Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong 6 tháng cuối năm 2018

Ngày đăng 19/07/2018

Xem với cở chữ : A- A A+
Chiều 17/7/2018, Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018, trình bày tại kỳ họp lần thứ 7 Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy:

Thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2018 phải đối mặt với tình hình thời tiết, sạt lở, sụt lún đất bờ sông diễn biến phức tạp, gây thiệt hại về đất đai, tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân cũng như thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nên kinh tế - xã hội của tỉnh đạt kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6,10%, cao hơn mức tăng cùng kỳ. Về cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực; chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được sự quan tâm thực hiện.

 

Responsive image

Đ/c Phan Thanh Tùng, Trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh

trình bày báo cáo thẩm tra tại diễn đàn kỳ họp lần thứ 7

 

Kết quả, tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn đạt 3.320 tỷ đồng, đạt 58,25% dự toán, tăng 6,95% so cùng kỳ; tổng chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 5.899 tỷ đồng, đạt 44,39% dự toán và tăng 16,36% so cùng kỳ. Công tác quản lý và điều hành ngân sách đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ chi theo dự toán được bố trí; tình hình tồn quỹ ngân sách cấp tỉnh và ngân sách các huyện, thị xã, thành phố luôn đảm bảo để kịp thời chi cho các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách như thiên tai, dịch bệnh, an ninh quốc phòng,… đúng Luật Ngân sách nhà nước.

Giá trị giải ngân 6 tháng đầu năm đạt 38,5% kế hoạch, giải ngân vốn đảm bảo đúng tổng mức, cơ cấu nguồn đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, công tác quyết toán dự án hoàn thành được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, qua đó các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đã nghiêm túc thực hiện lập báo cáo quyết toán dự án, công trình đúng thời gian quy định. Kim ngạch xuất khẩu đạt 388,32 triệu USD, tăng 10,52% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 54.319 tỷ đồng, tăng 11,15% so cùng kỳ….

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban kinh tế - ngân sách nhận thấy kinh tế tỉnh nhà cần được tập trung thảo luận, tìm biện pháp khắc phục một số vấn đề sau:

 

Responsive image

 

Trong 6 tháng đầu năm 2018, kinh tế tăng 6,10% so cùng kỳ năm trước nhưng tăng trưởng bình quân 6 tháng đầu năm vẫn đạt thấp hơn kế hoạch của cả năm 2018 ngành nông nghiệp cơ bản gặp nhiều thuận lợi về thị trường, giá lúa và năng suất các loại cây trồng cũng được đánh giá đạt ở mức cao. Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 1,71% thấp hơn mức tăng 2,03% của cùng kỳ.

Việc chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ cho doanh nghiệp, nông dân còn hạn chế; chuyển đổi cơ cấu sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi chưa nhiều; chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn; sự liên kết giữa hộ dân với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu còn gặp nhiều khó khăn; công tác kêu gọi đầu tư thực hiện chuỗi liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, quy mô thực hiện mô hình nông nghiệp còn nhỏ lẻ.

Nghị quyết số 40/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 của HĐND tỉnh chưa thật sự đi vào cuộc sống, các đối tượng cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, HTX, Liên hiệp HTX thực hiện sản xuất kinh doanh thuộc 08 nhóm sản phẩm nông nghiệp được quy hoạch sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao của tỉnh chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp.

Tình hình sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh rạch từ đầu năm đến nay diễn biến rất phức tạp gây thiệt hại về đất đai, tài sản và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất của người dân.

 

Việc củng cố, nâng chất hoạt động của các HTX theo Luật Hợp tác xã được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, mô hình Hợp tác xã kiểu mới còn nhiều bất cập: trình độ quản lý HTX của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, nguồn vốn góp trong thành viên HTX rất thấp, vốn điều lệ không đáng kể; các Giám đốc, Chủ nhiệm HTX và UBND các xã rất lúng túng trong hoạt động, trong kiện toàn bộ máy nhân sự, kể cả giải thể các HTX yếu kém; khả năng chủ động tiếp cận chính sách hỗ trợ tín dụng từ nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Công tác xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường chưa đáp ứng yêu cầu định hướng sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nên nông dân còn lúng túng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó tình trạng giá cả phân bón, thuốc trừ sâu luôn tăng cao vào đầu vụ; chất lượng kém làm gia tăng chi phí ảnh hưởng hiệu quả sản xuất của người nông dân.

Đối với công tác thu tiền nền cụm tuyến dân cư vượt lũ tiến độ thu còn chậm so với kế hoạch được giao; nợ vay đầu tư trạm bơm điện vẫn còn một số chủ khai thác chậm thanh toán với địa phương để trả nợ vay. Kết quả giải ngân đạt 38,5% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng còn một số dự án chưa được triển khai, một số dự án đã triển khai thi công nhưng tiến độ chậm. Đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2016, chỉ còn  07 xã giữ vững, duy trì nâng chất theo bộ tiêu chí mới; các xã còn lại giảm tiêu chí, một số tiêu chí nông thôn mới đạt kết quả chưa cao; tình trạng khai thác khoáng sản cát sông trái phép vẫn còn diễn ra tại một số địa phương nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để…

Qua đó, Ban kinh tế - ngân sách đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2018, cụ thể như sau:

Về lĩnh vực sản xuất nông, lâm và thủy sản:

Tập trung bảo vệ năng suất cây trồng để đảm bảo năng suất và sản lượng, đặc biệt quan tâm giá trị hiệu quả trên một đơn vị diện tích sản xuất; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến cáo nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, tăng cường quản lý quy hoạch đã phê duyệt, tránh tình trạng sản xuất tự phát. Cần tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác liên kết, hình thành cánh đồng lớn, quan tâm xây dựng các Hợp tác xã kiểu mới đúng luật, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Tập trung nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường cán bộ đủ mạnh để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, Hợp tác xã.

