Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

An Giang: Thực hiện hoàn thành và vượt 12/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Ngày đăng 07/12/2018

Xem với cở chữ : A- A A+
Chiều 06/12/2018, Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - ngân sách năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2019 trình tại kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy:

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tỉnh ta đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 13 chỉ tiêu theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, thực hiện hoàn thành và vượt 12/13 chỉ tiêu. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,52% so cùng kỳ, vượt 0,02% so với Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn đạt 5.866 tỷ đồng, đạt 102,91% so dự toán; tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 13.458 tỷ đồng, bằng 101,29% so dự toán, đảm bảo bố trí kịp thời nhiệm vụ đã giao từ đầu năm và nhiệm vụ cấp bách phát sinh như phòng chống thiên tai, khắc phục sạt lở và chính sách an sinh xã hội...

 

Responsive image

Đồng chí Phan Thanh Tùng, Trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh

trình bày báo cáo thẩm tra tại diễn đàn kỳ họp lần thứ 9

 

Giá trị giải ngân đầu tư xây dựng đạt 99% kế hoạch vốn giao đầu năm, nguồn vốn đầu tư phát triển được phân bổ đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu đạt 840 triệu USD, đạt 100% kế hoạch đề ra. Kết quả thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực với 82 dự án đầu tư, gồm 02 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 80 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 25.052 tỷ đồng, so với cùng kỳ, số dự án tăng 2,5% và tổng vốn đăng ký tăng 64,78%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 102.701 tỷ đồng, tăng 11,17% so năm trước...

Bên cạnh những kết quả đạt được, hạn chế như báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh đã nêu, Ban kinh tế - ngân sách nhận thấy một số vấn đề cần được phân tích thảo luận làm rõ để có giải pháp trong thời gian tới, đó là:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt và vượt so với cùng kỳ, tuy nhiên chỉ tiêu giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân không đạt kế hoạch đề ra.

Responsive image

 

Các đề tài khoa học công nghệ cơ sở vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, chưa tác động và đóng góp nhiều trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/6/2012 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị triển khai còn chậm.

Tình trạng phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn gia súc kém chất lượng vẫn còn xảy ra, tăng chi phí trong sản xuất, đầu ra không ổn định, còn gây khó khăn trong sản xuất của người nông dân. Tình hình nuôi chim yến tự phát diễn ra khá phức tạp chưa được cơ quan chức năng quản lý, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh.

Vẫn còn một số dự án còn chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng theo yêu cầu đề ra, nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục bồi thường phức tạp, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn và trong quá trình thi công phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế nhiều lần. Năng lực một số nhà thầu thi công xây lắp yếu kém, chưa quyết liệt tập trung nhân lực, vật lực, thiết bị trong quá trình triển khai thi công xây dựng trong thời gian qua.

Toàn tỉnh thu hút được 82 dự án đầu tư, tuy nhiên chỉ có 10 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, đang triển khai thực hiện là 41 dự án và số dự án chưa triển khai thực hiện là 31 dự án. Thực hiện Nghị quyết số 16/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 và Nghị quyết số 23/2016/NQ-HĐND ngày 03/8/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh, còn 23 dự án thu hồi đất và sử dụng đất trồng lúa được Hội đồng nhân dân thông qua vào năm 2016 phải hủy bỏ. Nguyên nhân do các dự án chưa được bố trí vốn để thực hiện, dự án thay đổi vị trí đầu tư, dự án của doanh nghiệp bị chấm dứt hợp đồng theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh và chưa nhận chuyển nhượng tạo quỹ đất.

Lũy kế đến nay, số doanh nghiệp đăng ký là 9.302 doanh nghiệp, số doanh nghiệp còn hoạt động là 5.318 doanh nghiệp; vốn đăng ký từ 55.147 tỷ đồng giảm còn 47.511 tỷ đồng.

Responsive image

 

Tình hình sạt lở, sụt lún đất bờ sông diễn biến phức tạp gây thiệt hại về đất đai, tài sản và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân; một số tuyến giao thông bị xuống cấp do ảnh hưởng mưa lũ, sạt lở chưa được duy tu, sửa chữa kịp thời. Thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ được quan tâm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công ở nhiều lĩnh vực còn chậm, số lượng đơn vị chuyển đổi từ loại hình có nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sang loại hình tự đảm bảo kinh phí chưa nhiều.

Việc sử dụng các nguồn vốn ngân sách chưa thực sự phát huy hiệu quả dẫn đến kinh phí các năm tồn phải chuyển nguồn sang năm 2018 còn khá cao.

