Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Sở LĐTBXH trả lời ý kiến của Tổ về đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19

Ngày đăng 02/12/2021

Xem với cở chữ : A- A A+
Ý kiến của Tổ đại biểu HĐND tỉnh: “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ; tăng cường công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, đảm bảo an sinh xã hội.”

Ngày 30/11/2021, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có công văn số 3011/SLĐTBXH-KHN về việc giải trình ý kiến, kiến nghị của Đại biểu HĐND qua thảo luận của Tổ trước kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2021 như sau:

Thực hiện Kế hoạch số 437/KH-UBND ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh An Giang, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành liên quan đã chủ động ban hành các văn bản để triển khai, hướng dẫn cụ thể các chính sách tới các cấp, các ngành, các địa phương; UBND cấp huyện đã cụ thể kế hoạch bám sát theo hướng dẫn chỉ đạo, triển khai nhanh việc hỗ trợ trực tiếp đến người dân trên địa bàn. Tính đến ngày 26/11/2021, toàn tỉnh đã quyết định phê duyệt hỗ trợ đối với 1.633 doanh nghiệp, 7.082 hộ kinh doanh, 300.205 người lao động (trong đó lao động tự do 209.589 người) với số tiền 443.303.998.224 đồng. Đã thực hiện hỗ trợ 1.633 doanh nghiệp, 1.559 hộ kinh doanh, 248.670 người (trong đó lao động tự do 178.876 người) với số tiền 312.386.228.224 đồng, đạt tỷ lệ 83%.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, góp phần hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sớm tiếp cận được các chính sách hỗ trợ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn số 2109/SLĐTBXH-LĐVL ngày 30/8/2021 đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản số 1275/UBND-KGVX ngày 04/11/2021 yêu cầu UBND các huyện thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động, áp dụng linh hoạt hình thức đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo trực tiếp, chia nhỏ nhóm thực hành, đào tạo gắn với các mô hình nông thôn ở các địa phương ít bị ảnh hưởng dịch bệnh… Trong năm, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp là 13.225 người, đạt 107% chỉ tiêu Nghị quyết. Trong đó: hỗ trợ khoảng 2.071 lao động nông thôn, kinh phí trên 1.500 triệu đồng; đào tạo nghề trình độ ngắn hạn (sơ cấp, thường xuyên dưới 03 tháng); theo đơn đặt hàng 03 doanh nghiệp (gồm: Công ty TNHH thương mai - dịch vụ và sản xuất Hồng Ngọc, Công ty TNHH Phát triển lộc Kim Chi, Xí nghiệp may An Giang) khoảng 140 học viên, kinh phí hỗ trợ 168 triệu đồng. Đặc biệt, thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ 234 lao động, kinh phí 1.458 triệu đồng cho 02 doanh nghiệp (Công ty TNHH NV Apparel và Công ty TNHH MTV Cầu đường Cơ khí An Giang).

Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho người lao động thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, tập trung  thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, đảm bảo an sinh xã hội./.

Kim Yến