Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Đắk Lắk, viết sao cho đúng?

Ngày đăng 12/09/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
Chắc nhiều bạn yêu thơ, còn nhớ bài thơ “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu, trong đó có đoạn nói về một số địa danh Tây Nguyên:
Ảnh minh họa

Ai đi Nam - Ngãi, Bình Phú, Khánh Hoà

Ai vô Phan Rang, Phan Thiết

Ai lên Tây Nguyên, Kông Tum, Đắc Lắc

Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung.

 Ta thấy có địa danh Đắc Lắc quen thuộc. Đây là một tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, phía bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía đông giáp các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, phía nam giáp các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông. Dưới sự cai trị của Pháp, địa danh này được thành lập từ năm 1904, theo quyết định của viên Toàn quyền Đông Dương Paul Beau. Tên chính danh trong văn bản thời đó (ghi theo tiếng Pháp) là Darlac [da:lak]. Từ năm 1976, theo quyết định của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Darlac hợp nhất với Quảng Đức thành tỉnh Đắk Lắk như ngày nay.

Như vậy, tỉnh Đắk Lắk hiện nay trước đó đã tồn tại một số cách viết: Darlac, Daklak, Dak Lak, Đắc Lắc,… Vậy tên nào được coi là chuẩn, là hợp lí nhất?

Địa danh Tây Nguyên cũng như địa danh một số vùng núi phía Bắc là một vấn đề liên quan tới ngôn ngữ và văn hóa. Về mặt từ nguyên, các danh từ riêng chỉ địa danh (tên đất), hay tên người (nhân danh), tên núi (sơn danh), tên sông (giang danh)… thường bắt nguồn từ cộng đồng dân tộc có mặt, sinh sống đầu tiên từ vùng đó.

Theo cổng thông tin điện tử của tỉnh Đắk Lắk thì tỉnh này có đông dân tộc sinh sống nhất: 47 dân tộc, gồm người Kinh, Ê Đê, Mnông (còn được viết là M’nông,  M’Nông, Mơ Nông)... Trong đó, dân tộc Kinh chiếm số lượng đông nhất, 70%. Các dân tộc thiểu số như: Ê Đê, Mnông, Thái, Tày, Nùng... chiếm gần 30%.

Theo các nhà nghiên cứu, Đắk Lắk [daːk laːk] bắt nguồn từ tiếng Mnông (phát âm gần giống như "đác lác") nghĩa là  “hồ Lắk”, với dak nghĩa là "nước" hay "hồ". Từ dak này, cũng giống như các từ  có âm “đạ” (Đạ Tẻh), “đà” (Đà Lạt, Đà Nẵng). Đa/ đạ/ đà là âm của một từ có nghĩa là “nước, nguồn nước, sông” của vùng người dân tộc sinh sống. Còn theo dân gian, Đắk Lắk trước cũng chính là tên chỉ một hồ đang tồn tại. Hồ này rộng và có trữ lượng nước ngọt tự nhiên lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk (đứng thứ hai, sau Hồ Ba Bể ở Bắc Kạn). Đắk Lắk có nghĩa là “Hồ Lắk”. Còn có nhiều địa danh vùng Tây Nguyên bắt đầu bằng “Đắk” như Đắk Glei, Đắk Hà, Đắk Mil, Đắk Nông, Đắk R’lấp, Đắk Rông, Đắk Tô

Như vậy, tên gọi Đắk Lắk là phiên âm cách đọc và chính tả được ghi theo âm của cách đọc này. Thực ra, về cách đọc, nó cũng cũng gần giống như Đắc Lắc. Sở dĩ thay chữ “c” là chữ “k” là mô phỏng cách đọc chính xác của người dân tộc Mnông (hơi láy âm [k] khi kết thúc âm tiết này). Cách viết Đắk Lắk chính thức sử dụng và có tính pháp lí theo thông tin số liệu của Tổng cục Thống kê công bố (Ban hành theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ,  2/3/1979). Địa danh Đắk Lắk cũng được sử dụng trong Phụ lục của Từ điển Ttiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học do tác giả Hoàng Phê chủ biên, nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2002./.

PGS. TS. Phạm Văn Tình

Nguồn: tuyengiao.vn