Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn nhóm vấn đề về đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Ngày đăng 17/07/2023

Xem với cở chữ : A- A A+
Chiều ngày 12/7/2023, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 14 (giữa năm 2023) Hội đồng nhân dân tỉnh, khóa X, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Châu Văn Ly trả lời chất vấn nhóm vấn đề về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, cụ thể như sau:
Responsive image
Ông Châu Văn Ly, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh

 

I. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

1. Đánh giá kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trong thời gian qua (Trong đó, chú trọng đánh giá thực trạng công tác đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đặc biệt là cơ sở GDNN vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”)

Nhằm nâng cao năng lực quản lý và hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), tỉnh đã thực hiện 04 lần sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 25 cơ sở GDNN. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo GDNN khoảng 903 người (trong đó, đội ngũ cán bộ, quản lý 263 người; nhà giáo GDNN tại các khoa, tổ 640 người). Quy mô đào tạo được cấp phép đến nay khoảng 48.540 người học/năm.

Năm 2022, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề 30.688 người (chia theo trình độ: cao đẳng 1.393 sinh viên, trung cấp 3.016 học sinh, sơ cấp và dưới 03 tháng 26.279 học viên) đạt 151,17% kế hoạch; 06 tháng đầu năm 2023 tuyển sinh khoảng 8.457 người đạt 107% so với cùng kỳ năm 2022.

Những năm qua, Nhà nước luôn ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Trên địa bàn tỉnh có 05/25 cơ sở GDNN thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, gồm: Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú; cơ sở phụ của Trường Trung cấp Kỹ thuật - Tổng hợp tại Tân Châu; Trung tâm GDNN - GDTX tại TX. Tịnh Biên, huyện: An Phú, Thoại Sơn. Trong đó, Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú là trường chuyên biệt, được trung ương và địa phương quan tâm hỗ trợ, đầu tư trang thiết bị đào tạo hàng năm góp phần đào tạo nghề cho người lao động tại địa phương, đặc biệt là người lao động thuộc đồng bào DTTS.

Năm 2022, các cơ sở GDNN thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi tuyển sinh đào tạo nghề cho 4.191 người học ở cấp trình độ (trong đó: trung cấp 825 học sinh, sơ cấp 265 học viên, thường xuyên dưới 03 tháng 3.101 học viên) đạt 239% kế hoạch đề ra.

Năm 2022, 2023, tổng kinh phí phân bổ cho các cơ sở GDNN thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi trên khoảng 30.179 triệu đồng. Qua đó, từng bước góp phần hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo của các cơ sở GDNN nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

2. Hạn chế

Nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các trường cao đẳng, trung cấp từ ngân sách tỉnh chưa tương xứng với sứ mệnh và nhiệm vụ được giao. Trang thiết bị đào tạo được tỉnh tranh thủ đầu tư, hỗ trợ từ nguồn kinh phí các CTMTQG nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo trong tình hình mới, thiết bị đào tạo chưa được đầu tư đồng bộ.

Việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trong GDNN còn khó khăn do thiếu nguồn lực đầu tư trang thiết bị, hạ tầng số, phần mềm nhằm chuyển đổi số.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề của các các cơ sở GDNN

Rà soát, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ sở GDNN công lập; chú trọng năng cao nâng lực, quản lý chất lượng và đề cao tính tự chủ của cơ sở, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu.

Ngân sách tỉnh tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất của các trường cao đẳng, trung cấp khang trang, hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kinh phí mua sắm thiết bị đào tạo cho các cơ sở GDNN công lập, đặc biệt các cơ sở GDNN thuộc vùng đồng bào DTTS từ kinh phí 03 CTMTQG nhằm đảm bảo điều kiện thay thế, đổi mới một số trang thiết bị đào tạo lạc hậu, hư hỏng.

Tăng cường gắn kết với doanh nghiệp với cơ sở GDNN  trong đào tạo nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, hướng nghiệp và định hướng phân luồng tại các cơ sở giáo dục phổ thông, phụ huynh, học sinh góp phần nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp.

II. Lĩnh vực lao động việc làm

1. Đánh giá thực trạng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

a. Kết quả thực hiện

Sở LĐTBXH đã chủ động triển khai, tuyên truyền rộng rãi các chính sách hỗ trợ cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh có 273 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (chủ yếu thị trường Nhật Bản: 190 lao động, Đài Loan: 69 lao động); số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 91% so với kế hoạch năm 2023, đạt 180% so với cùng kỳ năm 2022; qua đó, đã hỗ trợ tín dụng cho 101 lao động, số tiền: 8.298 triệu đồng; hỗ trợ chi phí ban đầu (như: khám sức khỏe, học ngoại ngữ, học giáo dục định hướng) cho 92 lao động, số tiền: 466,14 triệu đồng.

b. Khó khăn

Một số địa phương chưa tích cực, chủ động trong việc phối hợp liên kết với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để tăng cường hoạt động tuyên truyền, tư vấn, tạo nguồn và tuyển lao động tại địa phương.

Nhận thức của một bộ phận người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, còn tâm lý ngại đi làm việc xa quê; ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động của một số lao động chưa tốt..

Mặc dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ tín dụng nhưng nhiều lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn,… vẫn còn gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí ban đầu khi đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài, chi phí đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn cao.

c. Giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt Kế hoạch của Tỉnh uỷ về triển khai thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Chấp hành Trung ương ban hành về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.

