Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Về tăng cường công tác quản lý, giáo dục và có các biện pháp quyết liệt hơn để hạn chế mức thấp nhất người sử dụng ma túy

Ngày đăng 23/05/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Ý kiến của cử tri: Tình hình người nghiện ma túy hiện nay ngày càng gia tăng và càng trẻ hóa làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tình hình an ninh trật tự tại địa phương, bên cạnh đó theo quy định hiện nay người nghiện được xem là người bệnh, nên tâm lý của người nghiện càng xem thường hơn. Do đó đề nghị ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, giáo dục và có các biện pháp quyết liệt hơn để hạn chế mức thấp nhất người sử dụng ma túy; tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao ý thức người dân, trách nhiệm của gia đình không tham gia và sử dụng ma túy.

Ngày 25/3/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh có báo cáo số 160/BC-UBND về việc tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp cuối năm 2021 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 như sau:

Trong năm 2021, các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh, phòng chống ma túy trên địa bàn tỉnh, đã điều tra khám phá nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, hoạt động của các lực lượng chức năng có phần bị hạn chế, nhất là công tác quản lý giáo dục người nghiện ma túy; trên tuyến biên giới do đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép của lực lượng chức năng đã làm hạn chế hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua tuyến biên giới tỉnh An Giang với Vương quốc Campuchia; nhưng trong nội địa tình hình hoạt động của tội phạm ma túy và người nghiện ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp; tội phạm ma túy triệt để lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện như bar, vũ trường, điểm karaoke để mua bán, tổ chức sử dụng và sử dụng trái phép chất ma túy với phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Ban Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an toàn tỉnh đã làm tốt công tác tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó:

- Trong năm 2021, đã phát hiện, điều tra khám phá bắt giữ tăng 17,4% (273/245 vụ), liên quan 461 đối tượng hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; thu giữ nhiều tang vật có liên quan. Đã tiến hành thử test 3.110 người nghi vấn sử dụng các chất ma túy, phát hiện dương tính 2.118 người (phát sinh 1.072 người). Đã lập hồ sơ đưa vào Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh 460 người; áp dụng Nghị định số 111/CP 723 người; Nghị định số 221/CP 552 người; xử lý vi phạm hành chính 283 người với số tiền 193,8 triệu đồng; cho gia đình bảo lãnh 100 người.

- Từ đầu năm 2022 cho đến nay, đã phát hiện, bắt giữ 36 vụ, liên quan 52 đối tượng có hành vi hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; thu giữ nhiều tang vật có liên quan. Đã tiến hành thử test 510 người nghi vấn sử dụng các chất ma túy, phát hiện dương tính 307 người. Đã lập hồ sơ đưa vào Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh 235 người; áp dụng Nghị định số 111/CP 02 người; Nghị định số 221/CP 33 người; xử lý vi phạm hành chính 27 người với số tiền 22 triệu đồng; cho gia đình bảo lãnh 09 người. Tính đến ngày 14/3/2022 trên địa bàn toàn tỉnh có 3.532 người nghiện, trong đó có 35 đối tượng có biểu hiện ngáo đá.

* Khó khăn, vướng mắc

- Hiện nay, số người nghiện ma túy tiếp tục tăng, trẻ hoá và có nhiều thủ đoạn đối phó, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc lập hồ sơ xử lý (như nhịn tiểu, khai báo có bệnh lý, tự gây thương tích, nuốt dị vật vào bao tử…). Do đó, chưa kéo giảm được số người nghiện ma tuý để kéo giảm “nguồn cầu” tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết tận gốc tội phạm về ma tuý và các tội phạm phát sinh do tệ nạn ma tuý, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản, Cướp, cướp giật tài sản…

- Mặc dù Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động tích cực trong công tác đấu tranh với TPMT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhưng đến nay công tác tham mưu, nhất là tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công tác PCMT vẫn chưa đạt hiệu quả cao như tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 36-CT/TW về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát ma tuý”.

- Công tác phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý giữa các lực lượng, các ngành, các cấp có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa quyết liệt trong đấu tranh PCMT. Công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về tác hại ma tuý của một số địa phương thực hiện còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, nhất là công tác phối hợp với gia đình, đoàn thể, nhà trường trong công tác tuyên truyền, quản lý, giáo dục con em họ không tham gia tệ nạn ma tuý.

* Giải pháp trong thời gian tới

- Tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo các ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát ma túy; chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trọng tâm là tập trung tổ chức quán triệt các quy định mới của Luật PCMT 2021 cho các ngành, các cấp để nâng cao nhận thức, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia công tác phòng, chống ma túy; trong đó, khẩn trương tham mưu tổ chức triển khai, quán triệt các quy định mới của Luật PCMT cho Công an các cấp tại địa phương, đặc biệt là Công an cấp xã.

- Tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tốt công tác phòng ngừa và cai nghiện ma túy để kiềm chế, ngăn chặn sự gia tăng của tệ nạn ma túy trong thời gian tới; nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả Hướng dẫn số 01/HD-C02-C04 của Cục Cảnh sát Hình sự và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý về thực hiện một số mặt công tác nghiệp vụ cơ bản phục vụ phòng, chống tội phạm hình sự, ma túy của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn và hướng dẫn rà soát, xác định điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.

- Tăng cường phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy, nhất là về tác hại của các loại ma túy, tập trung trên tuyến biên giới; các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, đồng bào vùng sâu, vùng xa, lồng ghép công tác phòng, chống ma túy với thực hiện các chương trình mục tiêu khác. Trong đó: (1) Phối hợp với Sở Y tế báo cáo, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ sung nguồn lực, tổ chức đào tạo, tập huấn đảm bảo đủ bác sỹ, y sỹ có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện, bố trí, đầu tư trang thiết bị y tế cho tuyến cơ sở để phục vụ công tác xác định định tình trạng nghiện. (2) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân tỉnh có kế hoạch đầu tư, nâng cấp, mở rộng cơ sở cai nghiện để đáp ứng nhu cầu phát sinh số lượng người nghiện theo quy định mới.

- Tăng cường chỉ đạo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan như: Biên phòng, Hải quan tổ chức các hoạt động điều tra, nắm tình hình hình; tăng cường công tác trao đổi thông tin để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động thẩm lậu ma túy qua biên giới tích cực hỗ trợ lẫn nhau trong công tác điều tra, xử lý các vụ việc có liên quan được phát hiện, bắt giữ, xử lý đúng quy định của pháp luật.

- Duy trì tốt mối quan hệ, trao đổi thông tin với Công an hai tỉnh CầnĐal và TàKeo của Vương quốc Campuchia để kịp thời phát hiện, phối hợp xác minh, xử lý các đối tượng, đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy có liên quan giữa hai bên.

Kim Yến