Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị cử tri về việc có giải pháp nhằm khắc phục việc “xem nhẹ” nghề giáo trong xã hội hiện nay

Ngày đăng 18/10/2023

Xem với cở chữ : A- A A+
Nội dung kiến nghị cử tri: “Nghề giáo là một nghề cao quý trong xã hội, việc tôn vinh, trân trọng nghề giáo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng “xem nhẹ” nghề giáo đã xuất hiện, có thể làm ảnh hưởng đến nét đẹp “tôn sư trọng đạo”. Kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục có giải pháp nhằm khắc phục việc “xem nhẹ” nghề giáo trong xã hội hiện nay”.

Ngày 29/9/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có Văn bản số 5437/BGDĐT-VP về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến. Nội dung trả lời kiến nghị như sau:

Đảng, Nhà nước luôn xác định “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục” và luôn thực hiện việc gìn giữ truyền thống “tôn sư, trọng đạo” của dân tộc.

Thời gian vừa qua, nhiều chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước hướng đến nâng cao vị thế nhà giáo, như: giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển; chính sách tiền lương, phụ cấp nghề nghiệp của nhà giáo được quan tâm... Tuy nhiên, vẫn còn xuất hiện một số vấn đề làm ảnh hưởng đến cách đánh giá, nhìn nhận của xã hội về nhà giáo nói riêng và nền giáo dục nói chung. Một số hành vi phản giáo dục, bạo lực học đường diễn ra trong các nhà trường; những cách ứng xử thiếu tôn trọng nhà giáo... làm ảnh hưởng đến vị thế của nhà giáo.

Để khắc phục tình trạng đó, thời gian tới, Bộ GDĐT tiếp tục tham mưu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để nâng cao vị thế, thu nhập của nhà giáo, như: xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về chế độ làm việc, vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non... phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo.

Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách tôn vinh, khen thưởng nhà giáo có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục, thể hiện sự trân trọng của xã hội và nâng cao vị thế của đội ngũ nhà giáo. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho đội ngũ nhà giáo để nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lòng tự hào, tự tôn nghề nghiệp để nhà giáo yên tâm công tác và giữ gìn phẩm chất, danh dự của nhà giáo.

Nguồn: Văn bản số 5437/BGDĐT-VP, ngày 29/9/2023 của Bộ GDĐT