Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 8 (giữa năm 2022) HĐND tỉnh

Ngày đăng 14/07/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Thực hiện Công văn số 96/HĐND-TT, ngày 06/7/2022 của HĐND tỉnh về việc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 (giữa năm 2022) Hội đồng nhân dân tỉnh, và Công văn số 738/UBND-TH ngày 07/07/2022 của UBND tỉnh về trả lời chất vấn tại kỳ họp lần thứ 8 (giữa năm 2022) HĐNĐ tỉnh. Sau khi rà soát, Sở Nông nghiệp và PTNT xin báo cáo về việc trả lời chất vấn các nội dung liên quan đến ngành nông nghiệp tại kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân tỉnh, cụ thể như sau:

1.  Đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết công tác kiểm tra và xử lý vi phạm các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, hàng giả trong thời gian qua; biện pháp hiệu quả nào để quản lý chặt chẽ việc niêm yết giá vật tư nông nghiệp.

Trước tình hình giá vật tư nông nghiệp biến động tăng giá sẽ tác động đến chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp; Sở Nông nghiệp và PTNT luôn quan tâm, chỉ đạo Thanh tra Sở và các Chi cục có chức năng thanh tra chuyên ngành tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN), kết quả cụ thể như sau:

1.1. Công tác kiểm tra và xử lý vi phạm:  

1.1.1. Sở Nông nghiệp và PTNT:

Trong 06 tháng đầu năm 2022, đã kiểm tra là 243 cơ sở, qua đó đã phát hiện và xử lý 80 trường hợp vi phạm với số tiền phạt là 1.449,18 triệu đồng; đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như buộc thu hồi tiêu hủy hàng hóa vi phạm bao gồm: hàng giả, hàng ngoài danh mục và đình chỉ lưu thông theo quy định pháp luật. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chuyển hồ sơ đến Công an tỉnh An Giang để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật 02 vụ gồm: 02 tổ chức và 03 cá nhân đã có hành vi vi phạm kinh doanh phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng.

Nội dung vi phạm chủ yếu phát hiện qua kiểm tra như: kinh doanh thuốc BVTV không đủ điều kiện kinh doanh (03 hành vi); kinh doanh phân bón giả không có giá trị sử dụng công dụng (07 hành vi); phân bón không có quyết định lưu hành (15 hành vi); phân bón có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (16 hành vi); phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nhãn ghi thông tin không đúng bản chất sự thật (37 hành vi);

1.1.2. Cục Quản lý Thị trường: Kiểm tra đột xuất lĩnh vực phân bón, phát hiện 02 vụ buôn bán phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, phạt tiền 160,50 triệu đồng và chuyển hồ sơ 01 vụ đến Công an tỉnh An Giang điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

1.1.3. Công tác phối hợp:

Thực hiện quy định tại Điều 10 của Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa được ban hành kèm theo Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ngày 15/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đối với hành vi vi phạm chất lượng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai, thực hiện các nội dung như sau:

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 635/UBND-NC ngày 13/6/2022 gửi UBND tỉnh Long An về việc phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất.

- Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang đã có Công văn đề nghị đến Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trong việc tăng cường kiểm tra cơ sở đã bị phát hiện tại tỉnh An Giang. Qua đó, 02 tỉnh Long An và Sóc Trăng đã tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 01 tổ chức, 02 hộ kinh doanh có hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng đóng trên địa bàn theo công văn đề nghị của tỉnh An Giang, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tước giấy phép sản xuất phân bón vô cơ trong thời hạn 10,5 tháng đối với 01 tổ chức vi phạm.

1.2. Biện pháp quản lý chặt chẽ việc niêm yết giá vật tư nông nghiệp:

Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp các đơn vị: Cục Quản lý thị trường, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế tiến hành kiểm tra việc thực niêm yết giá VTNN. Kết quả, đã xử phạt vi phạm hành chính 23 trường hợp vi phạm về hành vi không niêm yết giá, số tiền phạt 31,25 triệu đồng.

