Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị cử tri về việc kiến nghị sách giáo khoa phải được sử dụng được nhiều lần khi giảng dạy và học tập

Ngày đăng 23/01/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Nội dung kiến nghị cử tri: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành một bộ sách giáo khoa theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, sách giáo khoa phải sử dụng được nhiều lần khi giảng dạy, học tập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh và tránh lãng phí hàng năm.

Ngày 16/01/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có Văn bản số 223/BGDĐT-VP về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến. Nội dung trả lời kiến nghị như sau:

1. Về nội dung đề nghị Bộ GDĐT sớm ban hành một bộ sách giáo khoa

Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: "Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện kế hoạch biên soạn một bộ sách giáo khoa, Bộ GDĐT đã xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch theo quy định để tuyển chọn đội ngũ tác giả và chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính để thực hiện việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GDĐT đã báo cáo kịp thời với Ban Tuyên giáo Trung ương, Chính phủ về các vấn đề nảy sinh khi không tuyển chọn được tác giả biên soạn sách giáo khoa; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về tình hình thực hiện, triển khai Nghị Quyết 88/2014/QH13 về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa GDPT, trong đó đề xuất việc tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và trong trường hợp đã có ít nhất một bộ sách giáo khoa bảo đảm chất lượng được Bộ GDĐT phê duyệt thì Bộ GDĐT không tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (sử dụng ngân sách nhà nước) nữa.

Ngày 19/6/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị Quyết 122/2020/QH14, trong đó quy định: “Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó.”. Do đó, Bộ GDĐT chưa biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Năm 2024, Bộ GDĐT sẽ tổng kết việc biên soạn sách giáo khoa, trong đó sẽ đánh giá cụ thể việc xã hội hóa sách giáo khoa, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu và báo cáo Chính phủ và Quốc hội về việc biên soạn một bộ sách dùng chung cho chương trình giáo dục phổ thông.

2. Về việc sách giáo khoa phải sử dụng được nhiều lần khi giảng dạy, học tập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh và tránh lãng phí hàng năm

Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa yêu cầu việc biên soạn, tổ chức thẩm định sách giáo khoa đảm bảo chất lượng và sử dụng lâu bền, tránh lãng phí (sách giáo khoa được biên soạn không có khoảng trống để học sinh điền thông tin hoặc yêu cầu học sinh làm bài trực tiếp để tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiêu lần) để các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn và sử dụng ổn định.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai, Bộ GDĐT đã ban hành Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT ngày 10/6/2022 về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó yêu cầu các Sở GDĐT “tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách giáo khoa được sử dụng lại lâu bền.”.

Thời gian tới, Bộ GDĐT tiếp tục chỉ đạo các nhà xuất bản, các Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiếp tục rà soát kỹ chất lượng bản mẫu và có giải pháp khắc phục các hạn chế về sách giáo khoa. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT ngày 10/6/2022 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Nguồn: Văn bản số 223/BGDĐT-VP, ngày 16/01/2024 của Bộ GDĐT