Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh trả lời kiến nghị cử tri về tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp

Ngày đăng 22/01/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Nội dung kiến nghị cử tri: “Cử tri đề nghị tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho nông dân vay ở hạn mức phù hợp, qua đó giúp bà con nông dân đảm bảo nguồn lực tài chính về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ”

Ngày 12/01/2024, Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang có Văn bản số 61/ANG-THNSKS về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV. Nội dung trả lời như sau:

Liên quan đến hỗ trợ về vốn và chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, NHNN chi nhánh tỉnh An Giang thông tin, như sau:

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương lớn của tỉnh nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 14/02/2023 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2023 tỉnh An Giang”; Kế hoạch số 255/KH-UBND ngày 31/3/2023 thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2024.

Để khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.

Với vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, NHNN chi nhánh tỉnh An Giang đã chủ động thường xuyên chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tập trung thực hiện hướng dòng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên mà tỉnh có lợi thế, cụ thể là:

Chủ động cân đối nguồn vốn, ưu tiên dành hạn mức cho các doanh nghiệp, đồng thời xem xét tăng hạn mức tín dụng khi các doanh nghiệp có nhu cầu và đề nghị, linh hoạt về thời hạn cho vay, áp dụng các mức lãi suất hợp lý có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, không đê phát sinh tình trạng doanh nghiệp cần vốn vay mà ngân hàng không đáp ứng được.

Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chương trình tín dụng nông nghiệp nông thôn, nâng cao hiệu quả thâm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng để tăng cường cho vay không có bảo đảm bàng tài sản, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vôn tại chi nhánh, phòng giao dịch cuaTCTD.

Tăng cường tiếp xúc giữa ngân hàng và doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu vay vốn nắm bắt các nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tiếp cận chính sách tín dụng.

Kết quả, tỷ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn so tổng dư nợ tín dụng từ thời điểm ban hành Nghị định 55 (năm 2015) là 48,75% với dư nợ cho vay là 25.148 tỷ đồng; đến cuối tháng 11/2023 là 63,57% với dư nợ cho vay là 68.709 tỷ đồng, với hơn 252 ngàn khách hàng còn dư nợ.

Tỷ lệ tăng trưởng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn qua các năm đều có mức tăng trưởng ở mức cao, giai đoạn 2015 - 2023 là 13,38% (tăng trưởng bình quân dư nợ tính dụng giai đoạn 2015-2023 là 9,68%), từ đó cho thấy sự đóng góp tích cực của việc cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, khôi phục ngành nghề truyền thống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm,...

Với mong muốn của khách hàng được vay ở hạn mức phù hợp, qua đó giúp bà con nông dân đảm bảo nguồn lực tài chính về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là rất chính đáng. Điều này, ngành Ngân hàng trên địa bàn đảm bảo đáp ứng đầy đủ vốn cho người dân sản xuất kinh tế nông nghiệp, nồng thôn và nông dân. Tuy nhiên, để được vay vốn theo hạn mức phù hợp ngoài điều kiện theo quy định, người dân cần phải tuân thủ quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng phải có phương án sử dụng vốn, khả năng tài chính của khách hàng, các giới hạn tín dụng đối với khách hàng và khả năng nguồn vốn của tổ chức tín dụng để thỏa thuận với khách hàng về mức cho vay và thời hạn vay. Vì vậy, khách hàng và tổ chức tín dụng xem xét thỏa thuận cho vay với hạn mức phù hợp.

Nguồn: Văn bản số 61/ANG-THNSKS ngày 12/01/2024 của NHCSXH chi nhánh tỉnh An Giang