Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Văn phòng ĐĐBQH và HĐND tỉnh An Giang

Cổng Thông tin điện tử

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

tỉnh An Giang

An Giang: Một số thành tựu qua 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ

Ngày đăng 30/07/2019

Xem với cở chữ : A- A A+
(TGAG)- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân An Giang vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, chuẩn bị chu đáo cả thế và lực tại chỗ cùng toàn miền Nam đứng lên Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của mình, giải phóng các huyện, thị xã trên địa bàn hai tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà (thuộc tỉnh An Giang ngày nay), bóp chết âm mưu của các thế lực hiếu chiến, ngoan cố muốn dựa vào lực lượng phản động để “tử thủ”, mong chờ sự trở lại của thế lực từ bên ngoài; góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chưa kịp khắc phục hậu quả chiến tranh, An Giang lại phải chịu thiệt hại rất lớn từ thảm họa diệt chủng và chính sách gây chiến của tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary; cùng với cả nước thực hiện quyền tự vệ chính đáng, chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Đồng thời đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia và nhân dân Campuchia anh em, cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

 

Do hậu quả chiến tranh rất nặng nề, trong 4 năm 1976-1979 sản lượng lương thực chỉ đạt 500 ngàn tấn, có năm thiên tai như 1978 sụt giảm, còn trên 369 ngàn tấn (dân đói); từ 1980 đến 1986 cũng chỉ quanh mức 741 ngàn tấn (1980) đến 855 ngàn tấn (1986). Tính chung, 10 năm sau giải phóng, mặc dù toàn Đảng bộ và nhân dân tập trung cho sản xuất lương thực, nhưng chỉ tăng được 400 ngàn tấn, bình quân tăng 40 ngàn tấn/năm (Trung ương không phải cứu trợ).


Đại Hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV tháng 10/1986 đặt ra yêu cầu phải đổi mới cơ chế quản lý; phải tháo gỡ mọi ách tắc, rào cản, kiềm hãm lực lượng sản xuất,… Một loạt giải pháp đột phá được đặt ra, nhiều giải pháp được Trung ương nhân rộng. Điển hình là từ 1 giá bao cấp đi đến 2 giá, rồi chỉ 1 giá - thị trường; xóa bỏ mọi rào cản từ sản xuất đến lưu thông; bù giá vào lương, xóa bỏ cấp lương bằng hiện vật;… Đặc biệt nhất là đã đưa đất đai về tay nông dân; máy móc được trả về cho người chủ biết sử dụng… “Chương trình khuyến nông” ra đời (1988-1989); tiếp đó là chương trình khuyến công (5/1996)...

 

An Giang đã bứt phá đi lên ngoạn mục, là tỉnh luôn luôn dẫn đầu về năng suất và sản lượng lương thực cũng như một số lĩnh vực khác, đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới. Sau 10 năm đổi mới, GDP tăng trưởng liên tục, đặc biệt là từ 1992-1995 tăng trên 2 con số; sản lượng lương thực tăng 1,3 triệu tấn, bình quân tăng 130 ngàn tấn/năm; xuất khẩu từ 10 triệu USD lên 155 triệu; thu ngân sách bảo đảm tự cân đối chi thường xuyên, đồng thời còn đóng góp về Trung ương.

 

Để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại, An Giang đã xác định mục tiêu: Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của An Giang bằng mức trung bình của cả nước, đến năm 2020, quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long”. Xác định 3 khâu đột phá là: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt là nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đổi mới mạnh mẽ khâu tuyển chọn, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ chủ chốt các cấp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường thu hút đầu tư; đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến.

 

Năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP, theo giá so sánh 2010) tăng 6,52% so năm 2017. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,04% (năm 2017 tăng 0,55%), khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,88% (cùng kỳ tăng 6,38%), khu vực dịch vụ tăng 8,64% (năm 2017 tăng 6,5%). So 13 chỉ tiêu theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, có 12 chỉ tiêu đã thực hiện đạt và vượt (chiếm 92,31%), 1 chỉ tiêu không đạt (giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân năm 2018 đạt 170 triệu đồng/ha, chỉ tiêu là 183 triệu đồng/ha). Trong đó, có những chỉ tiêu hoàn thành ấn tượng như: GRDP tăng 6,52%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, kim ngạch xuất khẩu 840 triệu USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 28.837 tỷ đồng, thu ngân sách từ kinh tế địa bàn 5.866 tỷ đồng, 60% lao động được đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,55%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế 81,5%, đạt 21,95 giường bệnh/10.000 dân, tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán 22,4%, có 46/119 xã nông thôn mới (vượt 3 xã). 

 

 Là tỉnh biên giới, An Giang luôn ra sức xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương của tỉnh, huyện và sở chỉ huy các cấp. Hoạt động cắm mốc và quản lý biên giới, lãnh thổ được chú trọng, kịp thời nắm bắt, trao đổi thông tin tình hình trật tự xã hội, an ninh biên giới, giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh giữa cư dân hai bên, đảm bảo theo pháp luật của mỗi nước. Công tác phối hợp giữa lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng ngày càng chặt chẽ, kịp thời xử lý các tình huống nảy sinh. Hoạt động đối ngoại với các tỉnh giáp biên giới được quan tâm, duy trì họp định kỳ ở 03 cấp; hoạt động giao thương, giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên.

 

Cùng với tập trung phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo vững chắc an ninh-quốc phòng; Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh”. Xác định nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề bức xúc, những việc cần làm ngay để tập trung giải quyết; phân công trách nhiệm, lộ trình cụ thể gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát… Qua đó, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được nhận dạng rõ hơn, giúp các cấp uỷ và từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt tự tu dưỡng, rèn luyện và nghiêm túc sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. Một số vụ việc phức tạp, bức xúc kéo dài được tập trung giải quyết dứt điểm, tạo sự đồng tình, niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phần lớn các tổ chức và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành giữ vững lập trường chính trị, đạo đức, lối sống, an tâm công tác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, chưa có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. 

Năm 2019 là năm đánh dấu 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, phát huy các truyền thống tốt đẹp của quê hương và Đảng bộ; mỗi chúng ta cố gắng hơn nữa nhằm đưa An Giang nhanh chóng phát triển, ngày càng giàu đẹp; xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Hiệp Hùng Nguồn: tuyengiaoangiang.vn