Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị Về tiếp tục tăng cường tổ chức các hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cho

Ngày đăng 07/03/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Cử tri kiến nghị: Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường tổ chức các hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của các Bộ, ngành, địa phương. Nội dung tập huấn cần được xây dựng trên cơ sở khảo sát nhu cầu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời chú trọng bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, rà soát văn bản ở cơ sở.

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Thời gian qua, Bộ Tư pháp luôn chú trọng và tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho công chức thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản tại các Bộ, ngành, địa phương thông qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác soạn thảo, ban hành văn bản QPPL do Bộ Tư pháp tổ chức hằng năm, trong đó, Cục Kiểm tra văn bản QPPL là đơn vị trực tiếp hướng dẫn, tập huấn, hướng dẫn về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản.

 Bên cạnh đó, từ năm 2019 đến nay, Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL) tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm tại các địa phương liên quan đến công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL với thành phần tham gia là đại diện tổ chức pháp chế các Bộ, ngành và Sở Tư pháp các địa phương, trong đó có nội dung tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai các công tác nêu trên[1]. Ngoài ra, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã cử nhiều lượt công chức làm báo cáo viên tập huấn kỹ năng nghiệp vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL do các Bộ, ngành, địa phương tổ chức hàng năm; tổ chức biên soạn, phát hành và đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp các cuốn sách nghiệp vụ về các công tác nêu trên như: Sổ tay Hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL năm 2016; Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật năm 2016; Sổ tay tình huống nghiệp vụ kiểm tra, xử lý văn bản QPPL năm 2018 (tại địa chỉ: Trang thông tin về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và hợp nhất văn bản QPPL thuộc Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp- https://ktvb.moj.gov.vn/Pages/home.aspx). 

Để phục vụ cho việc nghiên cứu, tham khảo, rút kinh nghiệm, phòng tránh việc xây dựng, ban hành văn bản không đúng quy định pháp luật tại các Bộ, ngành, địa phương, vào đầu năm 2023, Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp)  đã phối hợp với Nhà xuất bản Tư pháp biên soạn, phát hành các cuốn sách “Quy định pháp luật hiện hành và một số kỹ năng cơ bản về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật”; “Quy định pháp luật hiện hành và một số kỹ năng cơ bản về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật” và sách “Sổ tay tình huống nghiệp vụ kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật”, trong đó tổng hợp, đề cập, phân tích cụ thể các nội dung về kiểm tra, rà soát xử lý văn bản trái pháp luật; các trường hợp, các lỗi sai có tính phổ biến, thường gặp trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL và kỹ năng phát hiện, xử lý.

Trong năm 2024, Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL) sẽ tiếp tục tổ chức các Hội thảo về “Nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản QPPL của địa phương - nhìn từ góc độ kiểm tra, rà soát văn bản QPPL” tại một số khu vực/địa phương, trong đó tập trung vào việc nhận diện, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chuyên môn để nâng cao nhận thức, kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL tại địa phương.

 Để nâng cao hơn hiệu quả của công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản, thời gian tới, Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL) tiếp tục tăng cường và đổi mới hơn nữa công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ nói trên theo hướng:

- Xây dựng nội dung tập huấn phù hợp dựa trên kết quả khảo sát về nhu cầu của từng đối tượng được tập huấn;

- Nội dung tập huấn tập trung vào tháo gỡ khó khăn về chuyên môn, bồi dưỡng những kỹ năng còn yếu của từng đối tượng được tập huấn;

- Tăng cường hơn nữa các ví dụ minh họa để bài giảng trực quan sinh động, thực tiễn, dễ tiếp cận;

- Hạn chế việc trao đổi một chiều của giảng viên, thay vào đó là tăng cường sự tương tác giữa giảng viên và học viên; phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của học viên. Trong quá trình tập huấn, các học viên tập trung trao đổi và thảo luận về xây dựng, ban hành văn bản, nghiệp vụ kiểm tra văn bản, những kinh nghiệm hay cũng như những vướng mắc trong quá trình thực hiện việc kiểm tra và rà soát văn bản tại cơ quan/đơn vị mình.

 

[1] Cụ thể: Trong năm 2019, Bộ Tư pháp tổ chức 08 lượt hội thảo chuyên sâu về văn bản trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và kinh tế và các cuộc họp giao ban định kỳ hằng quý về công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL tại 04 khu vực/địa phương. Năm 2020, Bộ Tư pháp tổ chức 07 lượt hội thảo, hội nghị về công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL tại 04 khu vực/địa phương. Năm 2022 và năm 2023, tổ chức 04 “Hội thảo về nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản QPPL của địa phương - nhìn từ góc độ kiểm tra, rà soát văn bản QPPL” tại 4 khu vực/địa phương (Quảng Ninh, An Giang, Hà Tĩnh, Kon Tum); “Hội thảo về nhận diện sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật” tại TP. Thanh Hóa…vv.

Kim Yến