Trước những khó khăn, thách thức đó, cả hệ thống chính trị của tỉnh tập trung lãnh đạo, điều hành cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân, An Giang đã thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội từng bước đưa cuộc sống nhân dân về trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Kết quả đã thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh (đạt 86,67%).
Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức thành công Kỳ họp tổng kết hoạt động khóa IX (nhiệm kỳ 2016 - 2021), đề ra phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND trong nhiệm kỳ tiếp theo.
![]() |
Trong năm 2021, An Giang đã huy động toàn lực, vận động mọi tầng lớp nhân dân tập trung chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất có thể cho cuộc bầu cử. Kết quả, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh thành công tốt đẹp. Với tỷ lệ cử tri đi bầu cao 99,66%, cuộc bầu cử thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng Nhân dân từ giai đoạn chuẩn bị đến ngày bầu cử. Điều này thể hiện ý thức, trách nhiệm cao của công dân trong việc lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho mình tham gia chính quyền các cấp, đồng thời khẳng định sự thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Sau cuộc bầu cử, trên cơ sở Hướng dẫn số 883/HD-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, An Giang đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ Nhất HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 bầu bộ máy lãnh đạo của HĐND, UBND tỉnh đảm bảo dân chủ, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và đúng quy trình, thủ tục theo quy định; bầu nhân sự của 04 Ban HĐND tỉnh đảm bảo đúng quy định, tạo nền tảng vững chắc và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ. Đi vào hoạt động từ sau kỳ họp thứ nhất đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã ổn định cơ cấu tổ chức, đủ sức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND theo Điều 104 của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Thường trực HĐND tỉnh An Giang gồm 07 thành viên (Chủ tịch hoạt động kiêm nhiệm), 02 Phó Chủ tịch (hoạt động chuyên trách), 04 Trưởng Ban (02 trưởng ban kiêm nhiệm và 02 trưởng ban chuyên trách). Có sự phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Thường trực để chủ động thực hiện nhiệm vụ; xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh; Quy chế phối hợp công tác giữa lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội với Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026...
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó đã trang bị cho mỗi đại biểu 01 máy tính bảng (Ipad), tất cả tài liệu các kỳ họp được đăng tải trên phần mềm kỳ họp không giấy để đại biểu HĐND tỉnh và khách mời truy cập nghiên cứu nhanh chóng, tiện lợi, hạn chế sử dụng văn bản giấy, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Trong năm 2021, HĐND tỉnh cũng đã tổ chức 02 kỳ họp chuyên đề giải quyết công việc đột xuất thuộc thẩm quyền theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, qua đó giải quyết kịp thời các vấn đề quan trọng ở địa phương; 02 kỳ họp thường lệ.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến ngày 31/12/2021, HĐND tỉnh An Giang khóa X đã tổ chức thành công 05 kỳ họp (trong đó có 02 kỳ họp chuyên đề và 03 kỳ họp được tổ chức bằng hình thức trực tuyến). Đã thông qua 59 nghị quyết (21 nghị quyết quy phạm pháp luật và 38 nghị quyết cá biệt) trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, có một số nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh An Giang giai đoạn 2021- 2025; Nghị quyết Chương trình phát triển nhà ở tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết quy định về vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh An Giang... Các nghị quyết được ban hành đều phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tạo ra sự đồng bộ trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phát huy được tiềm năng thế mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh An Giang ngày càng phát triển.
Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh luôn được quan tâm, phát huy dân chủ, đạt hiệu quả; không khí phiên chất vấn được đổi mới theo hướng đối thoại, tranh luận, có sự liên kết trả lời giữa các ngành liên quan và được truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi. Đường dây điện thoại tiếp nhận ý kiến của cử tri tại kỳ họp luôn được duy trì thực hiện, qua đó tiếp nhận thêm các thông tin phản ảnh của cử tri trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp HĐND. Những nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp phù hợp với tình hình của tỉnh, được cử tri, dư luận xã hội rất quan tâm. Cụ thể: Tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; khả năng công tác dự báo diễn biến tình hình dịch bệnh, khả năng đáp ứng về phòng trị bệnh trong thời gian tới và các giải pháp để sớm đưa tỉnh về trạng thái bình thường mới; kết quả việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19... Qua đó, góp phần giúp UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh hiệu quả.