Chọn thị trường lao động có chất lượng, gắn kết đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, pháp luật, văn hoá, phong tục tập quán của các nước cho người lao động; Ưu tiên đưa lao động đi làm việc ở những thị trường lao động có thu nhập cao, an toàn.

Tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm, tổ chức tốt các hoạt động thông tin tư vấn việc làm, thông tin thị trường việc làm trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm kiếm được việc làm trong nước và nước ngoài.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật; giúp người lao động được an tâm khi xuất cảnh, khi hết hạn hợp đồng về nước được hỗ trợ, giới thiệu việc làm.

2. Đánh giá tình hình người lao động mất việc làm và trở về địa phương trong 6 tháng đầu năm 2023. Vấn đề giải quyết việc làm trong tình hình hiện nay (có nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất), xác định những khó khăn, hạn chế và giải pháp thời gian tới

a. Tình hình người lao động mất việc làm và trở về địa phương trong 6 tháng đầu năm 2023

- Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải giảm lao động, việc làm là 36 doanh nghiệp (chủ yếu ngành may mặc, da giày). Số lao động bị ảnh hưởng việc làm khoảng 10.558 người; trong đó, thôi việc, mất việc làm: 4.720 người, tạm hoãn hợp đồng lao động: 1.438 người, giảm giờ làm: 4.400 người.

- Số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp là 11.498 trường hợp (giảm 3.185 trường hợp so với năm 2022); trong đó, số lao động ngoài tỉnh chuyển về 6.585 trường hợp, chiếm 60,67% số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp (tỉnh Bình Dương 3.096 trường hợp, thành phố Hồ Chí Minh 1.312 trường hợp, tỉnh Đồng Nai 811 trường hợp, các tỉnh khác 1.366 trường hợp) với tổng số tiền chi trả là 185.435 triệu đồng. Số lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề là 290 trường hợp, số đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có việc làm trở lại là 258 trường hợp.

Nguyên nhân việc cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là vì lý do kinh tế, khó khăn ở việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài, doanh nghiệp gặp khó khăn tập trung vào doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày… Một số đối tác đặt ra yêu cầu mới về tiêu chuẩn hàng hóa nên một số doanh nghiệp gặp khó khăn để tổ chức, sắp xếp lại hoạt động sản xuất.

b. Giải quyết việc làm trong tình hình hiện nay

Trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 31/5/2023 về việc uỷ thác nguồn vốn ngân sách tỉnh qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay Chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm năm 2023 (30 tỷ đồng).

Kết quả từ đầu năm 2023 đến nay, Chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã cho vay 2.020 dự án, số tiền 85.973 triệu đồng.

Quan tâm gắn kết doanh nghiệp trong hoạt động GDNN. Hàng năm, các trường cao đẳng, trung cấp phối hợp đưa đội ngũ nhà giáo và khoảng 700 học sinh, sinh viên đến thực tập tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm rèn luyện và nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề.

Đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, kịp thời chia sẻ thông tin việc làm lên website của Trung tâm để “kết nối” người lao động và doanh nghiệp, quan tâm hỗ trợ kịp thời người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng cường tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm. Qua đó, đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 22.633 trường hợp; tổ chức 09 Phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm và 18 cụm, điểm tư vấn kết nối việc làm cho người lao động tại 09 huyện, thị với 264 doanh nghiệp và 8.888 lao động tham dự. Số phiên giao dịch việc làm tăng cao so với cùng kỳ năm 2022 (tổ chức 01 Phiên giao dịch việc làm và 10 điểm, cụm tư vấn kết nối việc làm cho người lao động tại 06 huyện, thị, TP).

c. Hạn chế

Qua nắm tình hình một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, số đơn hàng giảm, nên các doanh nghiệp chủ yếu duy trì lực lượng lao động để ổn định sản xuất, nhu cầu tuyển dụng lao động thời gian tới không nhiều. Tình trạng biến động lao động trong doanh nghiệp có nhưng không nhiều.

Đối với lao động An Giang đi làm việc ngoài tỉnh bị ảnh hưởng về việc làm, qua nắm tình hình chung vẫn có dự định sẽ tiếp tục tìm việc làm ngoài tỉnh; số quay về địa phương (An Giang) phần lớn là lao động làm việc trong các doanh nghiệp khi nghỉ việc có chế độ về trợ cấp thất nghiệp, đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được Trung tâm Dịch vụ việc làm thường xuyên tư vấn giới thiệu việc làm mới, tư vấn hỗ trợ học nghề để người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.

d. Giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Chủ động phối hợp Liên đoàn lao động tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố…thường xuyên nắm thông tin, hướng dẫn của Bộ LĐTBXH và tình hình thị trường lao động, việc làm để kịp thời kết nối cung cầu lao động; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nâng cao chất lượng hoạt động vay vốn; thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng xã hội... giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Tăng cường phối hợp hoạt động liên kết giữa các trường, trung tâm GDNN với các doanh nghiệp trong đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, gắn với việc làm theo yêu cầu doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, nhằm chuyển đổi việc làm hoặc tạo việc làm mới cho người lao động.

Chủ động đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm thường xuyên cập nhật, nắm tình hình lao động, việc làm trên địa bàn; chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp tốt với ngành LĐTBXH triển khai có hiệu quả các mô hình tạo việc làm tại địa phương.

Hiệp Hùng