Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

An Giang: Kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Ngày đăng 08/12/2021

Xem với cở chữ : A- A A+
Sáng ngày 07/12/2021, Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Phước trình bày tại kỳ họp lần thứ 5 Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy:

Kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh An Giang diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng và nguồn lây nhiễm xâm nhập qua biên giới là rất cao, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 diễn biến nhanh, bùng phát mạnh trên diện rộng nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, nhưng dưới sự tập trung chỉ đạo kịp thời của Chính phủ cùng với sự quyết tâm lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành, cùng với sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có mức tăng trưởng đạt 2,15% so cùng kỳ (năm 2021 là 2,46%). Mức tăng này thấp hơn cùng kỳ, nhưng được xem là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng trong thời gian qua. 

Responsive image

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước báo cáo tóm tắt tình hình KTXH năm 2021, kế hoạch năm 2022

 

Trong điều kiện khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu đề ra. Kết quả trên là thể hiện sự lãnh chỉ đạo linh hoạt, kịp thời của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Tùy từng thời điểm, giai đoạn theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, Tỉnh đã đề ra những biện pháp và giải pháp phù hợp vừa thực hiện hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, vừa phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Bước sang quý IV, thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội có sự chuyển biến theo hướng tích cực; hoạt động thương mại – dịch vụ dần mở cửa trở lại; lĩnh vực sản xuất kinh doanh dần phục hồi và duy trì hoạt động; sự đi lại của nhân dân và lưu thông hàng hóa được thuận lợi hơn. Điều này đã giúp kinh tế tỉnh nhà tăng trưởng trở lại, GRDP quý IV tăng trưởng ước đạt 3,68% và kéo mức tăng trưởng GRDP cả năm đạt 2,15%.

Công tác an sinh xã hội đặc biệt được quan tâm, nhất là trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định cụ thể điều kiện, phương thức, mức hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng ảnh hưởng dịch Covid-19 với 12 chính sách. Theo kế hoạch toàn tỉnh đã phê duyệt 288.083 đối tượng thụ hưởng, trong đó có 209.598 lao động tự do, 1.633 doanh nghiệp, 6.654 hộ kinh doanh với số tiền là 401,1 tỷ đồng. Đến ngày 16/11/2021, đã thực hiện hỗ trợ cho 212.784 trường hợp, trong đó có 143.047 lao động tự do với số tiền 255,9 tỷ đồng, đạt 56,7% kế hoạch.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chính sách kịp thời, góp phần hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong giai đoạn phòng chống dịch; bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình trả tiền đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền (như nhắn tin, chạy chữ trên màn hình,…), góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu phù hợp, hiệu quả. Tiếp tục giữ ổn định tại thị trường hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh; triển khai hiệu quả các phương án bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu và tổ chức các kênh phân phối, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại trên thị trường để bảo vệ thị trường trong nước.

Thành lập Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch tỉnh An Giang; Ban chỉ đạo phục hồi, phát triển kinh tế và an sinh xã hội; triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tổ chức tốt các hoạt động rước, đón công dân An Giang về quê trong tình hình dịch bệnh.

Trong năm 2022, tỉnh An Giang sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.

Tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với 3 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu. (2) Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. (3). Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục và ổn định thị trường lao động, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài các cụm công nghiệp tổ chức lại sản xuất, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo các điều kiện và tiêu chí về an toàn phòng chống dịch COVID-19. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo quy định về thu hút đầu tư theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút FDI; Quyết liệt triển khai Nghị quyết số 63/NQ-CP, Nghị quyết số 105/NQ-CP nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa thiết yếu cung ứng trên địa bàn tỉnh An Giang được thông suốt, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 theo quy định; Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng dự trữ phòng chống thiên tai, dịch bệnh để tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2022.

Hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung ứng hàng hóa (siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, chợ đầu mối,…) trên địa bàn tỉnh An Giang hoạt động. Tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương và doanh nghiệp thực hiện phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng; Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát thị trường chống hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, đẩy giá;…

Tiếp tục các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh An Giang đảm bảo việc lưu thông và đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Chủ động, phối hợp các cơ quan liên quan để theo dõi kịp thời diễn biến giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục hỗ trợ địa phương huyện biên giới đẩy mạnh hoạt động giao thương hàng hoá qua biên giới, phát triển kinh tế biên mậu trong tình hình dịch COVID-19;...

Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 105/NQ-CP; nhanh chóng kịp thời ban hành các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Xây dựng kế hoạch hợp tác từng dự án, đề án cụ thể với mục tiêu, nội dung, các bước thực hiện rõ ràng, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long với nhau để kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án có tính chất liên tỉnh, liên vùng.

Nâng cao năng lực y tế dự phòng, thực hiện tốt chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khoẻ tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Triển khai thực hiện Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang. Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP...

NGUYỄN NGUYỄN