Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị cử tri về việc quy định thống nhất một loại sách giáo khoa để tránh lãng phí

Ngày đăng 18/10/2023

Xem với cở chữ : A- A A+
Nội dung kiến nghị cử tri: “Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét giải quyết công tác đấu thầu trong việc mua sắm sách giảo khoa và đồ dùng dạy học khi thực hiện chương trình thay sách giáo khoa mới để đảm bảo công tác dạy học diễn ra hiệu quả. Bên cạnh đó, cần quy định thống nhất một loại sách giáo khoa để tránh lãng phí sách hàng năm, thuận lợi cho phụ huynh và học sinh trong mua sắm sách và học tập, đặc biệt là đối với gia đình học sinh có thu nhập thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn”.

Ngày 29/9/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có Văn bản số 5437/BGDĐT-VP về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến. Nội dung trả lời kiến nghị như sau:

1. Về việc xem xét giải quyết công tác đấu thầu trong việc mua sắm sách giáo khoa và đồ dùng dạy học khi thực hiện chương trình thay sách giáo khoa mới để đảm bảo công tác dạy học diễn ra hiệu quả

Căn cứ Điểm b, Khoản 5, Điều 105 Luật Giáo dục 2019 và các quy định của pháp luật hiện hành (Luật Đấu thầu, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, ...), việc giải quyết công tác đấu thầu, đầu tư, mua sắm, bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học của cơ sở giáo dục phổ thông công lập thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.

2. Về việc cần quy định thống nhất một loại sách giáo khoa để tránh lãng phí sách hàng năm, thuận lợi cho phụ huynh và học sinh trong mua sắm sách và học tập, đặc biệt là đối với gia đình học sinh có thu nhập thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn

Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội có quy định: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục có nhiều sách giáo khoa và chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa là chủ trương có tính đột phá, thay đổi việc xuất bản sách giáo khoa theo cơ chế độc quyền, đồng thời xã hội hóa sách giáo khoa tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, tổ chức có khả năng, điều kiện tham gia vào việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa, tạo ra sự cạnh tranh, tạo động lực cho các nhóm tác giả sách giáo khoa, các nhà xuất bản có được những bộ sách chất lượng tốt.

Đối với việc dạy và học trong các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện thống nhất trên toàn quốc theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, sách giáo khoa là công cụ giảng dạy. Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đến nay Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện đến lớp 4 đối với cấp tiểu học, đến lớp 8 đối với cấp trung học cơ sở và lớp 11 đối với cấp trung học phổ thông, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông đã đi vào ổn định, giáo viên và học sinh đã khẳng định được ý nghĩa của việc có nhiều sách giáo khoa.

Đối với các học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, các tổ chức biên soạn và phát hành sách giáo khoa đã có chương trình hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Năm học 2022 - 2023 tính riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hỗ trợ khoảng 100.000 bộ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Năm học 2023 - 2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 747/CĐ-TTg ngày 16/8/2023 về việc bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 - 2024; trong đó đã yêu cầu các địa phưoưg phải có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi trước thềm năm học mới.

Nguồn: Văn bản số 5437/BGDĐT-VP, ngày 29/9/2023 của Bộ GDĐT