Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Bộ Tư pháp trả lời kiến nghị Về quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH là không phù hợp với quy định của văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn

Ngày đăng 08/03/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
Cử tri kiến nghị: “Tại điểm a khoản 2 Điều 24 của Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định: Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở; tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thành lập, giải thể; tổ chức hoạt động, khung danh mục vị trí việc làm và định mức số người làm việc; nội dung, quy chế; mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành quản học viên; trang phục của viên chức, người lao động tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập quy định UBND tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ sở cai nghiện ma túy công lập thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Như vậy, việc quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH là không phù hợp với quy định của văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn (Nghị định số 120/2020/NĐ-CP) và văn bản cùng cấp ban hành trước (Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH) quy định về cùng vấn đề”.

Bộ Tư pháp trả lời như sau:

Nội dung kiến nghị của địa phương liên quan đến vướng mắc, bất cập trong quy định tại Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội ban hành, vấn đề này, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:

1. Việc ban hành 02 Thông tư nêu trên có cơ sở pháp lý như sau:

- Một trong các căn cứ pháp lý để ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH là Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ).

Theo đó, điểm d khoản 1 Điều 4 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 107/2020/NĐ-CP) quy định một trong các trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh là trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “d) Dự thảo quyết định quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở; dự thảo quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở”.

- Một trong các căn cứ pháp lý để ban hành Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH là Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, tại điểm a khoản 2 Điều 24 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh “a) Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản 4 và khoản 5 Điều 2 Nghị định này theo quy định của pháp luật” trong đó có đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tại điểm b khoản 4 Điều 5).

Như vậy, nội dung quy định không thống nhất giữa 02 Thông tư trên xuất phát từ quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và Nghị định số 24/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 107/2020/NĐ-CP).

2. Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã trao đổi với Bộ Nội vụ về sự thiếu thống nhất tại 02 Nghị định do Chính phủ ban hành. Hiện nay, Bộ Nội vụ đã tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ sửa đổi các quy định nêu trên để đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý nôi dung mâu thuẫn tại 02 Thông tư nêu trên.

Ngoài ra, đề nghị địa phương căn cứ khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) để áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề.

Kim Yến