Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Kỳ họp thứ 11: Nhiều góp ý tích cực của đại biểu Hội đồng nhân dân cho giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Ngày đăng 16/07/2019

Xem với cở chữ : A- A A+
Theo Chương trình kỳ họp, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiến hành họp tiếp tục thảo luận đóng góp ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2019 và các tờ trình có liên quan. Nhìn chung, các đại biểu cơ bản thống nhất với các báo cáo, tờ trình của UBND, đồng thời có một số ý kiến đóng góp như sau:

Có ý kiến cử tri phản ảnh, việc xử lý đối với các Hợp tác xã ngưng hoạt động vẫn còn chậm, đề nghị UBND tỉnh giao trách nhiệm cụ thể sở, ngành xử lý giải thể dứt điểm các HTX yếu kém hoặc ngưng hoạt động. Kiểm tra việc thành lập mới các HTX có đúng với nhu cầu thực tế hay thành lập chỉ nhằm mục đích đạt chuẩn "nông thôn mới".

 

Responsive image

Thảo luận sôi nổi tại tổ 2

 

Quan tâm đầu tư 3 hồ chứa nước tại xã Lê Trì, An Tức, Cô Tô nhằm phát triển thủy lợi vùng cao phục vụ sản xuất cho đồng bào dân tộc; nghiên cứu xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển giao thông nội đồng. Hiện nay, giá lúa đang xuống thấp, trong khi lúa là mặt hàng chủ lực của tỉnh. Do vậy, đề nghị có giải pháp ổn định giá lúa để người dân sản xuất có lợi nhuận.

Việc ban hành Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang là cần thiết trong tình hình hiện nay, Tuy nhiên đề nghị cần lưu ý, nghiên cứu khi chính sách ban hành các đối tượng thụ hưởng dễ tiếp cận tránh trường hợp khi ban hành chính sách nhưng không thực hiện được.

Nông nghiệp của tỉnh hiện chưa thực sự bền vững, do vậy UBND tỉnh cần có công tác định hướng thị trường để người nông dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường; quan tâm hỗ trợ người dân quản lý, duy trì chất lượng sản phẩm xoài để tiếp tục xuất khẩu trong thời gian tới; có giải pháp đầu tư hệ thống kho tạm trữ lúa, tránh để xảy ra tình trạng bán lúa tươi đồng loạt tại đồng, dẫn đến thừa cục bộ hoặc bị thương lái ép giá.

Tri Tôn là huyện nghèo, đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư nhiều hơn để rút ngắn khoảng cách nông thôn và thành thị; đồng thời phân cấp ngân sách cho huyện được hưởng 100% nguồn thu từ cấp quyền khai thác tài nguyên để đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện.

Hiện nay 3 Trạm Y tế xã: An Tức, thị trấn Tri Tôn và Châu Lăng đang xuống cấp, không đảm bảo công tác khám chữa bệnh. Do vậy, đề nghị sớm đầu tư xây dựng. Đề nghị Sở Nội vụ sớm khảo sát để công nhận xã an toàn khu trên địa bàn huyện Tri Tôn. Ý kiến đại biểu cũng phản ảnh, thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều phức tạp, tình trạng phân biệt đối xử trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh dịch vụ vẫn còn xảy ra ở các bệnh viện. Đề nghị Sở y tế cho biết hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh thời gian qua như thế nào. Giải pháp trong thời gian tới./.

NGUYỄN NGUYỄN