Để Nghị quyết số 40/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống, đề nghị cần tập trung nguồn vốn, sớm ban hành Quy chế hoạt động, cơ chế cho vay ưu đãi và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, cần quy định điều kiện cụ thể để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn nhanh chóng, thuận lợi. Để khắc phục tình trạng các xã đạt chuẩn “nông thôn mới” không giữ vững tiêu chí, chỉ tiêu. Do vậy đề nghị cần quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Kế hoạch của UBND tỉnh về duy trì và nâng cao các tiêu chí, chỉ tiêu đối với các xã đã đạt chuẩn “xã nông thôn mới” đến năm 2020. 

Lĩnh vực công nghiệp, đầu tư - xây dựng:

Tăng cường công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước. Kiên quyết xử lý đối với chủ đầu tư nếu dự án chậm quyết toán nhiều năm theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công và các quy định về quản lý vốn đầu tư. Ưu tiên bố trí thanh toán nợ xây dựng cơ bản, các khoản nợ vay, tạm ứng ngân sách địa phương khi đến hạn thanh toán; tăng cường công tác quản lý đầu tư, giám sát thi công, thanh tra trong và sau đầu tư. Đồng thời, triển khai kịp thời các Chương trình, dự án đầu tư đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2018 và giải ngân đạt kết quả cao nhất…

Đối với lĩnh vực tài nguyên, môi trường:

Tăng cường các giải pháp xử lý khẩn cấp, hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn đê bao, tính mạng và tài sản của người dân; nhanh chóng có phương án di dời, sắp xếp để người dân trong khu vực bị sạt lở ổn định cuộc sống. Tiếp tục nâng cao năng lực cảnh báo, theo dõi, quan trắc cảnh báo các đoạn sông xảy ra sạt lở; tiến hành khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở, cắm mốc giới hạn hành lang sạt lở nguy hiểm, đề xuất giải pháp chiến lược phòng chống sạt lở bờ sông, thiên tai, biến đổi khí hậu… Tăng cường quản lý đất đai, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép; rà soát lại các dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án có liên quan đến sử dụng đất trồng lúa; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đã thực hiện, thu hồi nếu nhà đầu tư không triển khai theo quy định Luật đất đai năm 2015.

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ và đầu tư:

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, quảng bá và mở rộng thị trường xuất khẩu; nâng cao chất lượng dự báo tình hình thị trường để kịp thời định hướng tốt trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhu cầu thị trường. Quan tâm mời gọi các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có tâm huyết đầu tư vào các khu công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; tập trung thực hiện kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Lĩnh vực tài chính - ngân sách:

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp về quản lý, điều hành thu, chi tài chính ngân sách; tập trung điều hành chi thường xuyên theo dự toán được duyệt, thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí…

Kiểm tra, đôn đốc tiến độ thu tiền bán nền các cụm, tuyến dân cư vượt lũ để đảm bảo nguồn trả nợ vay đầu tư tôn nền cụm, tuyến dân cư vượt lũ cho Ngân hàng Phát triển đúng hạn. Chỉ đạo các địa phương tích cực đôn đốc, vận động các chủ khai thác, tổ hợp tác, có trách nhiệm thanh toán tiền đầu tư đường dây, trạm biến áp (trả vốn và lãi đầu tư) theo hợp đồng đã ký kết; Đồng thời, cân đối đảm bảo nguồn vốn trả nợ vay kiên cố hóa kênh mương, không để nợ quá hạn (phần vốn tỉnh đã cho các huyện vay để trả nợ đến hạn đầu tư trạm bơm điện).

Về điều hành quản lý nhà nước

Sớm tổng kết việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm đánh giá kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao để có đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, định hướng phát triển cho những mô hình đạt hiệu quả thiết thực.

Nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp, sở ngành, Liên minh HTX trong củng cố, nâng chất hoạt động các Hợp tác xã theo Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác triển khai thi hành Luật HTX năm 2012; Triển khai thực hiện Nghị định số 55/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Đồng thời triển khai đề án liên kết sản xuất giống cá tra 03 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL đảm bảo cải thiện chất lượng, năng suất và hiệu quả đáp ứng nhu cầu nuôi, chế biến và xuất khẩu, góp phần tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ngày càng tốt hơn. Nghiên cứu và triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. 

Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác tài nguyên, khoáng sản và môi trường, nhất là việc khai thác cát trái phép./.

NGUYỄN NGUYỄN