Qua đó, Ban kinh tế - ngân sách thống nhất với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời, Ban kinh tế - ngân sách đề xuất một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong năm 2019, cụ thể như sau:

Lĩnh vực sản xuất, nông, lâm thủy sản:

Để thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo trong thực hiện cần gắn kết chặt chẽ giữa chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn với chính sách tái cơ cấu lại nông nghiệp; cần rà soát quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu thị trường, gắn với hợp đồng tiêu thụ và bảo vệ môi trường; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực về đất đai,vốn tín dụng nhằm đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn.

Đưa các đề tài khoa học đã nghiệm thu vào cuộc sống; quan tâm có cơ chế đặt hàng nghiên cứu ứng dụng những đề tài khoa học công nghệ thiết thực, cần thiết nhằm giải quyết những vấn đề có tính đặc thù xuất phát từ thực tiễn trong công tác quản lý và sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác liên kết, hình thành cánh đồng lớn, quan tâm xây dựng các Hợp tác xã kiểu mới đúng luật, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Tập trung nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường cán bộ đủ mạnh để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, Hợp tác xã. Tiếp tục quan tâm thực hiện Chỉ thị số 447/CT-UBND, ngày 06/02/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường thực hiện các giải pháp củng cố, phát triển Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục phát huy, nhân rộng các mô hình sản xuất có giá trị tăng cao, các mô hình sản xuất an toàn hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp về quản lý, điều hành thu, chi tài chính ngân sách; tập trung điều hành chi thường xuyên theo dự toán được duyệt, thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; không chi bổ sung ngoài dự toán đã giao, hạn chế thấp nhất việc chuyển nguồn sang năm sau; thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu ngân sách của các địa phương; đồng thời xây dựng kế hoạch khai thác tăng thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, huy động kịp thời các nguồn thu vào ngân sách, không để nợ mới phát sinh.

Tiếp tục tập trung các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Trong đó quan tâm tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành những công trình trọng điểm và các chương trình, dự án mục tiêu từ nguồn vốn của Chính phủ. Ưu tiên bố trí thanh toán nợ xây dựng cơ bản, các khoản nợ vay, tạm ứng ngân sách địa phương khi đến hạn thanh toán; tăng cường công tác quản lý đầu tư, giám sát thi công, thanh tra trong và sau đầu tư.

Thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công và các quy định về quản lý vốn đầu tư; nâng cao chất lượng tham mưu, thẩm định, trình duyệt chủ trương đầu tư các dự án; chỉ quyết định chủ trương đầu tư khi đã thẩm định, làm rõ nguồn vốn và khả năng cân đối, bố trí vốn cho từng chương trình, dự án, bảo đảm dự án được phê duyệt có đủ nguồn lực thực hiện. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích người dân, nhà đầu tư và nhà nước làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công, bảo đảm lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch và có đầy đủ năng lực thực hiện dự án. Kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với những nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết, làm chậm tiến độ dự án.  Kịp thời có kế hoạch duy tu, sửa chữa các công trình giao thông bị ảnh hưởng do mưa lũ, sạt lở nhất là tuyến giao thông huyết mạch, đảm bảo được thông suốt.

Điều hành quản lý nhà nước:

Triển khai nhanh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; tăng cường các giải pháp tích cực, hiệu quả hơn nữa nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của 2 năm (2019 - 2020) và các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập theo định hướng phát triển, gắn với việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc theo Đề án của Tỉnh ủy về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.

Phát huy tối đa tinh thần khởi nghiệp, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp về thủ tục hình chính, chính sách tín dụng, đất đai…, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh một cách thuận lợi, hiệu quả; tăng cường mời gọi, thu hút, giữ chân các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn về đầu tư tại địa phương.

Quan tâm tăng cường các giải pháp xử lý khẩn cấp, hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn đê bao, tính mạng và tài sản của người dân; nhanh chóng có phương án di dời, sắp xếp để người dân trong khu vực bị sạt lở ổn định cuộc sống. Đồng thời tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác tài nguyên, khoáng sản và môi trường, nhất là tình trạng khai thác cát trái phép.

Tăng cường công tác quản lý đất đai, đặc biệt là đối với việc thu hồi đất để triển khai thực hiện các dự án phải đảm bảo, hạn chế thấp nhất tình trạng các dự án đã có chủ trương nhưng phải điều chỉnh hoặc bị hủy bỏ do không thực hiện được.

Sớm tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 48/2018/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành quy định về quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh An Giang.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý chặt chẽ hóa chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm, đặc biệt là đối với mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp tết sắp đến… xử lý nghiêm tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả nhập khẩu góp phần ổn định thị trường, giảm thiệt hại cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp./.

NGUYỄN NGUYỄN