Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Ngày đăng 04/08/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Căn cứ Văn bản số 36/ĐĐBQH-VP ngày 04 tháng 7 năm 2022 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về việc chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khoá XV. Ủy ban nhân dân tỉnh giải trình, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khoá XV như sau:

1. Cử tri kiến nghị không cho phép khai thác cát bờ sông Hậu thuộc khu vực xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân và xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú vì gây ra nhiều hậu quả về sạt lở bờ sông.

Khu vực này hiện nay có 03 khu mỏ cát sông đang triển khai thực hiện các thủ tục để cấp phép khai thác khoáng sản, tình hình thực hiện của các khu mỏ như sau:

(1) Khu vực trên sông Hậu thuộc phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc và xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân (khu thượng nguồn), diện tích 38 ha đã được UBND tỉnh phê duyệt Phương án lựa chọn đơn vị để cấp phép thăm dò tại khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Quyết định số 181/QĐ-UBND ngày 28/01/2021 để phục vụ cho các công trình xây dựng cụm tuyến dân cư (TDC) vượt lũ giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện An Phú với 05 dự án (TDC ấp Thạnh Phú - xã Khánh An, TDC Trung tâm xã Khánh An, CDC ấp Tân Khánh - thị trấn Long Bình, TDC dân tộc Chăm xã Đa Phước, TDC dân tộc Chăm xã Quốc Thái). Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ nông nghiệp Thủ Tuyền là đơn vị được lựa thực hiện, đã được UBND tỉnh cấp phép thăm dò khoáng sản theo Giấy phép số 369/GP-UBND ngày 30/6/2021 và phê duyệt trữ lượng tại Quyết định số 3076/QĐ-UBND ngày 24/12/2021, trữ lượng khoáng sản được phê duyệt là 1.844.880 m3. Hiện nay, Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ nông nghiệp Thủ Tuyền đã lấy ý kiến của Cục đường thủy nội địa Việt Nam về khu vực khai thác; đồng thời, Công ty đang chỉnh sửa theo ý kiến hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án khai thác khoáng sản tại khu mỏ nêu trên.

(2) Khu vực trên sông Hậu thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân (khu hạ nguồn), diện tích 38 ha đã được UBND tỉnh phê duyệt Phương án lựa chọn đơn vị để cấp phép thăm dò tại khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Quyết định số 182/QĐ-UBND ngày 28/01/2021 để phục vụ cho tuyến N1, tuyến QL91C. Công ty TNHH thương mại Tân Hồng là đơn vị được lựa thực hiện, đã được UBND tỉnh cấp phép thăm dò khoáng sản theo Giấy phép số 539/GP-UBND ngày 01/9/2021 và phê duyệt trữ lượng tại Quyết định số 3068/QĐ-UBND ngày 24/12/2021, trữ lượng khoáng sản được phê duyệt là 2.067.610 m3. Hiện nay, Công ty TNHH thương mại Tân Hồng đã lấy ý kiến của Cục đường thủy nội địa Việt Nam về khu vực khai thác; đồng thời đang được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án khai thác khoáng sản tại khu mỏ nêu trên.

(3) Khu vực trên sông Hậu thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, diện tích 58,3 ha được UBND tỉnh đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu là đơn vị trúng đấu giá, Công ty đã được UBND tỉnh cấp giấy phép thăm dò khoáng sản số 516/GP-UBND ngày 17/8/2021 và phê duyệt trữ lượng tại Quyết định số 988/QĐ-UBND ngày 13/5/2022, trữ lượng phê duyệt 1.832.718 m3. Hiện nay, Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu đã lấy ý kiến của Cục đường thủy nội địa Việt Nam về khu vực khai thác; đồng thời, đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, lấy ý kiến cộng đồng dân cư và tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường trên trang website của Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Các khu vực này đều thuộc Quy hoạch điều chỉnh, bổ sung thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh An Giang giai đoạn 2008 – 2020, định hướng đến năm 2030 được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua theo Nghị quyết số 48/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 và UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 143/QĐ-UBND ngày 11/01/2017. Theo quy định trước khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản thì các tổ chức phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án khai thác khoáng sản tại khu mỏ nêu trên theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, trong đó phải thực hiện nội dung đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ, từ đó đề xuất phương án và các cam kết trong quá trình thực hiện, đảm bảo việc khai thác phải an toàn, không ảnh hưởng đến người dân tại khu vực dự án, nếu xảy ra sự cố có ảnh hưởng đến người dân phải bồi thường thiệt hại.

