực học đường, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Gia đình – Nhà trường – Xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh; tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục sức khỏe tâm thần cho học sinh trong suốt năm học; củng cố hoạt động tư vấn tâm lý học đường, công tác xã hội trong trường học nhằm kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường về tâm lý, kết quả học tập của học sinh, thông tin sớm đến phụ huynh học sinh để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Tuy nhiên, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và phòng chống bạo lực học đường còn gặp một số khó khăn về tài chính, nhân lực triển khai các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh. Công nghệ thông tin phát triển, học sinh có nhiều điều kiện tiếp cận với mạng xã hội nhưng thiếu sự kiểm soát của gia đình; nhiều gia đình học sinh không phối hợp tốt với nhà trường, giao phó việc giáo dục học sinh cho nhà trường; một số phụ huynh chưa gương mẫu trong hành vi, lời nói, phần nào ảnh hưởng đến việc giáo dục các em.

Bạo lực học đường có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, để thực hiện tốt công tác này đòi hỏi sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, sự chủ động trong hoạt động giáo dục, phòng ngừa của các cơ sở giáo dục và ý thức trách nhiệm trong vai trò nuôi dạy học sinh từ phía gia đình cùng đóng góp vào việc xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường ở các trường học và địa phương.

Kim Yến