Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

Cuộc gặp gỡ tất yếu của lịch sử

Ngày đăng 06/06/2022

Xem với cở chữ : A- A A+
"Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sống đất nước ta"[1].

Cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại. Ngày 05/06/1911, Người ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Đó là quá trình tìm đến chủ nghĩa Mác – Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng, đem đến sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội loài người, quá trình Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đến với chủ nghĩa Mác - Lênin được coi là "cuộc gặp gỡ tất yếu của lịch sử". Từ cuộc gặp gỡ lịch sử tất yếu này đã đem đến cho dân tộc Việt Nam một ánh sáng mới – ánh sáng của hoà bình, độc lập, thống nhất, Nhân dân Việt Nam được sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc cho đến hôm nay.

Từ cuộc gặp gỡ lịch sử

Ngày 01/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Từ giữa thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX, phong trào kháng chiến chống Pháp bắt đầu bùng lên, dâng cao và lan rộng cả nước nhưng tất cả đều thất bại. Nhân dân Việt Nam điêu đứng trước cảnh nước mất, nhà tan, trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Trong bối cảnh ấy, vấn đề bức xúc đặt ra cho Nhân dân ta là làm thế nào để cứu nước, cứu dân, giành lại độc lập tự do, giải phóng dân tộc.

Bac-di-tim-duong-cuu-nuoc.jpg

Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đặt chân lên con tàu Amiral Latouche Treville tại bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Kim Liên, Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng. Sớm tiếp thu tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng thương dân sâu sắc và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của ông cha. Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, sự thất bại của các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ngày 05/6/1911, với lòng yêu nước thiết tha và ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, Nguyễn Tất Thành rời cảng Sài Gòn, bắt đầu hành trình cứu nước với ý tưởng và mong muốn: "Tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta", "tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu"[2]. Ý tưởng và mong muốn này là nhận thức đầu tiên của Nguyễn Tất Thành về thế giới và thời đại, là nhân tố quan trọng tác động trực tiếp đến tư tưởng và hành động của Người sau này. Tháng 7/1920, sau khi đọc "Sơ thảo Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của lãnh tụ V.I.Lênin. Luận cương đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần, nghị lực và tình cảm của Nguyễn Ái Quốc trong bước ngoặt tìm đường cứu nước. Đây là điều đã gây cho Người sự xúc động lớn nhất, Người viết: "… Luận cương của Lênin đã làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đày đọa và đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế ba"[3], Người còn khẳng định: "chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ"[4], cũng từ đây Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo quốc tế III. Và cuối cùng Người đi đến quyết định lựa chọn con đường giải phóng dân tộc là "muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản"[5].

Có thể nói, với việc tìm ra con đường cứu nước mới cho dân tộc, đã thể hiện sự đột phá về tư duy lý luận của Nguyễn Ái Quốc, đó chính là sự kết hợp giữa hai yếu tố khách quan và chủ quan, giữa thế giới quan và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin với tính năng động chủ quan, tư duy sắc sảo, trí tuệ minh triết và tài năng thiên bẩm hơn người của chính Nguyễn Ái Quốc, chúng đã hoà quyện vào nhau đúng vào thời điểm lịch sử, tạo nên điều kiện cần và đủ để Nguyễn Ái Quốc rút ngắn quá trình tìm đường cứu nước chỉ sau 10 năm. Sẽ là sai lầm nếu chúng ta tách rời hai yếu tố, một là cường điệu hoá nhân tố chủ quan, biến Nguyễn Ái Quốc thành một ông thánh, cắt đứt lịch sử, xa rời thực tiễn, hoặc là sai lầm hơn khi cho rằng sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa Mác – Lênin vào thời điểm này không liên quan gì đến Nguyễn Ái Quốc.

Đến những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội

Từ cuộc gặp gỡ lịch sử ấy, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, xem chủ nghĩa Mác - Lênin không những như "cái cẩm nang thần kỳ", là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta, đến với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, Người từng khẳng định: "bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin"[6]. Tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tạo ra bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã vùng lên giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phá tan gông xiềng nô lệ hơn 80 năm của chế độ thực dân, xoá bỏ chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đầu tiên ở Đông Nam Á; thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược năm 1954, đặc biệt là thắng lợi trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với chiến dịch lịch sử mang tên Hồ Chí Minh, đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, hoà bình, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bac-di-tim-duong-cuu-nuoc-1.jpg

Sách ảnh "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Hành trình cứu nước"

Tiếp nối sự nghiệp cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: "Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay"[7]. Những thành tựu đó minh chứng cho con đường mà Đảng, Nhân dân ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn hoàn toàn đúng đắn, hợp quy luật và phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam - đó là con đường đi theo ánh sáng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chính vì thế, trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định: "Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng… Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động"[8].

Kỷ niệm 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2022), là dịp để chúng ta nhìn lại cống hiến vĩ đại của Người trên hành trình tìm đường cứu nước, một lần nữa khẳng định rằng, con đường Bác đến với chủ nghĩa Mác - Lênin là con đường đúng đắn, phù hợp với xu thế tất yếu của lịch sử và thời đại. Trước bối cảnh mới của tình hình trong nước và quốc tế, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các thế lực thù địch không ngừng công kích, chống phá dữ dội. Song, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm cao và nỗ lực lớn, năng động, sáng tạo hơn để khắc phục khó khăn góp phần hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn hơn 100 năm trước, tiến tới xây dựng nước Việt Nam "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vững bước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng nước Việt Nam phát triển, phồn vinh, hạnh phúc như Bác Hồ kính yêu từng mong muốn./.

Lê Hữu Lợi

Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

_______________

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr.627.

[2] Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2006), Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử - tập 1 (1890 -1929). Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.112.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr.562.

[4] Sđd, tr.563.

[5] Sđd, tr.30.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr.289.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập 1), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.25.

[8] Sđd, tr.33.

Nguồn: www.angiang.dcs.vn