Hiện nay, người dân lo ngại việc khai thác cát sẽ gây sạt lở. Tuy nhiên nguyên nhân gây sạt lở đã được các nhà khoa học đánh giá chủ yếu là do yếu tố tự nhiên và con người: (1) Yếu tố tự nhiên: diễn biến thời tiết bất thường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu, yếu tố thủy lực, dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông, vận động kiến tạo. Tỉnh An Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất trẻ, nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh; sự tác động của sông nước, biên độ chênh lệch của đỉnh triều – chân triều và nhiều dòng sông giao nhau làm cho dòng chảy không bình thường, tạo ra dòng chảy xoáy; (2) Yếu tố con người: hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (ghe tàu, khai thác cát trái phép, hoạt động xây dựng, vận tải 02 bên bờ sông...). Dân cư phát triển nhanh, tăng mật độ xây dựng nhà ở bê tông kiên cố, xây dựng công trình kho bãi nhà máy, công trình giao thông, chất tải gần bờ sông làm tăng tải trọng vượt khả năng chịu tải của bờ sông; việc gia tăng phương tiện giao thông trên bờ, dưới sông gây chấn động và sóng, … là những nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất ven sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn sắp tới trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao và việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng: Khu công nghiệp của tỉnh (Khu công nghiệp Vàm Cống 200 ha, Khu công nghiệp Xuân Tô: 157 ha, Khu công nghiệp Hội An 100 ha, Khu công nghiệp Bình Long 150 ha, Khu công nghiệp Bình Hòa 250 ha…) và Giao thông kết nối kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các tuyến đường tỉnh vào tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ, đường vành đai cụ thể như: Đường cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng (dài 145km); Quốc lộ 91 (dài 52km); Quốc lộ 91C; tuyến N1 chạy dọc biên giới Việt Nam-Campuchia, đoạn qua tỉnh An Giang (dài khoảng 65km); đường tỉnh 941, 943, 944, 945, 946, 947, 948, 951, 957, 955A, 955B… và hệ thống giao thông nông thôn cần khối lượng cát san lấp rất lớn với khoảng hơn 40 triệu m3.

Do đó, cần huy động trữ lượng tài nguyên từ mỏ cát, nạo vét thông luồng và chỉnh trị dòng chảy để tận thu nguồn vật liệu san lấp cho nhu cầu trên nhưng vẫn cần phải thực hiện hài hòa câu chuyện khai thác cát và phòng chống sạt lở. UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo thực hiện các nội dung như sau: (1) Liên tục nâng cao năng lực và thường xuyên quan trắc cảnh báo, dự báo sạt lở. Công bố các đoạn có nguy cơ sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm, trung bình. Thường xuyên cập nhật địa hình, thủy văn các sông chính làm cơ sở đánh giá sạt lở và quy hoạch lại hoạt động khai thác cát sông (chú trọng giám sát chặt khai thác cát trái phép). Các ngành, địa phương căn cứ kết quả cảnh báo, chủ động kế hoạch ứng phó theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong đó thường xuyên chú ý các đoạn được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng; (2) Trong lập quy hoạch tích hợp tổng thể phát triển kinh tế xã hội địa phương, các quy hoạch phát triển ngành, những vị trí gần sông, Tỉnh đã tích hợp việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá để phân làm 03 nhóm là: Khu vực có nguy cơ sạt lở cao nhằm cảnh báo và các giải pháp xử lý; khu vực an toàn sẽ quy hoạch xây dựng các khu dân cư di dời dân ở vùng nguy hiểm, các cơ sở sản xuất để phát triển kinh tế và khu vực bồi lắng gây lở bờ đối diện có đơn vị tư vấn tính toán chuyên ngành để biết thực hiện nạo vét chỉnh trị bằng nguồn vốn xã hội hóa.

2. Hiện nay trên địa bàn thị trấn Cô Tô có 03 công ty khai thác đá, việc khai thác và vận chuyển làm ô nhiễm môi trường sống trên địa bàn thị trấn Cô Tô. Đề nghị xem xét trích lại một phần kinh phí để đầu tư kết cấu hạ tầng và có một phần kinh phí để hỗ trợ cho người dân ở gần khu vực khai thác do ảnh hưởng của bụi đá, tiếng ồn của việc khai thác đá.

Theo quy định Luật Ngân sách nhà nước 2015, nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm. Trường hợp công trình đầu tư thuộc đối tượng được hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách địa phương do cấp tỉnh quản lý thì thực hiện cơ cấu nguồn vốn hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 nguồn ngân sách địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Cô Tô có 03 công ty được UBND tỉnh cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường gồm: Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang, Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Nhà hàng Khách Sạn Hòa Bình và Xí nghiệp Khai thác và chế biến đá Cô Tô thuộc Công ty TNHH Một thành viên 622.

Theo báo cáo của các Công ty, trong năm 2021 bên cạnh việc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định thì hầu hết các công ty đều thực hiện hỗ trợ cho địa phương về xây dựng hạ tầng kỹ thuật (đường sá, cầu cống) và các công trình công cộng (trường học, nhà trẻ…). Cụ thể như: Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang đã hỗ trợ địa phương 12 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Thương mại Nhà hàng Khách Sạn Hòa Bình hỗ trợ địa phương 281 triệu đồng; Xí nghiệp Khai thác và chế biến đá Cô Tô thuộc Công ty TNHH MTV 622 đã hỗ trợ địa phương 1,75 tỷ đồng.

Nguồn: Văn bản số 500 /BC-UBND ngày 01/8/2022 của UBND tỉnh