Đối với hoạt động giám sát trong năm 2021, để giảm tải cho các sở ngành và các địa phương trong quá trình chuẩn bị cho công tác bầu cử và trong thời gian tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh tập trung giám sát qua văn bản báo cáo, nội dung tập trung vào việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; việc thực hiện các chính sách có liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; tình hình bố trí kinh phí thực hiện các chính sách, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế... trên địa bàn tỉnh từ khi thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 đến ngày 31/12/2022 (theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ)... và các nội dung quan trọng khác theo Nghị quyết về Chương trình giám sát 2021. Qua giám sát, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đều xây dựng báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị UBND tỉnh và các ngành, các cấp có thẩm quyền để có giải pháp chỉ đạo kịp thời, góp phần quan trọng cho việc điều hành và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh, việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo linh hoạt bằng nhiều hình thức: Thông báo triển khai việc tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri qua văn bản gửi về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc để tổng hợp hoặc linh hoạt tổ chức tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến đóng góp của cử tri liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh tiếp nhận, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua báo cáo tổng hợp nắm dư luận của Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Qua đó, Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan trả lời theo đúng quy định, những vấn đề được cử tri quan tâm, mang tính bức xúc sẽ được lựa chọn để đưa ra chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.
Tổ chức các phiên họp hàng tháng để giải quyết các công việc phát sinh giữa 02 kỳ họp, qua đó đã xử lý kịp thời các công việc cấp bách phát sinh do Ủy ban nhân dân tỉnh trình thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh, phát huy được vai trò của tập thể Thường trực trong việc trực tiếp xem xét, quyết định các nội dung công việc, đảm bảo tính khách quan, toàn diện... Nhất là, Thường trực HĐND tỉnh đã có ý kiến thống nhất chủ trương không thu học phí học kỳ I năm học 2021 - 2022 đối với toàn bộ trẻ mầm non, học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh, thời gian thực hiện 4 tháng. Qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, giảm bớt gánh nặng tài chính đối với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng của Covid-19, được dư luận và nhân dân đồng tình ủng hộ...
Trong năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HĐND tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như:
Trong năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh chưa thực hiện được hoạt động khảo sát, giám sát trực tiếp mà chỉ được tiến hành bằng hình thức giám sát qua văn bản; tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri qua văn bản...
Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo tờ trình, dự thảo nghị quyết chưa chủ động tổ chức thực hiện ngay từ khi đăng ký nội dung trình cho nên nội dung chuẩn bị chưa kịp thời hoặc không đảm bảo cơ sở pháp lý để thẩm tra cho nên để lại trình tại kỳ họp sau.
Hiện nay khối lượng công việc cần phải tham mưu, giúp việc và phục vụ cho hoạt động của Đoàn ĐBQH, ĐBQH, Thường trực, các Ban HĐND ngày càng lớn trong khi biên chế công chức của Văn phòng được giao sau khi hợp nhất chưa đảm bảo (giao biên chế hiện có thay vì biên chế được giao theo Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) cho nên công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ của Văn phòng gặp rất nhiều khó khăn.
Phát huy những kết quả hoạt động đã đạt được trong năm 2021, bước sang năm 2022, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang sẽ tập trung vào các nội dung trọng tâm như sau:
Thứ nhất: Tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để quyết định những chủ trương, biện pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ hai: Ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với 15 chỉ tiêu và các giải pháp quan trọng.
Thứ ba: Tiếp tục quán triệt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhất là đối với các đại biểu mới tham gia lần đầu là đại biểu HĐND tỉnh khóa X; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả nhằm phục vụ tốt hoạt động của HĐND tỉnh.
Thứ tư: Phối hợp với Sở Nội vụ để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã.
Thứ năm: Thực hiện tốt Chương trình Công tác của Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2022; Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh, giai đoạn 2021 - 2026.
Thứ sáu: Tập trung khảo sát, giám sát theo Nghị quyết về Chương trình giám sát của HĐND tỉnh trong năm 2022. Trong đó có giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc Ban hành Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, gắn với các giải pháp thực hiện an sinh xã hội, việc làm cho người lao động ổn định cuộc sống.
Thứ bảy: Tổ chức thành công Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026, do tỉnh An Giang đăng cai tổ chức./.
NGUYỄN NGUYỄN