Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Tình hình thực hiện Nghị quyết HĐND về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2019

Ngày đăng 09/12/2019

Xem với cở chữ : A- A A+
Năm 2019, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi nhưng là năm mà tỉnh nhà đạt được nhiều kết quả khả quan, có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được HĐND tỉnh đề ra, ước đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu HĐND tỉnh giao (8 chỉ tiêu ước đạt và 5 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch).

Tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn ước thực hiện năm 2019 (theo giá so sánh 2010) tăng 7,02% so cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 5,23%). Trong mức tăng 7,02% thì khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,65% (cao hơn mức tăng 1,83% của cùng kỳ năm 2018), đóng góp 0,82 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng 9,40% (cao hơn mức tăng 7,81% của cùng kỳ năm trước), đóng góp 1,39 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 8,90% (cao hơn mức tăng 6,60% của cùng kỳ năm trước), đóng góp 4,67 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Một số kết quả nổi bật như:

- Cơ cấu kinh tế năm 2019 tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực và dần ổn định (khu vực I ngày càng giảm và khu vực II, III tăng dần qua các năm), cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 28,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 15,13%; khu vực dịch vụ chiếm 55,09%; thuế sản phẩm trừ trợ giá chính sách chiếm 1,61%.

- Xây dựng nông thôn mới: tính đến thời điểm hiện tại đã có 03 đơn vị Thoại Sơn, TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Có 61/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 51,26% và hoàn thành mục tiêu Chương trình sớm hơn 01 năm so với lộ trình, kế hoạch của tỉnh.

- Về thu hút đầu tư và giải ngân vốn đầu tư: Từ đầu năm đến ngày 28/11/2019, trên địa bàn tỉnh có 76 dự án đăng ký đầu tư mới (trong đó có 02 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 74 dự án đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký 76 dự án là 17.636 tỷ đồng. Ước giá trị giải ngân vốn đầu tư xây dựng cả năm 2019 là 3.907 tỷ đồng, đạt 93,92% kế hoạch (4.160,7 tỷ đồng). Tỷ lệ giải ngân cao hơn 4,74% năm 2018 (năm 2018 đạt 89,18%).

- Về thu chi ngân sách: Ước thực hiện thu ngân sách địa phương năm 2019 của tỉnh đạt hơn 13.854 tỷ đồng, đạt 102,8% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó thu cân đối ngân sách từ kinh tế địa bàn ước thực hiện năm 2019 là 5.624 tỷ đồng đạt 107,3% so dự toán, thu bổ sung từ ngân sách trung ương là 8.230 tỷ đồng đạt 100% dự toán.

Ngoài ra, lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống trường lớp các cấp học, ngành học từ mầm non đến phổ thông đã phủ khắp 156/156 xã, phường, thị trấn; mạng lưới y tế ở cả 3 tuyến được củng cố và tiếp tục đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016 - 2020” được quan tâm đẩy mạnh hơn, số lượng có tăng so với cùng kỳ (năm 2019 giải quyết được 430 trường hợp xuất khẩu lao động, chủ yếu làm việc tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan); thực hiện có hiệu quả mô hình đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, ước giải quyết cho trên 30.000 lao động, đạt 100% kế hoạch năm. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đạt được các kết quả này là nhờ sự quan tâm sâu sát, tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy; sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, quyết liệt của UBND tỉnh, giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh cùng sự nỗ lực và đồng thuận của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, HĐND tỉnh nhận thấy vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như:

Một là, mặc dù tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2019 đạt 7,02% cao nhất trong 05 năm trở lại đây nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 04 năm thì chưa đạt theo kế hoạch của giai đoạn 2016 - 2020; tăng trưởng khu vực I đạt  2,65%  nhưng đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh giá cả các mặt nông sản và thủy sản còn nhiều bấp bênh; tình trạng được mùa mất giá gây rất nhiều khó khăn trong đời sống, sản xuất của người dân.

Hai là, công tác dự báo cung cầu chưa gắn định hướng sản xuất; việc tổ chức lại sản xuất còn nhiều bất cập, chưa mang lại hiệu quả rõ rệt; vấn đề phát triển kinh tế tập thể chưa đạt được hiệu quả cao. Việc sáp nhập, giải thể các HTX yếu kém chưa được thực hiện dứt điểm; mô hình cánh đồng mẫu lớn đang chựng lại và có nguy cơ sụt giảm.

Ba là, việc khai thác lợi thế về vị trí địa lý và kinh tế biên mậu còn nhiều hạn chế, chưa có sản phẩm thiết yếu của tỉnh tham gia xuất khẩu góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách.

Bốn là, mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt kết quả cao tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án đã được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng đến nay triển khai không đạt yêu cầu gây lãng phí nguồn vốn, trong khi nhiều dự án đã có trong danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất bằng nguồn ngân sách nhưng không thực hiện được do ngân sách không đảm bảo nguồn vốn bố trí dẫn đến phải hủy bỏ cho thấy việc bố trí vốn đầu tư và thực hiện dự án là chưa có hiệu quả cao.

Năm là, quá trình triển khai thực hiện Đề án Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh còn chậm về tiến độ. Tính đến nay có 206/708 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 29,10%; tỷ lệ này rất thấp so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh là 50%, theo Đề án là 97,6% vào năm 2020.

Sáu là, tình trạng bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn xảy ra ở một số địa phương (Phú Tân, Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú và thành phố Long Xuyên).

Bảy là, tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và tăng cao so với cùng kỳ năm 2018: số ca mắc tay chân miệng tăng 35%; sốt xuất huyết tăng 77% trong đó có 01 trường hợp tử vong.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng tác động xấu đến chăn nuôi, nhất là bệnh dịch tả heo Châu Phi đã làm cho người dân chưa thực sự yên tâm tái đàn phục hồi sản xuất, gây ra tình trạng thiếu hụt thực phẩm kéo theo tình trạng tăng giá đột biến, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng; thời tiết không thuận lợi, hạn hán xuất hiện sớm; tình hình sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp ở một số địa phương đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống; việc khai thác cát trái phép vẫn còn diễn ra, công tác quản lý khoáng sản chưa thực sự hiệu quả; hoạt động “tín dụng đen” vẫn còn diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm mất trật tự an ninh xã hội trong khi công tác quản lý hoạt động này còn nhiều bất cập...

Kim Yến