Trong thời gian tới các Sở, ngành và địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 80/QĐ-UBND ngày 14/11/2017 của UBND tỉnh về ban hành quy định quản lý nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh An Giang (đính kèm Quyết định số 80/QĐ-UBND), trong đó, chú trọng các nội dung sau:

- Tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện đăng ký, kê khai giá theo quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, ngày 14/11/2013, của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá; và tại điểm c khoản 2 Điều 19 của Quy định quản lý nhà nước về giá trên địa bàn An Giang được ban hành theo Quyết định số 80/QĐ-UBND, ngày 14/11/2017 của UBND tỉnh về ban hành quy định quản lý nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các Sở, ban ngành và địa phương thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước về quản lý giá cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý; kiểm tra việc đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá theo quy định, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về giá theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

1.3. Giải pháp kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp từ nay đến cuối năm 2022 và những năm tiếp theo như sau:

- Tiếp tục kiểm tra chất lượng VTNN theo Quyết định số 27/QĐ-SNNPTNT ngày 18/01/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh VTNN trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai, thực hiện 04 lớp tập huấn cho công chức, viên chức, kỹ thuật viên cấp xã; cán bộ hội nông dân, hội phụ nữ, tỉnh đoàn các cấp để lực lượng này tuyên truyền cho người dân cách nhận biết hàng gian, hàng giả và sử dụng VTNN tiết kiệm và hiệu quả.

- Tăng cường công tác tiếp nhận và xử lý thông tin theo quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT và Công an tỉnh để xử lý kịp thời, hiệu quả các trường hợp vi phạm; tiếp tục tuyên truyền số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử, niêm yết tại trụ sở chính quyền các cấp và một số nơi công cộng để mọi người dân khi phát hiện sẽ báo tin đến ngành chức năng xử lý kịp thời theo quy định. Thực hiện kiểm tra, giám sát việc niêm yết số điện thoại đường dây nóng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN trong tỉnh theo thông báo của Sở Nông nghiệp và PTNT.

- Tăng cường công tác nắm bắt, xử lý thông tin, trong đó chú trọng việc phản ánh về chất lượng VTNN, về niêm yết giá ...v.v..., qua đó chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng để thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Kịp thời phát hiện, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh An Giang, Cục Quản lý thị trường, các sở, ban, ngành và địa phương trong việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển VTNN, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

- Phối hợp với UBND huyện, thị, thành phố trong việc tăng cường công tác kiểm tra hoạt động buôn bán VTNN trên địa bàn. Tiếp tục hướng dẫn và kiểm tra cơ sở buôn bán VTNN thực hiện kê khai giá và niêm yết giá theo quy định pháp luật.

2. Đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản hiện nay đang thực hiện ra sao. Công tác kiểm tra và xử lý vi phạm đối vơi hoạt động khai thác bằng các loại hóa chất độc hại, thiết bị, ngư cụ khai thác có tính tận diệt.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên quan tâm chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Thủy sản tham mưu, đề xuất triển khai, thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, kết quả như sau:

2.1. Công tác kiểm tra hoạt động khai thác bảo vệ nguồn lợi

2.1.1. Sở Nông nghiệp và PTNT:

Trong giai đoạn 2017-2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành 08 Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đã chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường, Phòng Cảnh sát Đường thủy thuộc Công an tỉnh triển khai kiểm tra hoạt đông khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc tuyến sông Hậu, sông Tiền, sông Vàm Nao, rạch Ông Chưởng và các hệ thống kênh rạch tại các huyện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các điểm nóng về khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm. Kết quả đã triển khai 82 đợt kiểm tra với 502 phương tiện khai thác thủy sản được kiểm tra. Qua kiểm tra phát hiện 54 phương tiện vi phạm về tàng trữ công cụ kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản, sử dụng điện trực tiếp từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản,... Sở Nông nghiệp và PTNT đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 54 trường hợp, với số tiền phạt là 233,50 triệu đồng và tịch thu: 08 bình acquy, 45 dynamo, 05 kích điện và 817m dây diện, cụ thể: năm 2017: 17 trường hợp vi phạm, năm 2018: 13 trường hợp vi phạm, năm 2019: 08 trường hợp vi phạm, năm 2020: 10 trường hợp vi phạm.

