Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Nhất trí... cho xong!

Ngày đăng 26/12/2023

Xem với cở chữ : A- A A+
Xin ý kiến là phần việc thể hiện tinh thần cầu thị, ham học hỏi; cũng là một cách phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể. Thế nhưng, nếu nội dung gì, việc gì cũng mang ra xin ý kiến, nhất là các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, các nội dung chuyên sâu, chuyên ngành... thì quả là câu chuyện nực cười.
Responsive image

(Hình minh họa)

 

“Gần đây, văn bản xin ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành gửi về cơ quan ta quá nhiều. Anh em dù rất nỗ lực nhưng khó có thể góp ý đạt chất lượng. Trong khi phần việc này tốn quá nhiều thời gian, công sức theo kiểu vô thưởng vô phạt” - một chuyên viên bày tỏ bức xúc.

Nghe vậy, người cán bộ có thâm niên công tác bĩu môi: “Hơi đâu mà đóng với chả góp. Tốt nhất là cứ làm văn bản trả lời: Nhất trí! Mình cũng khỏe, mà bạn cũng vui”.

Cách gợi ý có phần thiếu trách nhiệm của vị cán bộ nọ lại chính là “phương án tối ưu” thường được các cơ quan chức năng lựa chọn. Có nghĩa khi có công văn xin ý kiến thì phần đa văn bản trả lời đều thể hiện tinh thần “nhất trí” rất cao với dự thảo. Có chăng chỉ là sự thêm bớt, sửa chữa tiểu tiết văn phong, lỗi chính tả, gọi là có góp ý cho phải phép, tránh gây sứt mẻ quan hệ với cơ quan bạn.

Những người trực tiếp trả lời văn bản cho rằng, chính việc xin ý kiến tràn lan khiến thủ tục hành chính thêm rườm rà, gây khổ cho nhiều bộ phận, mà lợi ích mang lại thì chưa được thẩm định kỹ lưỡng, trong khi những bất cập, bức xúc thì hiện hữu rõ mười mươi, nhất là gây lãng phí thời gian, công sức, vật tư văn phòng...

Một số quan điểm lý giải rằng: Tình trạng xin ý kiến diễn ra phổ biến có nguyên nhân chủ yếu thuộc về trách nhiệm của những người đứng đầu. Phải chăng, vì thiếu niềm tin vào khả năng xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản của đội ngũ thuộc quyền và bản thân nên người đứng đầu không dám đưa ra quyết định, để rồi việc gì cũng chấp nhận xin ý kiến ở khắp nơi?

Tất nhiên, xin ý kiến là phần việc thể hiện tinh thần cầu thị, ham học hỏi; cũng là một cách phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể. Thế nhưng, nếu nội dung gì, việc gì cũng mang ra xin ý kiến, nhất là các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, các nội dung chuyên sâu, chuyên ngành... thì quả là câu chuyện nực cười. Điều đó giống như một kiểu sợ trách nhiệm có tính chất hệ thống cần được sớm khắc phục, bằng không, bộ máy sẽ bị cuốn vào sự rối rắm theo kiểu “hành nhau là chính”.

Rất dễ nhận thấy, việc xin ý kiến hiện nay chủ yếu nặng phần hình thức, thế nhưng, trong một vài trường hợp lại biến cơ quan đi xin ý kiến rơi vào tình cảnh “đẽo cày giữa đường”. Có nơi, vốn dĩ văn bản gửi đi xin ý kiến đã có chất lượng tốt, nhưng sau khi cóp nhặt “lời vàng ý ngọc” ở nhiều nơi thì bỗng nhiên “trâu lành” thành “trâu què”, sản phẩm thu được như tấm áo chắp vá nham nhở, xấu xí...

Có nơi, do nhiều lý do khác nhau, người được giao nhiệm vụ tham gia đóng góp vừa thiếu tâm, vừa chưa đủ tầm nên sản phẩm thu được sau góp ý trở nên “lợi bất cập hại”. Lại có những cán bộ tham gia góp ý theo lối phán bừa, kiểu bề trên, đại thể: “Cần chuẩn bị lại”, “cần nâng cấp thêm”, cần xin ý kiến thêm chỗ này, chỗ kia... Những cách góp ý như thế chẳng những không giúp ích được gì mà còn gây khó khăn cho khâu vận hành hoàn thiện văn bản.

Công bằng mà nói, câu chuyện xin ý kiến và trả lời ý kiến còn rất nhiều vấn đề trăn trở, lo ngại đặt ra. Mong muốn rằng, câu chuyện trên sớm được khắc phục một cách triệt để bằng các giải pháp căn cơ, đồng bộ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Không thể kéo dài thêm tình trạng xin ý kiến tràn lan, giẫm đạp lên nhau và người trả lời hoặc là nhất trí cho xong, hoặc là “chọc gậy bánh xe”, góp ý thiếu trách nhiệm, thiếu trí tuệ, thiếu thiện chí, thiếu văn hóa.../.

Nguồn: tuyengiao.vn