Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Tư pháp trả lời ý kiến cử tri về công tác phổ biến pháp luật

Ngày đăng 24/03/2021

Xem với cở chữ : A- A A+
Ngày 30/12/2020, Bộ Tư pháp có văn bản số 4907/BTP-VP trả lời ý kiến của cử tri An Giang gửi tới trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Cử tri An Giang có ý kiến:

Cử tri có ý kiến tiếp tục đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua nhiều kênh khác nhau với mục đích để cho các đối tượng yếu thế, người dân tộc, người ít học ở các vùng sâu, vùng xa tiếp cận được về các quy định của pháp luật nhất là các hành vi bị điều chỉnh bởi Bộ Luật Hình sự.

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Những năm qua, nhất là sau khi Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được ban hành và có hiệu lực pháp luật, công tác PBGDPL đã được Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương chú trọng triển khai thực hiện; nội dung, hình thức PBGDPL được đổi mới, hiệu quả được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật của cán bộ, Nhân dân, nhất là phổ biến, quán triệt các Luật, Pháp lệnh mới được ban hành. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các chương trình, đề án về PBGDPL để tập trung nguồn lực nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật trong Nhân dân, trong đó chú trọng đối tượng yếu thế, người dân tộc, người ít học ở các vùng sâu, vùng xa tiếp cận được các quy định của pháp luật.

Các địa phương đã triển khai PBGDPL cho đối tượng yếu thế, người dân tộc, người ít học ở các vùng sâu, vùng xa thông qua nhiều hình thức có hiệu quả, nhất là PBGDPL thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý.

Tuy nhiên, ở một số nơi việc triển khai vẫn còn hình thức, chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao, chưa đến được các đối tượng còn hạn chế về khả năng tiếp cận pháp luật nêu trên. Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác PBGDPL về các nội dung thiết thực, đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, trong đó có quy định của Bộ luật Hình sự theo tinh thần đổi mới, đa dạng hóa hình thức, cách thức thực hiện, phù hợp với quy định của Kết luận số 80-KL/TW ngày 06/10/2020 của Ban Bí thư. Trong đó, xác định ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL là giải pháp cơ bản, mấu chốt nhằm cập nhật, cung cấp thông tin trực tiếp, nhanh nhạy, dễ dàng và thống nhất cho người dân truy cập, tìm hiểu pháp luật. Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo triển khai các cách thức cụ thể khác như biên soạn, cung cấp tài liệu PBGDPL (bao gồm tài liệu được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số); tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; thông qua hệ thống thiết chế thông tin cơ sở, các phương tiện thông tin đại chúng, các phương tiện cổ động trực quan.

Đồng thời, chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật có kỹ năng PBGDPL chuyên biệt cho đối tượng đặc thù, yếu thế gắn với huy động đội ngũ chuyên gia pháp luật, trợ giúp viên pháp lý, hòa giải viên cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng dân cư (già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo…), đội ngũ bộ đội biên phòng, công an cấp xã… trong phổ biến pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở…Trong thời gian tới, nghiên cứu, hướng dẫn chỉ đạo điểm xây dựng mô hình PBGDPL có hiệu quả tại miền núi, vùng dân tộc thiểu số để đánh giá, nhân rộng việc thực hiện.

Bộ Tư pháp đề nghị cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát việc thực hiện Luật PBGDPL, các chương trình, đề án về PBGDPL, nhất là trong quá trình triển khai thực hiện trách nhiệm được giao theo Luật và các hoạt động PBGDPL tại địa bàn để công tác này được triển khai thường xuyên, hiệu quả; khắc phục tính hình thức, đến được với các đối tượng cần chú trọng quan tâm phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật. Bộ Tư pháp cũng đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, nhất là đối với đối tượng đặc thù, yếu thế; bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí bảo đảm để triển khai thật tốt công tác PBGDPL cho Nhân dân, đáp ứng mong muốn mà cử tri đã nêu./.

Nguyễn Linh