Từ năm 2021 đến 06 tháng đầu năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành 02 Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thực hiện tuần tra, kiểm soát các tuyến sông, rạch tại các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã triển khai 06 đợt, kiểm tra 141 phương tiện, qua kiểm tra phát hiện 06 trường hợp vi phạm, với số tiền phạt 85,00 triệu đồng và tịch thu: 03 bình acquy, 01 dynamo, 04 kích điện và 162m dây diện.

2.1.2. UBND huyện, thị, thành phố:

- Trong năm 2021 đến 06 tháng đầu năm 2022, các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai 234 lượt kiểm tra. Qua kiểm tra 260 phương tiện khai thác thủy sản đã phát hiện 16 trường hợp sử dụng công cụ kích điện, sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt là 46,00 triệu đồng và tịch thu: 04 Dynamo, 12 xuyệt điện, 15 bình ắc quy và 24 cần xuyệt.

2.2. Giải pháp thực hiện trong thời gian tới:

  • Tiếp tục triển khai, thực hiện các nhiệm vụ tại Công văn số 1015/UBND-KTN ngày 28/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang, trong đó cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của các Sở, ngành và UBND huyện thị, thành phố để tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

- Chủ trì, tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với hành vi sử dụng hoá chất cấm, chất độc, xung điện, ngư cụ khai thác có tính huỷ diệt, tận diệt để khai thác thuỷ sản theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

- Tăng cường công tác tiếp nhận và xử lý thông tin theo quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT và Công an tỉnh để xử lý kịp thời, hiệu quả các trường hợp vi phạm; tiếp tục tuyên truyền số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử, niêm yết tại trụ sở chính quyền các cấp và một số nơi công cộng để mọi người dân khi phát hiện sẽ báo tin đến ngành chức năng xử lý kịp thời theo quy định.

- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; đẩy mạnh nội dung tuyên truyền về bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; ngăn chặn phát tán các loài thủy sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại và xâm hại môi trường, với các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng phù hợp với thực tế.

- Hằng năm Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành, đoàn thể, các địa phương các tổ chức tôn giáo trong tỉnh tổ chức các đợt thả cá để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Trong năm 2022 này, UBND tỉnh đã có chủ trương thống nhất giao Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang phối hợp với Tổng cục Thủy sản, tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ để thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản vào lúc 07 giờ ngày 12/8/2022 nhằm ngày Lễ Vu lan – rằm tháng 7 âm lịch, tại Vàm Cống, nơi tiếp giáp 03 tỉnh An Giang, Cần Thơ và Đồng tháp.

- Đối với địa bàn giáp ranh với tỉnh Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ, Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang tiếp tục thực hiện kế hoạch phối hợp kiểm tra khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giữa 03 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ nhằm tránh tình trạng ngư dân sử dụng ngư cụ cấm khai thác thủy sản khi phát hiện đoàn kiểm tra của tỉnh này sẽ chạy trốn qua địa bàn tỉnh khác.

- Ngày 18/01/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản, trong đó quy định một số loại nghề cấm và ngư cụ cấm trong vùng nước nội địa (đính kèm Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT), thời hạn áp dụng 01/01/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đang chủ trì, phối hợp các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên tuyền đến các ngư dân đóng trên địa bàn tỉnh biết, tiến hành thay đổi các ngư cụ để đánh bắt thủy sản trong vùng nước nội địa phù hợp quy định. Sau ngày 01/01/2023 Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.

Nguồn: Văn bản số 1265/SNNPTNT-KHTC ngày 08 tháng 7 năm 2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn